Theo ước tính của Refinitiv Commodities Research, tổng sản lượng dầu cọ năm 2021 của Indonesia và Malaysia, hai nước chiếm tới 90% sản lượng dầu cọ thế giới, đạt 66,2 triệu tấn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, có khả năng sẽ phải điều chỉnh giảm nếu tình trạng thiếu lao động và các yếu tố gây hại khác ngày càng trầm trọng hơn.
Ảnh hưởng của hạn hán khiến vụ mùa đậu tương của Mỹ được USDA dự báo giảm 1,8 triệu tấn khiến dự trữ dầu đậu tương của nước này giảm xuống mức thấp nhất một thập kỷ.
Tuy nhiên, vụ mùa đậu tương 2020/21 của Brazil, một trong những nước cung cấp hạt có dầu và dầu thực vật lớn trên thế giới, dự kiến đạt kỷ lục 144,06 triệu tấn nhờ diện tích vụ này tăng 4%. Bên cạnh đó, Ukraine, nhà sản xuất hạt hướng dương hàng đầu thế giới, dự kiến cũng sẽ nâng sản lượng vụ 2021 thêm 18% so với năm 2020, và xuất khẩu dầu hướng dương dự báo tăng lên 6,35 triệu tấn, từ mức 5,38 triệu của vụ trước, theo số liệu của USDA.
Sản lượng hạt cải Canada dự báo cũng sẽ mất một phần tư. Sản lượng sụt giảm và mối lo dịch Covid-19 vẫn còn đó khi mùa lễ hội sắp cận kề, sẽ tiếp tục gây khó khăn cho việc sản xuất. Nguồn cung dầu thực vật dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, tiếp tục gây áp lực tăng giá dầu ăn, thậm chí kéo dài tới năm 2022.
Áp lực lên nguồn hàng dự trữ đang ảnh hưởng đến giá tiêu dùng và xu hướng tăng dự kiến sẽ tiếp tục, đặc biệt là khi các nhà máy tinh luyện dầu thực vật tăng giá để bù đắp cho sự gia tăng của chi phí nguyên liệu. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người tiêu dùng toàn cầu phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế chung. Giá dầu ăn tăng hơn nữa sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Một số quốc gia khác như Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay Philippines đều ghi nhận mức lạm phát lương thực tăng vọt trong những tháng gần đây. Áp lực về giá có thể tiếp tục do chi phí dầu ăn cao hơn bởi các nhà cung cấp chuyển bớt chi phí nguyên liệu sang người mua, khiến người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác.

Nguồn: VITIC/Reuters