Chia sẻ với chúng tôi trước giờ Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đạt được thỏa thuận chung, ông Nguyễn Hạnh (Jonathan Hạnh Nguyễn), Chủ tịch Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) không giấu được niềm vui. Ông cho biết, TPP và FTA Việt Nam - EU là điều ông và các đối tác mong chờ từ lâu, từ 10 năm trước, khi ông bắt đầu kinh doanh hàng hiệu, chứ không phải khi cuộc đàm phán đầu tiên khởi động.

“10 năm qua bán hàng hiệu, tôi kinh doanh với quan điểm là phải chịu đựng. Tức cả tôi và đối tác đều chấp nhận mức lãi rất thấp để nuôi thị trường tương lai. Đối tác và chúng tôi đều san sẽ mức thuế cao hiện nay để tồn tại chờ thị trường rộng mở. Chúng tôi kinh doanh lớn, doanh số lớn chứ lãi rất thấp, bởi thuế đánh vào hàng hiệu rất cao”, ông Hạnh cho biết.

Cũng theo doanh nhân này, tương lai thị trường mà ông nuôi dưỡng đã mở. Có rất nhiều điều thuận lợi cho doanh nghiệp hàng hiệu. Đầu tiên, khi gia nhập thị trường chung, thuế giảm, doanh nghiệp không phải tốn kém chi phí xuất ngược các mặt hàng thời trang qua mùa (hàng tồn lỗi mốt) về lại cho đối tác để bán trong các cửa hàng factory outlet (nơi chuyên bán hàng qua mùa của những nhãn hiệu tên tuổi với giá rất mềm), do đặc tính hàng thời trang chỉ 6 tháng là lỗi mốt.

Chính vì vậy mà lâu nay, hàng này thường phải tái xuất, trong khi người tiêu dùng trong nước lại không được sử dụng với giá giảm sâu hơn.

“Nếu có TPP, tôi sẽ tiên phong đầu tư ngay 1-2 trung tâm factory outlet đúng nghĩa tại Việt Nam. Mở được các điểm mua sắm này, doanh nghiệp đỡ tốn chi phí tái xuất hàng tồn, mà người dân trong nước lại có điều kiện sử dụng hàng hiệu với giá mềm. Chưa kể chúng ta thu hút được lượng lớn khách nước ngoài đến du lịch, mua sắm”, ông Hạnh tính toán.

Vị này cũng chia sẻ tham vọng sẽ mở ngay 3-5 cửa hàng bán hàng hiệu miễn thuế trong nội thành, với chi phí đầu tư 300-500 triệu USD. Theo ông thì các nước trong khu vực hầu như đều có loại hình cửa hàng này, trong khi Việt Nam đến nay vẫn trống. Điều này khiến khách du lịch đến Việt Nam nhàm chán, ít tiêu xài, mà một lượng rất lớn tiền trong nước cũng chảy ra nước ngoài, bởi người dân đổ tiền đi du lịch, để được mua sắm.

Về câu chuyện được mất của Việt Nam khi gia nhập TPP, doanh nhân này khẳng định, chắc chắn người bán hàng hiệu như ông sẽ vui mừng nhất. Nhưng cũng như ông, các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân cũng sẽ hưởng lợi song song, chứ không phải chỉ có khó khăn.

Ông Hạnh dẫn chứng, như đặc thù ngành hàng phía IPP kinh doanh là cao cấp, đối tác chủ yếu các nước phát triển của châu Âu, Mỹ. Các nước này xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Việt Nam và họ cũng có nhu cầu nhập lại các mặt hàng là lợi thế của chúng ta, như nông thủy sản, hàng dệt may. Nếu hàng hóa mình đảm bảo chất lượng thì không ngại cạnh tranh ở bất cứ thị trường nào. Cũng như đối tác bán hàng hiệu cho phía Việt Nam, dù là hàng cao cấp thì họ cũng phải chứng minh chất lượng sản phẩm.

“Theo tôi thì chỉ khó ban đầu. Khi vào ‘guồng’ sẽ bình đẳng phát triển như những nền kinh tế thị trường khác. Thị trường chung thì quan hệ trao đổi càng thuận lợi chứ. Anh bán hàng hiệu cho tôi và anh mua lại thực phẩm hay những sản phẩm với thế mạnh của đất nước chúng tôi là đương nhiên thôi”, vua hàng hiệu phân tích.

Theo H.Linh
Zing.vn

Nguồn: zing.vn