Trên phố Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt hay Lạc Long Quân (Hà Nội), các cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, giày dép… đua nhau giảm giá tới 50 thậm chí 70% nhưng người mua vẫn vắng bóng.

Giải thích của nhiều chủ cửa hàng về tình cảnh này, phần vì kinh tế trong dân vẫn còn eo hẹp, thêm vào là thời tiết năm nay bất thường, rét ít hơn mọi năm… nên không thu hút được người mua.

Giống như các mặt hàng tiêu dùng, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng trong tình trạng “chợ chiều” cả những ngày trước và sau Tết nguyên đán. Các loại rau cải xanh tại chợ Cầu Diễn (Hà Nội) chỉ 2.000 – 2.500 đồng/mớ; rau súp lơ, bắp cải 5.000 đồng/cây; giá gà cả lông 100.000 – 120.000 đồng/kg; các loại tôm, cua, cá giá giữ nguyên như dịp trước Tết 2 – 3 tuần.

Còn tại nhiều địa phương như Phủ Lý, Bắc Ninh hay Bắc Giang, giá rau xanh cũng như nhiều mặt hàng thực phẩm còn rẻ hơn nữa: 2.000 đồng/cây bắp cải, 8.000 đồng/kg khoai tây, 7.000 đồng/kg rau cần, giá lợn hơi từ 27 – 30.000 đồng/kg…

Một tiểu thương bán hàng rau ở khu cực 5 tầng, phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, chưa khi nào đi chợ ngày đầu năm mà ế ẩm như năm nay. Hàng bán đã rẻ mà lại không có người mua.

Năm nay, thời tiết nắng nồm nên các loại rau, củ, hoa, quả phát triển thuận lợi tại các tỉnh miền Bắc, vì thế giá ổn định so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và rẻ hơn nhiều so với cùng thời điểm mọi năm. Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, công tác nắm bắt thông tin giá cả, thị trường trong dịp Tết đã được các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong suốt thời điểm trước, trong và sau Tết tình hình thị trường ổn định, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng cục bộ, tăng giá đột biến.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội về kết quả dự trữ hàng hóa phục vụ Tết cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự trữ khoảng 11,5 nghìn tỷ đồng; doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, sữa dự trữ khoảng 9 nghìn tỷ đồng; các làng nghề trên địa bàn khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng; các chợ truyền thống trên địa bàn khoảng 0,7 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, việc phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện ích thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của nhân dân, giảm bớt áp lực mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử