Bộ trưởng Bộ Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết, để sản xuất nhiên liệu sinh học (phần lớn là dầu diesel sinh học), việc chặt phá rừng, làm khô đất hoang và hủy hoại thiên nhiên là không thể chấp nhận được. Do đó, cần phải dừng việc này lại.
Theo chỉ thị về năng lượng tái tạo của EU, nhiên liệu làm từ dầu cọ sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2030, vì sử dụng quá nhiều dầu cọ dẫn đến phá rừng quá mức để trồng loại cây này và không còn có thể được coi là nhiên liệu vận tải tái tạo.
Hồi tháng 5/2021, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đồng ý với yêu cầu của nhà xuất khẩu dầu cọ Malaysia về việc thành lập một ban hội thẩm để xem xét động thái của EU, cho rằng biện pháp này là phân biệt đối xử.
Theo số liệu từ hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học VDB của Đức, dầu cọ chỉ đóng một vai trò nhỏ trong sản xuất dầu diesel sinh học của nước này. Trong số khoảng 3,4 triệu tấn diesel sinh học được sản xuất tại Đức vào năm 2020, dầu hạt cải chiếm khoảng 60% nguyên liệu thô, dầu ăn đã qua sử dụng được thu gom từ các nhà chế biến thực phẩm và nhà hàng khoảng 25%, dầu cọ 3,9% và phần còn lại chủ yếu là dầu đậu tương.