Xe đạp điện xuất khẩu tăng vọt, nghi gian lận xuất xứ
Baogiaothong.vn đưa tin, Bộ Công thương vừa trao đổi với VCCI về việc tăng cường kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho xe đạp điện. Đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam, từ đó có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính.
Động thái này xuất phát từ hiện tượng xe đạp điện xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng đột biến trong năm 2018.
Đáng chú ý, lượng xe đạp điện xuất sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với xe đạp điện nhập từ Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Bộ Công thương khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại tại một số thị trường nhập khẩu.
Giải nguy cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn sang Trung Quốc
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo Cục Xuất nhập khẩu, Hải quan Trung Quốc mới đây đã công bố danh sách 66 đơn vị, nhà máy sản xuất sắn của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây. Đồng thời, cơ quan này tiếp nhận thêm danh sách các đơn vị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đề xuất.
Trước đó, ngày 15/11/2018, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.
Cụ thể, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11/2018 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.
Cơ quan Hải quan Trung Quốc yêu cầu tinh bột sắn, sắn lát phải do doanh nghiệp Việt Nam có trong danh sách đã được đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc sản xuất.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định năm 2019, giá tinh bột sắn dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung sắn nguyên liệu giảm. Niên vụ 2018/2019, nguồn cung sắn nguyên liệu của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan có khả năng giảm do dịch bệnh và mưa lũ.
Người tiêu dùng TP HCM chê rau trái Trung Quốc
Theo vietnambiz.vn, năm 2018, lượng rau củ Trung Quốc về chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) giảm gần 40.000 tấn so với năm 2017. Trong đó, rau củ giảm đến 25%, trái cây giảm 5,1%. Đây là mức giảm cao nhất trong nhiều năm qua
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là nơi nhập khẩu nông sản Trung Quốc lớn nhất TP HCM. Năm 2018, nơi đây ghi nhận lượng rau Trung Quốc về chợ giảm 25% (tương đương 31.990 tấn), từ 127.787 tấn năm 2017 còn 95.797 tấn năm 2018. Lượng trái cây Trung Quốc về chợ cũng giảm 5,1% (tương đương 6.882 tấn), từ 135.398 tấn năm 2017 còn 128.517 tấn năm 2018.
Theo Ban quản lý Chợ đầu mối Thủ Đức, người tiêu dùng TP HCM ngày càng quan tâm hơn đến an toàn thực phẩm, "sợ" rau củ, trái cây Trung Quốc nên bạn hàng giảm mua. Kết quả là lượng nông sản Trung Quốc về chợ giảm mạnh. Thay vào đó, rau củ trong nước tăng 8,8% với tổng cộng 550.565 tấn trong năm 2018.
Hiện mỗi ngày chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận, phân phối khoảng 150 chủng rau củ quả trong nước và nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Chi lê, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Newzeland, Canada … Trong đó, hầu hết là nhập trái cây, riêng Trung Quốc vừa nhập rau củ vừa nhập trái cây.
Xuất khẩu gạo giảm kéo giá nội địa lao dốc
Trang thesaigontimes.vn đưa tin, trái ngược với kết quả tăng của năm 2018, xuất khẩu gạo ngay những ngày đầu năm 2019 đã quay đầu lao dốc mạnh. Điều này, khiến giá lúa, gạo thị trường nội địa cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp không phải là hội viên của VFA) đạt gần 7 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2016, và tăng gần 400.000 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đã quay đầu sụt giảm mạnh, mà cụ thể, trong nửa đầu tháng 1-2019, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 132.000 tấn, thấp nhất kể từ năm 2016, và giảm 31,75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo sụt giảm, cộng với nhu cầu thị trường thời điểm hiện tại khá ảm đạm đã khiến giá lúa, gạo thị trường nội địa cũng sụt giảm mạnh.
Cụ thể, lúa IR 50404 tươi trong vụ đông xuân 2018-2019 này hiện có giá chỉ 4.500-4.600 đ/kg, giảm 500-700 đ/kg so với vụ đông xuân 2017-2018; lúa Đài Thơm 8 cũng giảm từ 5.500-5.600 đ/kg xuống chỉ còn 4.900-5.000 đ/kg.
Trong khi đó, giá chào xuất khẩu gạo cũng sụt giảm mạnh, từ mức trên 400 đô la Mỹ/tấn cách đây không lâu đối với gạo 5% tấm, giảm xuống chỉ còn 340-345 đô la Mỹ/tấn.
Có ba lý do khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm mạnh: thứ nhất, như nêu ở trên do nhu cầu thị trường nhập khẩu yếu; thứ hai, áp lực bước vào thu hoạch vụ đông xuân 2018-2019 với sản lượng tăng cao và thứ ba là các doanh nghiệp hiện bắt đầu kỳ nghỉ Tết, cho nên, mọi hoạt động giao dịch tạm ngưng cũng khiến giá lúa, gạo sụt giảm.
Mỹ vẫn chưa quyết định công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam
Theo tin từ thesaigontimes.vn, dù đã quá hạn nhưng phía Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam xem xét vấn đề vẫn chưa xác định
Trước đó, Tổng cục Thủy sản cho biết, EC sẽ sang Việt Nam xem xét vấn đề khắc phục "thẻ vàng" hải sản trong tháng 4-2019, thay vì tháng 1-2019. Tuy nhiên, thời điểm đã gần đến nhưng phía VASEP vẫn chưa nhận được thông tin về thời điểm EC sang kiểm tra.
Trong khi đó, Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc USDA đã đề xuất với Văn phòng đăng ký liên bang Mỹ công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam. Văn phòng cũng đã đăng dự thảo lấy ý kiến về đề xuất của FSIS. Đề xuất được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày, tính từ giữa tháng 9-2018.
Dù hiện đã quá thời hạn 30 ngày theo quy định nhưng VASEP vẫn đang chờ phía Mỹ công nhận tương đương. Như vậy, đồng nghĩa “số phận” ngành thủy sản này của Việt Nam vẫn còn đang treo lơ lửng.
Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc dự báo tăng mạnh năm 2019
Theo thông tin từ vietnambiz.vn, VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc năm 2019 có thể đạt 500 triệu USD, tăng 29,5% so với năm 2018 nhờ thuận lợi từ hiệp định thương mại tự do.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm 10,9% tỉ trọng. Năm 2018, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt 385,8 triệu USD, tăng 1% so với năm 2017.
Năm 2018, tôm chân trắng của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc chiếm 85,5%, tôm sú chỉ chiếm 6,2%. Giá xuất khẩu tôm chân trắng bỏ đầu lột vỏ, còn đuôi hoặc để đuôi các cỡ như 21/15, 51/70, 71/90, 91/110, 100/200 của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động 7,2-9,5 USD/kg.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 58% trong khi các đối thủ khác (Thái Lan 11,2%, Ecuador 10,5%, Trung Quốc 4,8%).
Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%).
Hoa hồng tăng giá mạnh dịp Lễ tình nhân Valentine

Theo dantri.com.vn, vào mỗi dịp lễ tất cả các loại hoa Đà Lạt đều tăng giá mạnh, đặc biệt là dịp Lễ tình nhân Valentine, giá hoa hồng lại đội giá gấp đôi thậm chí gấp 3 ngày thường. Hoa hồng bán tại vườn đã tăng bình quân gấp 3 lần so với ngày thường, trong đó hoa hồng nhung (đỏ) có giá cao nhất từ 5.500 đồng - 6.000 đồng/cành, trước Tết Nguyên đán hồng đỏ có giá 2.000 đồng/cành. Các màu khác như hoa hồng cam, trắng, vàng… giá từ 4.000 đồng- 5.000 đồng/cành, cũng tăng gấp đôi ngày thường. Các loại hoa trang trí như: cẩm chướng, salem, đồng tiền… cũng tăng nhẹ.

Valentine năm nay rơi vào ngày mồng 10 tết cho nên nhu cầu về hoa hồng cũng rất cao. Hoa hồng nhung (đỏ) được ưa chuộng giá tăng cao nhất, các màu khác cũng nhích lên nhưng giá vẫn không tăng cao bằng hoa hồng đỏ.
Ngoài cung cấp cho thị trường chính ở TPHCM, hoa hồng của Đà Lạt còn cung ứng cho thị trường Campuchia nên rất đắt hàng, giá cạnh tranh.
Thêm cơ hội cho chế biến, xuất khẩu cá tra
Theo tin từ Vietnamplus.vn. cá tra Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với cá tuyết (một loại cá da trơn) ở các thị trường trên thế giới, nhất là thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội Thủy sản Mỹ dự báo nguồn cung cá tuyết toàn cầu năm 2019 sẽ giảm xuống còn 1,5 triệu tấn, tương đương giảm 90.000 tấn so với năm 2018, tạo thêm cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Theo nhận định, sản lượng cá tuyết sụt giảm là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nói riêng và ngành cá tra nói chung.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp Hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, giá cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giữ ổn định, từ 31.000-33.000 đồng/kg. Năm 2019, ngành cá tra được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng; trong đó, diện tích sản xuất cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 3.800 ha, sản lượng trong nước ước 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2018.
Sự tăng trưởng nguồn cung này sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu thay cho con cá tuyết đang thiếu hụt tại đây. Với đà tăng trưởng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong năm 2019 là đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD.
Tiêu hủy nhiều loại hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo nongnghiep.vn, phòng CSKT Công an tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu huỷ nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ… Số hàng hoá trên được tiêu huỷ bằng hình thức đốt và chôn lấp...
Đó là 2.403 gói, 654 hộp, 1.732 kg bánh kẹo các loại; 175.100 bao bì nhãn hiệu Bobby; 51.840 gói dầu gội đầu và dầu xả các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ; 3.560 khẩu súng nhựa, kiếm nhựa phát quang, súng nhựa bắn nước không có hóa đơn chứng từ.
Đây là số hàng được lực lượng CSKT Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ và tịch thu trong đợt ra quân tấn công truy quét tội phạm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Nguồn: VITIC

Nguồn: Vinanet