Thương mại dệt may Việt Nam-Trung Quốc và mức độ ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu
Theo vietnambiz.vn, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) quan ngại về mức độ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 làm hạn chế thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc.
Năm 2019, thương mại dệt may 2 chiều đạt 15,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,2 tỷ USD và nhập khẩu 11,5 tỷ USD. Đáng lưu ý, Việt Nam nhập khẩu gần 60% vải, 55% sợi và 45% phụ liệu phục vụ sản xuất hàng may mặc tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas xác nhận, đa số doanh nghiệp đã dự trữ đủ nguyên liệu sản xuất đến hết tháng 3 và nửa đầu tháng 4, nên sau khoảng thời gian này sẽ rất khó khăn nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp. Nếu dịch còn lan rộng, kéo dài thì khả năng nhiều doanh nghiệp phải bố trí nghỉ luân phiên, ngừng việc, đóng cửa nhà máy sẽ rất cao do nguyên phụ liệu không có đủ cho sản xuất, khách hàng sẽ hủy đơn hàng hoặc chuyển đi đặt hàng nơi khách do doanh nghiệp giao hàng không đúng hẹn.
Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều cho rằng, nguồn cung nguyên liệu và logistic là hai khó khăn lớn trong thời điểm này. Việc giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa hai nước bị hạn chế. Không có nguyên liệu khiến các doanh nghiệp không thể đảm bảo cung ứng hàng cho thị trường Châu Á, chủ yếu là những đơn hàng ngắn hạn từ các nước: Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, do thực trạng hiện nay khoảng 90% doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa, nên ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Doanh nghiệp đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ. Ngoài ra, việc giảm bớt gánh nặng về chi phí điện, nước, phí cầu đường, phí cảng biển cho các doanh nghiệp hiện nay là một việc làm cần thiết.
Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu dự báo tiếp tục gặp khó
Thông tin từ congthuong.vn, giao dịch trầm lắng khiến xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2020 giảm mạnh cả lượng và giá trị. Tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá hạt tiêu. Giải pháp lâu dài, ngành hàng tỷ đô này cần đẩy mạnh chế biến, hướng tới sản phẩm hữu cơ.
Xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2020 đạt 14,6 nghìn tấn, trị giá 35,85 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 12/2019, so với tháng 1/2019 giảm 23,9% về lượng và giảm 36,8% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 1/2020 đạt mức 2.443 USD/tấn, tăng 1,1% so với tháng 12/2019, nhưng giảm 17% so với tháng 1/2019. Trong 2 tuần đầu tháng 2/2020, tại Việt Nam, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm mạnh.
Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam chịu tác động do phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa các cửa khẩu biên giới đất liền nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Lào Cai và Thanh Thủy (Hà Giang), chiếm lần lượt 55,9% và 31,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh tác động bởi dịch Covid-19, nguồn cơn là bởi mất cân đối cung - cầu. Khi cung về diện tích, năng suất, sản lượng của cả Việt Nam và thế giới tăng cao trong những năm gần đây thì nhu cầu hồ tiêu chỉ tăng ở mức độ 2 - 2,5%/năm.
Dự báo, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, cuối năm 2020 giá hạt tiêu có thể phục hồi khi cung - cầu trở về mức cân bằng, nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ. Bên cạnh đó, chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần đẩy giá hạt tiêu.
Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam bắt đầu tập trung vào cải thiện chất lượng hạt tiêu, giảm sử dụng hóa chất và phát triển sản xuất hạt tiêu hữu cơ. Trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid- 19 còn rất phức tạp, để hạn chế tác động từ dịch Covid- 19 tới ngành hạt tiêu, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi hình thức giao nhận hàng, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường biển, hay đường sắt liên vận.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Theo sát diễn biến thị trường
Congthuong.vn đưa tin, không chỉ là thị trường xuất khẩu (XK) cá tra lớn nhất trong năm 2019, Trung Quốc hiện còn là đối tác nhập khẩu (NK) tôm đứng thứ 4 của Việt Nam. Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến hoạt động XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.
Theo Vasep, XK qua các cửa khẩu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, vì thế việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch Covid-19 có thể làm giảm ít nhất 20% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm. Vasep nhận định, sau đại dịch này, có thể người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phải thay đổi nhận thức và thói quen ăn uống, hạn chế ăn thực phẩm tươi sống và chuyển sang tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm tôm chế biến sâu, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vasep cho rằng, tác động từ dịch Covid-19 cũng là cơ hội cho các DN đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng, tiêu thụ nội địa. Theo một số DN XK cá tra, sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu NK sản phẩm cá tra đông lạnh tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, do thời gian ngừng giao thương kéo dài và nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này còn rất lớn. Theo đó, DN cần thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, XK cho phù hợp, đẩy mạnh tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường XK, phát triển kênh tiêu thụ nội địa được các DN trong ngành đẩy mạnh.
Vasep dự báo, trong trường hợp dịch Covid-19 chấm dứt trong quý I/2020, XK thủy sản cả năm sang Trung Quốc có thể đạt 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ 5% so với năm 2019. Nếu dịch kéo dài đến tháng 8/2020, XK thủy sản sang Trung Quốc cả năm sẽ đạt khoảng 1,33 tỷ USD, giảm 6%.
Tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Thông tin từ moit.gov.vn, Bộ Công Tương cập nhật thông tin mới nhất về số liệu, tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 24/02/2020 và lượng hàng hóa còn tồn tại ở các cửa khẩu cụ thể như sau:
Tỉnh Lạng Sơn: + Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị:
- Xuất 243 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc: bao gồm các loại hình xuất kinh doanh biên giới, xuất kinh doanh, xuất gia công, quá cảnh);
- Nhập 207 xe (linh kiện điện tử, máy móc, đồ thủy tinh, hàng may mặc, nông sản… bao gồm các loại hình: nhập kinh doanh, nhập gia công sản xuất…);
- Tồn: 327 xe nông sản (mít, thanh long, xoài, nhãn, ớt…) và linh kiện điện tử.
+ Cửa khẩu Tân Thanh: - Xuất 43 xe dưa hấu, thanh long, chuối, xoài;
- Nhập 11 xe nông sản (lạc, đỗ xanh, hành, khoai tây, quýt, nấm tươi);
- Tồn: 110 xe nông sản (chủ yếu là các loại thanh long, dưa hấu) đang chờ làm thủ tục xuất khẩu.
+ Cửa khẩu Cốc Nam: Không phát sinh; tồn 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh).
+ Cửa khẩu Chi Ma: tồn 04 xe xuất khẩu (1 xe tái nhập thạch đen, 3 xe hạt tiêu).
+ Cửa khẩu Ga Đồng Đăng: - Xuất: 06 toa thanh long, 1 toa giỏ cõi;
- Nhập: 11 toa thép tấm, tồn 26 toa thép, melamin nhập khẩu đang chờ làm thủ tục hải quan
Tỉnh Lào Cai: Tổng số xe xuất nhập khẩu: 273 xe, bao gồm:
+ Xuất: 114 xe (trong đó có 41 xe thanh long);
+ Nhập: 159 xe
Tỉnh Quảng Ninh: + Cửa khẩu Móng Cái (Bắc Luân 2): hàng hóa, phương tiện được thông quan nhanh chóng.
- Xuất khẩu: 10 xe (trang thiết bị y tế, sợi cotton, silicon...),
- Nhập: 100 xe (sợi filament tổng hợp, hàng tạp hóa, thiết bị mỏ…),
Tỉnh Hà Giang:- Xuất khẩu: 15 xe thanh long, 8 xe tinh bột sắn, 17 xe chuối, 4 xe ván.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất trong hơn một năm
Thông tin từ vietnambiz.vn, tuần này, giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam tăng vọt lên cao nhất trong hơn một tuần vì nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines và Malaysia, trong khi giá tại Ấn Độ duy trì ổn định ở đỉnh hơn 4 tháng. Giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 355 - 360 USD/tấn.
Đầu tuần này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này. Việt Nam đã xuất khẩu 6,75 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 6% so với năm ngoái.
"Giá gạo Việt Nam vẫn có thể tăng cao vì vẫn thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các quốc gia sản xuất gạo khác", một thương nhân khác nhận định.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 430 - 445 USD/tấn, tăng nhẹ so với 425 - 447 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân nhận định sự thay đổi của giá gạo do biến động của tỷ giá.
Theo một thương nhân gạo khác, giá gạo duy trì ở mức cao so với các đối thủ và nhu cầu chủ yếu là trong nước vì một số người đang mua gạo tích trữ vì lo ngại về hạn hán.

Nguồn: VITIC