Tiếp tục lùi thời gian thông quan tại cặp chợ cửa khẩu Ái Điểm - Chi Ma
Theo haiquanonline.com.v.n, Ban Quản lý KKT cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc) vừa có thông báo mới nhất về việc tiếp tục lùi thêm thời gian thông quan cặp chợ cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc).
Theo đó, ngày 15/2/2020, phía Ban Quản lý KKT cửa khẩu Ái Điểm (huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã có công hàm số 02 (2020) gửi Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thông báo về việc phía Trung Quốc tiếp tục lùi thêm thời gian thông quan mậu dịch cặp chợ cửa khẩu Ái Điểm. Ban Quản lý KKT cửa khẩu Ái Điểm nêu, để tiếp tục đảm bảo cho kinh tế mậu dịch được hoạt động bình thường tại cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam)- Ái Điểm (Trung Quốc), duy trì sự phát triển bình thường hai bên cửa khẩu, căn cứ tình hình thực tế nội địa phía Trung Quốc do đó, sẽ lùi thời gian thông quan, đồng thời không quy định thời gian gian mở cửa cụ thể nữa. Thời gian mở cửa cụ thể, sau khi xác định rõ, phía Ban Quản lý KKT cửa khẩu Ái Điểm sẽ có công hàm thông báo tới phía cơ quan của tỉnh Lạng Sơn.
Xuất khẩu qua đường biển- cứu cánh cho doanh nghiệp thời Covid-19
Thông tin từ haiquanonline.com.vn, xuất khẩu chính ngạch qua đường biển đang được các doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh xuất khẩu qua đường bộ đang bị gián đoạn do bị ảnh hưởng Covid-19.
Công ty Liên Đại Phát vừa làm thủ tục xuất khẩu 30 container trái thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu cảng Cát Lái. Chỉ tính từ ngày 10/1 đến nay, Công ty Liên Đại Phát đã làm thủ tục xuất khẩu trên 500 container trái thanh long qua cảng Cát Lái đi Trung Quốc. Không chỉ mặt hàng trái cây, nhiều mặt hàng thủy sản, sữa... cũng được các doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển. Công ty chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển nên không ảnh hưởng bởi việc ngừng thông quan tại các cửa khẩu biên giới.
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn với phương thức xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa thị trường nên ít bị tác động từ việc hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thủy sản cũng đang lo lắng do nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bị gián đoạn trong giai đoạn hiện nay nên cũng đang tìm hướng về nguồn nguyên liệu và chuẩn bị sẵn “kịch bản dự phòng” cho bất cứ thay đổi đột ngột nào từ nhu cầu thị trường.
Hàng hóa nào được ưu tiên thông quan tại Lào Cai thời dịch Covid-19?
Theo haiquanonline.com.vn, UBND tỉnh Lào Cai vừa đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương Lào Cai về danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu theo thứ tự ưu tiên thông quan trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid - 19. Theo đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, thứ tự ưu tiên thông quan cụ thể như sau:
1, Hàng hóa nông sản, thủy sản tươi sống còn tồn đọng và đã tập kết tại cửa khẩu; 2, hàng hóa nông sản, thủy sản tươi sống; 3, hàng hóa khác.
Đối với hàng hoá trong cùng tiêu chí như trên thì ưu tiên giải quyết thủ tục thông quan đối với hàng hoá thực hiện nhập khẩu chính ngạch tại phía Trung Quốc.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, thứ tự ưu tiên thông quan như sau:
1, Máy móc, thiết bị phục vụ xây lắp các nhà máy trong nước; 2, các loại hóa chất, than cốc và các nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất của các nhà máy trong nước; 3, hàng hóa nông sản, thủy sản tươi sống còn tồn đọng và đã hoàn thiện thủ tục thông quan tại cửa khẩu Hà Khẩu; 4, các loại hàng hóa có thể cho phép thực hiện tiêu độc, khử trùng trực tiếp lên hàng hóa; 5, các loại hàng hóa khác.
Đối với các loại hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, được quản lý, giám sát y tế chặt chẽ; đảm bảo loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh.
Ảnh hưởng xuất khẩu, giá cá tra giảm gần một nửa
Haiquanonline.com.vn đưa tin, ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, hiện giá cá tra nguyên liệu càng giảm sâu, với hơn 42%.
Theo VASEP, tính đến giữa tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019, dao động ở mức 19.500 đồng/kg.
Sau khi giảm từ mức giá khả quan 34.000 - 34.500 đồng/kg (tháng 2-3/2019), giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm xuống mức 20.500 - 21.000 đồng/kg vào tháng 1/2020. Trước tình hình thị trường tạm chững trong quý đầu năm nay, giá cá tra có thể giảm nhẹ thêm trong thời gian tới. Nếu thị trường XK ổn định trở lại, giá cá tra sẽ tăng dần trong các quý tiếp theo.
Trước tình hình dịch bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra cần chủ động chuyển hướng thị trường, cập nhật thông tin để điều chỉnh kế hoạch nuôi trồng, sản xuất và XK sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ.

Nguồn: VITIC