Quốc gia Đông Nam Á này là mô hình thu nhỏ của những khó khăn mà các nhà sản xuất dầu ăn khác nhau trên nhiều châu lục đang phải đối mặt. Trong khi nhu cầu dầu ăn toàn cầu mạnh mẽ thì những nhà cung ứng phải ra sức vật lộn với khó khăn.
Thời tiết nóng lên, thiếu hụt nhân lực cùng sự phá hoại của sâu bọ khiến mùa màng thất bát, dự trữ các loại dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hạt cải và dầu hướng dương giảm đáng kể.
Nhiều đồn điền cắt giảm khoảng 1/3 nhân lực thu hoạch cọ, sau khi các quy định hạn chế nghiêm ngặt của Chính phủ được đưa ra để chống lại sự lây lan của Covid-19. Điều này làm đứt gãy nguồn cung cấp lao động nhập cư, thường đến từ Indonesia và Nam Á.
Việc thiếu nhân công khiến thời gian thu hoạch phải kéo dài ra gấp 3 lần (từ 14 ngày lên tới 40 ngày), làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái cây và có nguy cơ khiến nhiều quả trong chùm cọ bị rụng mất.
Bên cạnh đó, không có người trông nom nông trường khiến nhiều loài sinh vật phá hoại hơn. Tại Slim River, khoảng ¼ diện tích cọ đang bị sâu bọ tấn công, làm thối rữa lá và quả không phát triển được.
Malaysia, quốc gia chiếm khoảng 33% lượng dầu cọ xuất khẩu trên toàn cầu, năng suất trung bình của các chùm quả cọ trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 6 đã giảm xuống còn 7,15 tấn/ha so với 7,85 một năm trước. Theo dữ liệu của Hội đồng Dầu cọ Malaysia, sản lượng dầu cọ thô trung bình của nước này đã giảm xuống 1,41 tấn/ha, từ mức 1,56 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Các nền kinh tế rục rịch mở cửa trở lại sau khi các chính sách giãn cách xã hội chống Covid-19 được xóa bỏ, thúc đẩy tiêu thụ dầu thực vật tăng. Dầu thực vật không chỉ là thực phẩm trong nấu nướng mà còn được dùng làm nhiên liệu sinh học. Chính vì vậy, FAO dự kiến chỉ số dầu ăn toàn cầu còn tiếp tục tăng hơn nữa sau đợt tăng mạnh tới 90% trước đó.

Nguồn: VITIC/Reuters