Traphaco hiện phát triển mạnh mảng Đông dược. Lãnh đạo công ty tự tin sẽ dẫn đầu cả ngành dược vào 4 năm nữa, như đã cam kết với cổ đông.
"Mục tiêu này hoàn toàn khả quan, khi kết quả kinh doanh thời gian qua khá tốt ở các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, cổ tức. Với đà tăng trưởng đó, chúng tôi có đủ năng lực để đạt doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa thị trường cao nhất ngành dược vào 2020", ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho hay.
Hiện có 17 doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2016, tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm của Traphaco trên 881 tỷ đồng, lợi nhuận ròng hợp nhất 101 tỷ đồng, tăng trưởng 32%. Tính riêng trong quý II/2016, Traphaco đạt lợi nhuận sau thuế hơn 61 tỷ đồng, tăng 42,43% so với cùng kỳ.
Theo Tổng giám đốc Traphaco, để kế hoạch đề ra nhanh chóng hiện thực hóa, công ty sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất dược Việt Nam vào năm 2017. Đây là dự án lớn, xây dựng trên khu đất 46.288m², với công suất 1.200 triệu đơn vị sản phẩm mỗi năm. Nhà máy sẽ tạo ra hơn 400 công ăn việc làm cho địa phương.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm phát triển thương hiệu, lãnh đạo Traphaco cho biết, minh bạch là một trong những yếu tố giúp Traphaco phát triển bền vững, hiệu quả. Để đảm bảo tính minh bạch, công ty đã xây dựng các bộ quy chế hoạt động, kiểm soát công khai dựa trên các mục tiêu của doanh nghiệp cũng như quy định của pháp luật để định hướng cho toàn thể cán bộ công nhân viên thực hiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao trong quản trị hệ thống phân phối (DMS), trang bị máy tính bảng cho nhân viên kinh doanh để cập nhật và phân tích chính xác dữ liệu bán hàng. Hệ thống này giúp quản lý thông tin từng khách hàng, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định chính xác khi muốn phân tích các số liệu của từng nhà thuốc mà không cần hệ thống báo cáo của nhân viên bán hàng.
Nhờ vậy, năm 2015, doanh thu Traphaco đạt 1.974 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế trên 180 tỷ đồng, tăng trên 23% so với năm 2014. Việc thay đổi hệ thống bán buôn có số lượng khách hạn chế chuyển sang bán lẻ đã mang về cho Traphaco trên 22.000 khách hàng bán lẻ.
Traphaco đã liên tục nghiên cứu, phát triển chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu - công nghệ - sản phẩm - dịch vụ phân phối. Nhờ đó, Traphaco đã đưa ra thị trường các sản phẩm độc đáo trong công thức, có hiệu quả điều trị, an toàn cho người sử dụng và khả năng cạnh tranh tốt với các sản phẩm nhập ngoại.
Hai dòng sản phẩm chủ lực của Traphaco là thuốc bổ gan Boganic và hoạt huyết dưỡng não Cebraton. Hai sản phẩm này xếp thứ 2 và 11 trong top 20 dược phẩm OTC (thuốc không cần kê đơn) có doanh thu đứng đầu thị trường, theo báo cáo quý II/2016 của Công ty nghiên cứu thị trường IMS.
Năm nay, công ty dự kiến tổng doanh thu bán hàng 2.100 tỷ đồng (chưa gồm VAT). Trong đó, hàng sản xuất và độc quyền phân phối khoảng 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước tính 210 tỷ đồng. Từ nay đến 2020, mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu ít nhất 12% một năm, lợi nhuận tăng 15% qua mỗi năm.
Mới đây, Traphaco được Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp công ty nằm trong bảng xếp hạng. Trước đó, Traphaco xếp thứ 31 trong danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam cũng do tạp chí này bình chọn.
“Với chiến lược phát triển thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm, Traphaco không chỉ được khẳng định trên bảng xếp hạng 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam mà còn qua mối quan hệ mà Traphaco tạo ra trong tâm trí người tiêu dùng”, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco khẳng định.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015-2018 dự kiến đạt gần 16% một năm, với doanh số năm 2015 đạt 3,5-5 tỷ USD.
Nguồn: VnExpress