Nền kinh tế mở cửa trở lại gây ra đủ thứ tình trạng thiếu hụt, từ cánh gà cho đến chip máy tính nhưng ít người để ý, gỗ xẻ cũng đang tạo ra những cơn đau đầu.
Nước Mỹ đang ở trong tình trạng điên cuồng về gỗ và nó sẽ không sớm hạ nhiệt.
Mặc dù đã giảm 6 ngày liên tiếp giai đoạn giữa tháng 5, giá gỗ xẻ vẫn tăng hơn 85% trong năm nay và 280% trong 12 tháng qua, Will Daniel của Markets Insider cho biết. Ngành công nghiệp gỗ xẻ đang vật lộn để tăng cường nguồn cung khi nhu cầu bùng nổ xung đột với sản lượng hạn chế, dẫn đến giá cao và sự thiếu hụt tổng thể.
Vấn đề là bạn cần gỗ để xây nhà mới và người Mỹ thực sự muốn có nhà mới ngay lúc này. Số lượng nhà để bán chưa bao giờ thấp đến mức này và các công trình xây mới là cách để cung cấp nhà cho tất cả những ai muốn có chúng.
"Chúng ta được bước vào giai đoạn duy nhất mà nhu cầu lên đến 1 triệu ngôi nhà ngay lập tức. Đó là một thảm hoạ đối với những người mua nhà và gây ra tình trạng thiếu nhà chưa từng có trong lịch sử", Robert Dietz – nhà kinh tế tại Hiệp hội các nhà xây dựng Mỹ nói.
Khi các nhà xây dựng muốn tăng nguồn cung, gỗ xẻ tăng giá. Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ cho biết hồi tháng 2 rằng giá gỗ xẻ tăng cao làm chi phí xây nhà mới tăng thêm trung bình 24.000 USD. Đến tháng 4, con số này lên đến 36.000 USD. Giá nhà tại Mỹ đã tăng trong nhiều năm nhưng chúng đạt đỉnh sau đại dịch. Vào tháng 4, giá bán nhà trung bình đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 375.000 USD, theo Realtor.com.
Hệ luỵ tai hại không chỉ xảy ra với thị trường nhà ở. Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, nhà quản lý danh mục đầu tư từng đoạt giải thưởng Michael Gayed cảnh báo rằng cơn khủng hoảng về gỗ có thể dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.
"Nếu nhìn vào hợp đồng gỗ giao sau liên tục từ năm 1980 so với những gì xảy ra trong 6-7 tuần qua thì điều này trong thật ngu ngốc", ông nói về sự tăng giá của gỗ. "Điều này thật vô lý, không có gì biện minh cho điều này".
Người mua nhà lần đầu gặp khủng hoảng
Mức giá cao kỷ lục của gỗ xẻ bắt nguồn từ đại dịch, kết hợp với việc chuỗi cung ứng phải chịu áp lực quá lớn từ nhu cầu tăng vọt. Vào giai đoạn tháng 3,4/2020, các xưởng cưa đóng cửa do hạn chế về an toàn liên quan đến đại dịch. Gỗ xẻ gần như ngừng hoạt động từ khi họ mở cửa trở lại.
"Giá tăng được dẫn dắt bởi nhu cầu lớn từ các nhà xây dựng", Peter Boockvar – Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nói với Business Insider. Ông cũng nói thêm rằng nhu cầu vẫn tăng cao ngay cả khi các nhà máy cưa không đóng cửa vào năm ngoái. Tình hình nguồn cung đang rất tồi tệ.
Ngoài nhu cầu tăng nhanh, nguồn cung gỗ xẻ cũng trở nên căng thẳng do sản xuất tại Mỹ không đáp ứng đủ vì cháy rừng trong năm 2020. Ngoài ra, Mỹ cũng gặp khó khăn khi tiếp cận các loại gỗ mềm từ Canada.
Một nguyên nhân khác khiến nguồn cung cạn kiệt chính là cơn khát đồ nội thất của người dùng. Trong và sau đại dịch, người dùng có xu hướng mua các loại hàng hoá lâu bền nhiều hơn như thiết bị và đồ nội thất cỡ lớn, Timber Advisors nói với CNBC.
Những thách thức về khả năng chi trả sẽ tiếp tục đẩy người mua nhà lần đầu ra xa hơn những ngôi nhà mơ ước. Nhiều người trong số họ thuộc thế hệ Millennials. Thế hệ đó vừa đạt đến độ tuổi phù hợp để sở hữu nhà lần đầu tiên. Từ chỗ là động lực của họ, mọi chuyện đang nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng nhà ở thứ 2 của thế hệ Millennial chỉ trong khoảng 12 năm. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew, 52% thanh niên sống với ít nhất cha hoặc mẹ của mình tính đến tháng 7/2020.
"Khi chúng ta nói về gỗ, chúng ta nói về chi phí để mọi người có được nhà ở an toàn, tươm tất và giá cả phải chăng", Dietz cho biết. Rất may, giá gỗ xẻ đã giảm kể từ ngày 7/5. Nhà kinh doanh gỗ Stinson Dean nói với Bloomberg rằng "đợt phá giá gỗ" này đã kết thúc do người mua thay đổi hành vi và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ lớn đã đủ. Tuy nhiên, giá gỗ vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.
Hôm 14/5, Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ đã đăng lên Twitter 2 báo giá cho các gõi gỗ xẻ từ một nhà cung cấp ở Alabama. Cách báo giá cách nhau 3 tháng và chênh lệch hơn 30.000 USD.
Giá gỗ xẻ vẫn đắt và khan hiếm
Nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng gỗ xẻ, việc chi trả vẫn sẽ nằm ngoài khả năng của nhiều người mua nhà do nguồn cung vẫn khan hiếm.
"Nhà ở chiếm khoảng 15 đến 18% GDP và trong cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng, chúng ta cần phải suy nghĩ về gỗ vì khoảng 90% ngôi nhà dành cho một gia đình mới được đóng khung từ gỗ. Từ quan điểm chính sách, các nhà hoạch định chính sách cần thực sự nghiêm túc xem xét ý tưởng cải thiện và mở rộng chuỗi cung ứng", Dietz cho biết.
Vào tháng 3, Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ đã viết một lá đơn cho Bộ Thương mại, yêu cầu chính quyền ông Biden giải quyết vấn đề giá cả tăng cao và tình trạng khan hiếm gỗ xẻ.
"Việc xây dựng 1.000 ngôi nhà cho các gia đình trung bình tạo ra 2.900 việc làm toàn thời gian và 110,96 triệu USD trong các khoản thuế, phí cho các cấp chính quyền để hỗ trợ cảnh sát, lính cứu hoả và trường học", bức thư viết.
Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Katherine Tai đã đề cập đến giá gỗ xẻ tăng trong phiên điều trần của Uỷ ban Tài chính Thượng viện Mỹ về chương trình nghị sự chính sách thương mại năm 2021 vào đầu tháng này. Bà cho biết đang thúc đẩy một số giải pháp.