Giá lợn hơi sẽ xuống khoảng 60.000 – 70.000 đ/kg vào tháng 4
Theo thông tin từ Bnews.vn, Bộ NN-PTNTcho rằng giá lợn hơi có xu hướng giảm, dự kiến sẽ xuống 60.000 – 70.000 đ/kg vào tháng 4, tháng 5/2020. Hiện nguồn cung đã tăng nhờ đẩy mạnh tái đàn, kiểm soát dịch bệnh trong nước tốt cộng với lượng thịt nhập khẩu tăng; trong khi đó sau Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm không cao, nên giá lợn sẽ đi xuống.
Theo Cục Thú y, theo số liệu tổng hợp từ các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục, số lượng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ các nước trong tháng 1/2020 trên 10.100 tấn. Cụ thể, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu hơn 4.500 tấn, sản lượng nhập có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò, nhập khẩu hơn 1.900 tấn; thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm trên 3.600 tấn, thịt dê cừu và sản phẩm thịt dê cừu hơn 2 tấn; các sản phẩm thịt này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường, từ sau Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu dùng giảm đi cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm với số lượng lớn, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo người chăn nuôi và doanh nghiệp, giá lợn có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định.
Về giá thịt lợn, theo ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc thương mại miền Meat Deli cho biết, giá của công ty hiện vẫn giữ nguyên so với trước Tết. Trước Tết, Công ty cũng có chương trình hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách giảm giá 10% cho khách hàng. Hiện chương trình hỗ trợ khách hàng đã kết thúc. Việc giảm giá bán thịt lợn hiện công ty chưa có kế hoạch.
Tại Khoái Châu, Hưng Yên, giá lợn thịt đang có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng ít đi sau dịp Tết cũng như do dịch viêm đường hô hấp cấp virus Corona nên người tiêu dùng ít đi chợ.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đồng loạt giảm mạnh
Haiquanonline.com.vn đưa tin, theo Bộ NN&PTNT, tháng 1, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 77,5%. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là gạo, đạt 203 triệu USD (tăng 5,4%); rau đạt 50 triệu USD (tăng 17,2%).
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 644 triệu USD, bằng 87,5%. Tương tự, xuất khẩu lâm sản chính tháng 1 ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4%.
Về mặt nhập khẩu, tính đến hết tháng 1, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, thặng dư thương mại trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 266,9 triệu USD, chỉ bằng 32,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona làm gián đoạn giao thương Việt-Trung.
Xung quanh câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị một số doanh nghiệp logicstic hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới.
Xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu bệnh dịch viêm phổi kéo dài
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đang theo dõi sát sao tình hình bệnh dịch viêm phổi do virus corona gây ra, để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa nước ta với Trung Quốc.
Trước mắt, chưa nhận thấy khả năng bệnh dịch này có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.
Cục Xuất nhập khẩu được biết các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 08/02/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 03/02/2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.
Bên cạnh đó, các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu./.
VSSA: Tháng 1/2020 đường tràn ngập thị trường
Vietnambiz.vn đưa tin, trong tháng 1/2020, nguồn đường nhập khẩu chính ngạch từ ASEAN đã được thông quan nhập khẩu cùng với đường đã đấu giá theo hạn ngạch thuế quan 2019 cũng sẽ nhập về, do đó đường sẽ tràn ngập thị trường.
Về diễn biến giá đường, thông tin từ Tổ chức đường thế giới ISO cho biết giá đường thế giới ngày 31/12 đạt 361,8 USD/tấn đối với đường trắng và 13,54 US cent/pound đối với đường thô. Còn đối với giá bán buôn trên thị trường nội địa Việt Nam tháng 12/2019 không có nhiều biến động.
Ngoài ra, giá đường lậu Thái Lan trong nửa cuối tháng 12/2019 tại một số tỉnh thành gồm TP HCM dao động trong khoảng 11.600 – 11.800 đồng/kg, các thành phố, thị xã miền Trung trong khoảng 11.200 – 11.600 đồng/kg, Hà Nội và các thành phố quanh Hà Nội trong khoảng 11.500 – 11.800 đồng/kg.
Cũng theo VSSA giá đường thế giới qua đầu tháng 12/2019 có xu hướng tăng dần và giữ ở mức tăng nầy đến cuối tháng. Cụ thể, đường thô trên sàn giao dịch NY vượt ngưỡng 13 US cent/pound, đến 12/12/19 đạt gần 13,6 US cent/pound và đến 30/12/2019 vẫn giữ 13,64 US cent/pound. Đường trắng trên sàn Luân Đôn đến 16/12/2019 đạt 353,95 USD/tấn, đến 30/12/2019 đạt 364 USD/tấn. Nhìn chung giá đường đang có xu hướng tăng.
Kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu để kéo giảm CPI
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban, đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải áp dụng đồng bộ giải pháp để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu ngay trong tháng 2 và tháng 3, góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng.
Chủ động đủ nguồn hàng, giá cả không biến động nhiều
Theo Cục Quản lý giá, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết của người dân.
Phải tập trung giảm giá mặt hàng thịt lợn
Mặc dù vậy, do giá thịt lợn đứng ở mức cao đã tác động khiến CPI tháng 1/2020 đã tăng khá cao, tăng 1,23% so với tháng 12/2019. Ngoại trừ các yếu tố tăng giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo thông lệ hàng năm, thường chỉ tăng cục bộ trong tháng tết thì nguyên nhân chủ yếu gây tác động làm tăng CPI là từ nhóm thực phẩm (tăng 2,6%) làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% so với tháng trước, làm CPI chung tăng khoảng 0,2%.
Đối với mặt hàng thịt lợn, vừa qua Chính phủ đã yêu cầu phải có biện pháp để giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3, góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng các tháng tiếp theo.
Đối với nhóm hàng thực phẩm nhất là thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn. Theo đó quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung – cầu giúp giá thịt lợn hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm trong tháng 3 về mức 60.000 - 65.000đ/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 - 50.000đ/kg hơi (mức bình thường trước khi có dịch), tăng cường công tác chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.

Nguồn: VITIC