Giá than bất ngờ đảo chiều tăng mạnh
Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn hàng hóa Argus, trong năm nay, giá than nhiệt Australia tại cảng Newcastle - loại than tiêu chuẩn cho thị trường châu Á, hiện đã tăng vọt 106% lên hơn 166 USD/tấn.
Đầu tháng 9 năm ngoái, giá than trung bình hàng tuần tại cảng Newcastle đã rơi xuống mức thấp 46,18 USD/tấn. Song, hiện tại chỉ số này sắp đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại là 195,2 USD/tấn. Giá than trung bình hàng tuần tại Nam Phi cũng trong xu hướng tăng mạnh.
Dầu thô Brent cũng là một trong số ít mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu Brent đã tăng khoảng 33% nhưng nhìn chung không mạnh mẽ bằng giá than.
Các nhà phân tích năng lượng đã chỉ ra một số lý do sự phục hồi chóng mặt của than nhiệt: nhu cầu điện năng bùng nổ ở Trung Quốc; lệnh cấm không chính thức của Bắc Kinh đối với than nhập khẩu từ Australia; gián đoạn nguồn cung ở Australia, Nam Phi và Colombia; và giá khí đốt toàn cầu tăng.
Riêng với lý do cuối cùng, các chuyên gia tại Argus cho biết dự trữ khí đốt của châu Âu đang thấp một cách bất thường. Hơn nữa, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và nhập khẩu dầu thô từ Nga của châu Âu cũng suy giảm đáng kể.
Do đó, giá khí đốt bị đẩy lên cao hơn so với giá than, khuyến khích các nước phương Tây chuyển sang mua than nhiệt để sản xuất điện năng phục vụ sản xuất và nhu cầu của các hộ gia đình.

Giá than tăng nóng hơn 100% bất chấp làn sóng tẩy chay nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1.

  Một bãi chứa than tại cảng Newcastle, Australia. (Ảnh: Getty Images).

CNBC cho rằng, việc giá than nhiệt phục hồi đang đặt ra câu hỏi lớn về quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới. Rõ ràng, than đá là loại nhiên liệu hóa thạch phát thải nhiều khí nhà kính nhất và cũng là nguồn năng cần phải thay thế hàng đầu.
Dù vậy, trong khi các nhà hoạch định chính sách và giới lãnh đạo doanh nghiệp liên tục cam kết sẽ ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều nước vẫn còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu điện năng tăng cao.
Tuần trước, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới đã phát đi lời cảnh tỉnh mới về tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu nhấn mạnh, giới hạn nhiệt độ quan trọng là 1,5 độ C có thể bị phá vỡ trong hơn một thập kỷ tới nếu các nước không nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả những phát hiện của bản báo cáo là "cảnh báo đỏ cho nhân loại", là "hồi chuông báo động" cho các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí đốt.
Đầu năm nay, ông Guterres cũng đã kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương "chấm dứt cơn nghiện than đá chết người" bằng cách loại bỏ các dự án nhiệt điện trong tương lai.
Triển vọng giá than nhiệt
Chia sẻ với CNBC, bà Yulia Buchneva, giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings, cho biết than nhiệt vẫn là nguồn nhiên liệu quan trọng vì mặt hàng này vẫn chiếm hơn 35% thị phần sản xuất điện toàn cầu.
"Chúng tôi dự đoán tỷ trọng của than nhiệt trong cơ cấu sản xuất năng lượng sẽ giảm do chương trình chuyển đổi năng lượng của các nước, nhưng phải mất một thời gian dài thì xu hướng này mới tác động đến thị trường", bà Buchneva giải thích.
"Trong trung hạn, nhu cầu than nhiệt ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Ấn Độ và Pakistan, dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Đây là các nước có chính sách môi trường ít nghiêm ngặt hơn", bà Buchneva tiếp tục.
Cũng theo vị giám đốc, do Mỹ và châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu than nhiệt toàn thế giới, nếu hai khu vực này hạn chế tiêu thụ than thì tác động đến thị trường là rất hạn chế.
Khi được hỏi liệu giá than nhiệt có thể leo thang hơn nữa trong những tháng tới hay không, bà Buchneva trả lời: "Giá than nhiệt hiện tại tuy cao nhưng không bền vững. Fitch Ratings dự đoán giá sẽ dần ổn định lại trong nửa cuối năm".
Theo đó, hãng tư vấn cho rằng giá than nhiệt Australia sẽ lùi dần về mức 81 USD/tấn vào cuối năm nay.

Nguồn: doanhnghiep.vn