Ngày 23/12, hai hãng xe Nhật Bản thông báo rằng họ đã đồng ý bắt đầu cuộc đàm phán chính thức về việc sáp nhập. Dù kết quả vẫn chưa chắc chắn và phụ thuộc một phần vào tiến độ cải tổ của Nissan, họ dự kiến hoàn tất thỏa thuận vào tháng 8/2026. Đối tác nhỏ hơn của Nissan là Mitsubishi Motors sẽ quyết định có tham gia hay không vào tháng 1/2025
Hai hãng đặt mục tiêu đạt hơn 1.000 tỷ yen (6,4 tỷ USD) từ hiệu quả hiệp lực, thông qua việc sử dụng nền tảng chung, chia sẻ nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như hệ thống mua sắm chung. Ngoài ra, họ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận hoạt động trên 3.000 tỷ yen, tăng 54% so với kết quả lợi nhuận của cả hai hãng trong năm 2023.
Ông Toshihiro Mibe, CEO của Honda, cho rằng hiệu ứng toàn diện của sự hiệp lực có thể chỉ thực sự rõ ràng sau năm 2030. Ông nhấn mạnh rằng các công ty cần xây dựng năng lực để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trước thời điểm đó, nếu không sẽ bị "vượt mặt".
Các nhà phân tích lo ngại liệu Honda và Nissan có đủ thời gian để thực hiện kế hoạch này. Thách thức trước mắt là dòng sản phẩm của cả hai không đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực xe điện (EV). Nissan, dù là người tiên phong với mẫu Leaf, đã đánh mất lợi thế. Mẫu xe điện Ariya được kỳ vọng cạnh tranh với Tesla Model Y nhưng lại gặp vấn đề sản xuất. Trong khi đó, Honda chủ yếu tập trung vào xe hybrid và đã giới thiệu các mẫu xe này tại Mỹ, nơi nhu cầu đang tăng mạnh.
“Cả hai công ty đều thiếu các dòng xe điện hấp dẫn. Ngay cả khi sáp nhập, họ vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc phát triển dòng sản phẩm xe điện mới và R&D trong công nghệ,” Vincent Sun, nhà phân tích cấp cao tại Morningstar, nhận định.
Việc phát triển một nền tảng xe chung có thể tạo ra hiệu quả chi phí, nhưng quá trình này cũng cần thời gian dài để hoàn thiện. “Quá trình cải tổ có thể kéo dài hơn so với dự kiến,” Sun nói thêm.
Tại Trung Quốc, sự chuyển đổi sang xe điện đã khiến người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các tính năng phần mềm điều khiển và trải nghiệm kỹ thuật số trong xe – những lĩnh vực mà các nhà sản xuất Trung Quốc vượt trội.
BYD và các thương hiệu nội địa khác đã vượt qua các hãng xe truyền thống, ra mắt các mẫu xe điện và hybrid tích hợp phần mềm tiên tiến. Honda và Nissan đều đang đánh mất thị phần tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.
Tháng 11/2024, Honda báo cáo lợi nhuận quý giảm 15% và đang cắt giảm nhân sự tại Trung Quốc. Nissan cũng công bố kế hoạch giảm 9.000 việc làm toàn cầu và giảm 20% công suất sản xuất do doanh số giảm mạnh tại Trung Quốc và Mỹ.
Việc cải tổ các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ đi kèm với "rủi ro đáng kể", Dean Enjo, chuyên gia tích cấp cao tại Moody’s Ratings, nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng.
Cả Honda và Nissan đều đang tập trung vào thị trường Mỹ và Nhật Bản. Sự "chồng chéo đáng kể" này đồng nghĩa với việc thương vụ sáp nhập khó mang lại lợi ích lớn về mặt đa dạng hóa địa lý, ông Enjo cho biết.
Tuy nhiên, sự hợp nhất có thể giúp họ đối phó với những tác động tiềm tàng từ các loại thuế nhập khẩu dưới thời Tổng thống Donald Trump sắp tới, ông nói thêm.
Honda là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Nhật Bản, trong khi Nissan đứng ở vị trí thứ ba. Nếu sáp nhập, họ sẽ trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới về doanh số, chỉ sau Toyota và Volkswagen.
Thương vụ này cũng đánh dấu sự thay đổi lón nhất trong ngành ô tô toàn cầu kể từ khi Fiat Chrysler Automobiles và PSA sát nhập vào năm 2021 để tạo ra Stellantis trong một thương vụ trị giá 52 tỷ USD.
Quy mô thương vụ phản ánh mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ các đối thủ Trung Quốc, đặc biệt khi họ đang mở rộng hoạt động tại các khu vực như Đông Nam Á, nơi các hãng xe Nhật Bản từng chiếm ưu thế.
Đối với Nhật Bản, bất kỳ mối đe dọa nào đối với ngành công nghiệp ô tô cũng có khả năng ảnh hưởng đến huyết mạch kinh tế, nhất là trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của quốc gia này trong các ngành công nghiệp trọng điểm như điện tử tiêu dùng và chất bán dẫn đã suy giảm qua nhiều năm.
Các chuyên gia tại Morgan Stanley cảnh báo rằng các hãng ô tô truyền thống không tìm được đối tác mới sẽ có nguy cơ trở thành các công ty nhỏ hơn, với chi phí vốn và R&D cao hơn trên mỗi xe. “Với diễn biến hiện tại của ngành, có thể sẽ có thêm nhiều thương vụ sát nhập khác trong tương lai,” họ nhận định.
(1 USD = 157,0500 yen)