Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu sáng nay, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI kiêm Chủ tịch PAN Group cho rằng thời điểm hiện tại Việt nam đã hội tụ đầy đủ những điều mà 10 năm trước chúng ta mơ ước và đây là thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa để đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Hưng, Thủ tướng đã cam kết sẽ có chuẩn mực cho ngành tài chính để đáp ứng việc hội nhập quốc tế. Việt Nam vẫn có các lợi thế như cách đây 10 năm như nền kinh tế ổn định, người dân vay mượn thấp nên khủng khoảng ảnh hưởng đến Việt Nam không nhiều, thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 2.200 USD.
Ông Hưng cho rằng Việt Nam có thị trường nội địa tương đương sức mua trên 5.000 USD/người, điều này có nghĩa rằng rất nhiều các nhà sản xuất nước ngoài có thể kết hợp với các DN Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Duy Hưng (phải)
|
Khi TPP mở ra bản thân DN Việt Nam có cơ hội mang sản phẩm của mình ra nước ngoài mà không cần bảo hộ. Khi có dòng vốn vào, chúng ta có thị trường nhưng các doanh nghiệp trong nước phải có đủ khả năng để triển khai các dự án lớn. “Tôi thấy Vingroup, rất ít doanh nghiệp có thể triển khai các dự án lớn như thế. Nếu có cơ chế xứng đáng có các DN như thế mang lại hiệu quả tốt”.
Bên cạnh đó, các thị trường cạnh tranh trong khu vực lại gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta nhìn Indonesia, Thái Lan, Myanmar..đều có vấn đề, và nguồn vốn đang quay trở lại Việt Nam.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh của DN trong nước trước sức ép của dòng vốn nước ngoài, ông Hưng tự tin cho rằng "Ngày hôm nay chúng tôi - những doanh nghiệp lớn lên một phần nhờ nguồn vốn nước ngoài vào đây, chúng tôi muốn cạnh tranh bằng chính thế mạnh của chúng tôi mà chúng tôi không cần sự bảo hộ".
Ông Hưng cho rằng sắp tới Việt Nam có thể từ chối vay mượn ODA bởi nếu phải “tự thân vận động” thì các doanh nghiệp sẽ tiếp cận nguồn vốn mới và hiệu quả sẽ lớn hơn. ICOR của Việt Nam sẽ hạ xuống khi không dùng vốn ODA.
Phương Mai - Minh Quân