Có không ít ý kiến hoài nghi về thông tin Tập đoàn Phú Thái đang thúc đẩy đàm phán để trở thành đơn vị lắp ráp và phân phối xe Volkswagen tại Việt Nam trong bối cảnh bê bối gian lận khí thải đang bùng phát dữ dội trên toàn cầu.
Thông điệp “nhạy cảm” gây nghi ngờ
Volkswagen đang gặp “đại hạn” sau khi những “thủ thuật” mang mưu đồ làm giảm lượng khí thải trên nhiều dòng xe chạy dầu (diesel) trong quá trình đo kiểm nhằm qua mặt các cơ quan chức năng bị phát giác tại Mỹ. Vụ việc nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới lập tức đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn xe Đức.
Trong giai đoạn khủng hoảng của Volkswagen đang leo thang và chưa tìm được lối thoát, thì ở Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Holdings) bất ngờ lên tiếng về dự án đưa xe Volkswagen vào lắp ráp trên dải đất hình chữ S.
Vốn là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề và có tiềm lực kinh tế mạnh, cùng với đó là kinh nghiệm lắp ráp và phân phối các dòng xe siêu trường, siêu trọng cho Tập đoàn Caterpillar (Mỹ), PhuThai Holdings có nhiều cơ sở để hiện thực hóa dự án trên.
Mặc dù, dự án đầu tư nhà máy lắp ráp xe Volkswagen tại Việt Nam mới được xác nhận đang ở giai đoạn đàm phán, nhưng thời điểm Tập đoàn Phú Thái phát đi thông điệp lại rất “nhạy cảm” và điều đó đã làm nảy sinh nhiều ý kiến nghi ngờ về độ xác thực của dự án.
PhuThai Holdings dù đang là một tập đoàn kinh tế lớn và kinh doanh ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng thương hiệu Phú Thái đối với công chúng lại khá mờ nhạt. Những ngành nghề sinh lợi lớn cho tập đoàn này như: Hàng tiêu dùng, thực phẩm, tài chính,… thường được định danh bằng những thương hiệu khác. Trong khi đó, tên gọi Phú Thái gắn với hoạt động kinh doanh thiết bị công nghiệp và xe siêu trường siêu trọng lại là một lĩnh vực hẹp trên thương trường.
Ông Đức Thành, chuyên gia phân tích thương hiệu của một doanh nghiệp truyền thông lớn cho rằng, nếu PhuThai Holdings thành công trong việc đưa dây chuyền lắp ráp xe Volkswagen vào Việt Nam thì đó là tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp lại lựa chọn thời điểm tập đoàn xe Đức đang gặp bê bối để hé lộ thông tin.
Đi ngược xu thế
Volkswagen đã được bán ở Việt Nam thông qua nhà phân phối World Auto từ năm 2007. Tuy nhiên, thương hiệu xe Đức này không mấy nổi bật trên thị trường và doanh số bán xe hàng năm khá thấp, chỉ khoảng 100 xe/năm. Nếu PhuThai Holdings bắt tay được với Volkswagen để lắp ráp xe tại Việt Nam thì quyền phân phối sẽ về với tập đoàn này.
Theo nguyên tắc lựa chọn đối tác hợp tác của hầu hết các hãng xe lớn trên thế giới, để đủ tiêu chuẩn lắp ráp xe thì không chỉ đầu tư nhà máy theo đúng quy chuẩn của hãng mẹ, mà doanh nghiệp còn phải thực hiện phân phối xe tại thị trường đó trong vòng ít nhất hai năm. Quy định này không chỉ để hãng mẹ đánh giá năng lực đối tác, mà còn có tác dụng tìm hiểu sâu hơn về thị trường, phục vụ cho việc lựa chọn sản phẩm vào quá trình lắp ráp xe sau này.
Nếu năm 2016, PhuThai Holdings trở thành đối tác duy nhất của Volkswagen tại Việt Nam, thì sớm nhất cũng phải đến năm 2018, tập đoàn này mới có thể bắt đầu thực hiện lắp ráp xe. Trong khi đó, đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng cách tính thuế nhập khẩu bằng 0 đối với mặt hàng ô tô sản xuất trong khu vực ASEAN, theo Hiệp định Thương mại tự do AFTA.
Kế hoạch đầu tư lắp ráp xe Volkswagen của PhuThai Holdings sẽ phải đối mặt với những trở ngại rất lớn đến từ thị trường và sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện tại, lãnh đạo một liên doanh ô tô trong nước (xin được giấu tên) khẳng định.
Chưa thể khẳng định Tập đoàn Phú Thái dựa vào khủng hoảng của Volkswagen để tăng mức độ nhận diện thương hiệu và dự án đầu tư lắp ráp xe phải chờ đến giữa năm 2016 mới rõ ràng nhưng hành động vừa qua cũng ít nhiều đưa tên tuổi Phú Thái đến gần hơn với công chúng, ông Đức Thành chuyên gia phân tích thương hiệu phân tích.
Dự án lắp ráp xe của Tập đoàn Phú Thái có vẻ như đang đi ngược với xu thế diễn ra ở Việt Nam, khi các liên doanh ô tô đang chuyển dịch mô hình kinh doanh sang xe nhập khẩu nguyên chiếc, thay vì đầu tư vào sản xuất, lắp ráp.
Nếu Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong những năm tới, thì mặt hàng ô tô sản xuất tại những nước nằm trong vành đai trên cũng sẽ được ưu đãi thuế nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong hai năm trở lại đây, các hãng xe lớn trên thế giới như: Audi, Mercedes-Benz, Toyota và BMW,… tăng cường đầu tư vào Brasil và Mexico (đều tham gia TPP) với những nhà máy có công suất lớn.
Chính bởi vậy, xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn nếu tỷ lệ nội địa hóa không đủ để hạ giá thành sản phẩm xuống ngang hoặc thấp hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á hoặc các thành viên thuộc TPP, vị lãnh đạo liên doanh ô tô trên phân tích.
Không những vậy, tham vọng bán được 6 nghìn xe trong năm đầu tiên và lắp ráp 6 mẫu xe ở giai đoạn đầu của Tập đoàn Phú Thái cũng được đánh giá khó khả thi. Số lượng xe lắp ráp của liên doanh ô tô lớn nhất Việt Nam là Toyota hiện cũng đang dừng ở con số 6, còn THACO Trường Hải nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp này cũng phải mất cả chục năm để đạt được những con số như vậy, ông T.N.Kiên, kỹ sư nghiên cứu sản phẩm của một hãng xe ở Việt Nam khẳng định.
Có thể Volkswagen sẽ lựa chọn đầu tư sản xuất vào Việt Nam làm “bàn đạp” để lấn sân sang một số thị trường lân cận như Campuchia, Lào và Myanmar. Tuy nhiên, trong thời điểm bước vào thời kỳ hội nhập đầy chông gai với mặt hàng ô tô, Tập đoàn Phú Thái không dễ để “thuyết phục” được Volkswagen đầu tư lắp ráp xe vào Việt Nam.
Thay vào đó, mô hình kinh doanh xe nhập khẩu và từng bước chiếm lĩnh thị trường các nước lân cận mà Audi Việt Nam đang thực hiện với những dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, có thể sẽ là hướng đi phù hợp hơn, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo Phúc Lâm
Báo Giao thông