Yêu cầu ổn định giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tí 2020
Thông tin từ
bnews.vn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.
Trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019.
Đồng thời, các bộ có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).
Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các nội dung trên trước ngày 21/10/2019.
Sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 có thể giảm 15%
Theo
vietnambiz.vn, do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng giá cà phê, một số hộ chuyển sang trồng các loại cây khác. Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên vừa trải qua đợt lũ lụt, gây ngập úng nhiều diện tích trông cây cà phê. Sản lượng có thể giảm do người dân chuyển sang trồng một số loại cây khác.
Do đó, trong niên vụ 2019 - 2020, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê giảm khoảng 15% so với niên vụ 2018 - 2019.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tính (ICO), sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018 - 2019 ước giảm 1,3% so với niên vụ trước đó xuống còn 30 triệu bao (1 bao tương đương 60kg). Như vậy, theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam kèm dữ liệu của ICO, sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 đạt khoảng 25,5 triệu bao.
Tính đến ngày 15/10, giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 31.600 - 32.400 đồng/kg, trong đó cao nhất tại Đắk Lắk và thấp nhất tại Lâm Đồng.
Theo ông Tự, cà phê đang chiếm 1/4 thị phần đồ uống trên thế giới với mức tăng trưởng 2%/năm. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng lên tới 25%/năm.
Bên cạnh đó, ở thị trường nội địa có khoảng 26.000 cửa hàng cà phê. Nếu tính các chuỗi cửa hàng ăn có bán kết hợp cả cà phê, con số này lên tới 500.000. Do đó, dư địa phát triển của ngành vẫn còn nhiều.
Doanh nghiệp nông sản Mỹ 'xếp hàng' chờ vào thị trường Việt Nam
Theo
tuoitre.vn, phái đoàn thương mại nông nghiệp Mỹ do thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này - ông Ted McKinney - dẫn đầu đã sang Việt Nam bắt đầu cho lịch trình làm việc từ ngày 15 đến 18-10 tại TP.HCM và Hà Nội. Tháp tùng thứ trưởng là đại diện Bộ Nông nghiệp của 11 tiểu bang, cùng hơn 40 nhà xuất khẩu và hiệp hội thương mại của Mỹ.
Đây là phái đoàn đông thứ 3 từ đầu năm đến nay của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong các chuyến xúc tiến thương mại nước ngoài, cho thấy các doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy nhiều cơ hội ở thị trường Việt Nam.
Để thực hiện thúc đẩy giao thương, hàng năm Bộ này thực hiện khoảng 3-4 chuyến công du thương mại. Riêng năm 2019, Mỹ đã thực hiện tới 7 chuyến với nhiệm vụ thúc đẩy nông sản Mỹ đi khắp thế giới.
Theo ông McKinney, Việt Nam là thị trường quan trọng mà doanh nghiệp Mỹ hướng đến trong quá trình mở rộng thị trường, do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, xuất hiện tầng lớp trung lưu với thu nhập ngày càng cải thiện.
Ông Ted McKinney cho hay luôn có danh sách những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Mỹ đang "chờ" để đi vào thị trường Việt, và chính phủ Mỹ đang có những hoạt động hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp này rút ngắn thời gian làm thủ tục, được cấp phép.
Mỹ đang tập trung bán các loại nông sản, thịt heo, ngũ cốc…, những mặt hàng thị trường Việt Nam có nhu cầu cao.
Hiện nay giá hàng nông sản Mỹ vào Việt Nam cũng khá cao, và một trong những cách giảm giá thành là giảm các rào cản thương mại.
Sữa Việt bước vào thị trường Trung Quốc
Thông tin từ
tuoitre.vn, dự kiến từ giữa tháng 10-2019, những lô sữa đầu tiên của VN được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới.
Hồ sơ của 5 doanh nghiệp sữa VN đã được Trung Quốc chấp thuận và hải quan nước này đã xét duyệt, chỉ còn chờ bước cuối cùng cấp mã số xuất khẩu. Đây là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của Bộ NN&PTNT cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp.
- Với mặt hàng sữa, về cơ bản sản phẩm sữa VN từ trước đến nay chưa thể vào thị trường Trung Quốc, thậm chí cả đường tiểu ngạch. Nếu cơ quan hải quan nước này bắt được lô hàng sữa sẽ lập tức hủy ngay.
Trong suốt các năm 2016-2017, các đoàn lãnh đạo của VN hội đàm trực tiếp với phía Trung Quốc để bàn cách mở cửa cho sữa cùng các nông sản vào Trung Quốc.
Đến năm 2018, Trung Quốc hứa xem xét chấp nhận cho sữa VN và lúc này mới bắt đầu hành trình đánh giá chất lượng sữa VN.
Thời gian qua Bộ NN&PTNT đã xây dựng hướng dẫn chi tiết các yêu cầu về mặt kỹ thuật của phía Trung Quốc, thậm chí mời cả chuyên gia Trung Quốc sang cùng thẩm định.
Phía Trung Quốc đã tới kiểm tra các vùng chăn nuôi của VN đảm bảo an toàn về dịch bệnh, họ muốn sữa VN xuất sang Trung Quốc phải đến từ các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Đến tháng 4-2019 hai nước mới ký nghị định thư xuất khẩu. Các lô hàng này có thể được xem như là bước mở đường cho các sản phẩm sữa của VN xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Những doanh nghiệp sữa được lựa chọn trong giai đoạn đầu phải uy tín, theo đến cùng chất lượng sản phẩm.
Sau gần 2 năm theo đuổi, NutiFood đã có "visa" xuất khẩu sang Mỹ khi đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Thực tế, dù mặt hàng sữa chưa vào được Trung Quốc nhưng các sản phẩm dinh dưỡng của Nuti cũng đã có mặt tại Trung Quốc, ngoài ra còn có cà phê.
Hiện các sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 3.388 cửa hàng, siêu thị. Kinh nghiệm là chú trọng phân phối. Chúng tôi đã chọn phát triển cùng đối tác địa phương chứ không mua đứt bán đoạn.
Nguồn: VITIC