Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra chiều nay (10/7), đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (MCK: VNM) cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu ước hoàn thành 50% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế ước hoàn thành 55%.

Năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.830 tỷ đồng. Căn cứ theo báo cáo của đại diện VNM thì 6 tháng đầu năm, công ty ước đạt doanh thu 19.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.756 tỷ đồng.

Cũng dựa trên kết quả kinh doanh này, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết, thay vì tạm ứng 20% cổ tức cho cổ đông, Công ty quyết định tạm ứng 40%. Lộ trình đến tháng 4/2016, ĐHĐCĐ sẽ quyết định tỷ lệ cổ tức năm 2015.

Về việc VNM đề nghị giảm sở hữu của SCIC, bà Mai Kiều Liên cho biết, đây là chủ trương của Chính phủ để Cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Việc thoái vốn của SCIC là do SCIC quyết định.

Tuy nhiên, bà Liên khẳng định, cổ đông công ty đừng có ai lớn quá, ai nhỏ quá. Điều này giúp doanh nghiệp tự chủ và cạnh tranh được. Thị trường ngày nay rất quyết liệt, nếu không có quyết sách nhanh thì sẽ không thành công được.

Nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc VNM dành ra 4.000 tỷ đồng thực hiện M&A, bà Liên cho biết Công ty thực hiện 2 mục tiêu: đầu tư vào nơi có giá nguyên liệu rẻ và đầu tư vào các công ty sữa sản xuất thành phẩm như Miraka. Đến nay, công ty vẫn đang cân nhắc các cơ hội đầu tư, nếu có cơ hội tốt, VNM sẽ triển khai rất nhanh.

Nói về Miraka, bà Liên cho biết, Vinamilk đầu tư vào nơi có giá thành nguyên liệu thấp nhất. Miraka xuất khẩu trên 13 nước và có lợi nhuận, khi đầu tư hiển nhiên Vinamilk được hưởng thêm phần lợi nhuận đó. Tỷ lệ hoàn vốn tại Miraka là 20%, bà Lê Hoa Thanh Trúc, giám đốc đầu tư Vinamilk cho biết.

Nhà đầu tư tỏ ra quan tâm về thị trường và tỷ trọng xuất khẩu của Vinamilk, bà Liên cho biết tỷ trọng xuất khẩu cao nhất chỉ khoảng 15%, con số đó được duy trì từ khi  thành lập đến nay. Vinamilk luôn đề cao chiến lược nội địa, chỉ tập trung vào nội địa, ngoài ra sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu sữa.

Đối với Myanmar, VNM đã xuất khẩu được 2- 3 chuyến, sữa VNM cũng đã vào Cuba vào cách đây 3 năm thông qua 1 nhà phân phối, tuy nhỏ nhưng có sự tăng trưởng. Năm nay xuất khẩu của VNM tăng trưởng hơn các năm qua, một số thị trường Châu Phi cũng đã quan tâm tới sản phẩm của Vinamilk.

Trong một vài năm tới, bà Liên nói  Vinamilk sẽ hướng tới xuất khẩu sữa tươi Việt Nam. Hiện giá sữa thu mua nguyên liệu của VNM so với giá sữa thế giới cao hơn 20% và số lượng nông dân cao hơn 30%. Đến 2018, khi Việt Nam tham gia mọi cam kết thì sữa nhập khẩu vào Việt Nam giảm từ 3-5% còn 0%. Do đó, VNM sẽ cố gắng tăng năng suất cùng với người nông dân, kéo giá sữa bằng giá thế giới. 
Khổng Chiêm