Thép Trung Quốc có thể ồ ạt tràn vào gây khó cho ngành thép VN
Theo vietnambiz.vn, dù tình trạng thừa thép ở Trung Quốc đã được khắc phục nhưng sản lượng vẫn ở mức cao khi nhu cầu yếu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đang kiến nghị siết chặt nhập khẩu thép từ nước này trong năm 2019.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá: Với bắt đầu thời tiết mùa đông lạnh giá ở Trung Quốc, nhu cầu thép xây dựng dự báo giảm xuống và mức giá thực sự phụ thuộc vào việc các thương nhân có tái bổ sung kho hàng trước Tết Nguyên đán hay không.
Tổng Công ty Thép Việt Nam đánh giá 2018 là năm đầy khó khăn với ngành thép không khi giá thép liên tục giảm. Những khó khăn này không chỉ để từ việc nhu cầu yếu, cung vượt cầu, chi phí sản xuất cao mà còn thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam.
Để giải quyết những khó khăn hiện tại của ngành thép, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, ngăn chặn sự nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho nhà sản xuất trong nước.
Hàng giả, hàng lậu sẽ vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2019
Theo bnews.vn, năm 2019, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp.
Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, trong năm 2018, Hà Nội đã xử lý 8.699 vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, xử lý phạt hành chính, trị giá hàng tịch thu, hàng tiêu hủy lên tới hơn 125,2 tỷ đồng, chuyển công an khởi tố 14 vụ.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn như mặt hàng thuốc lá, xì gà nhập lậu, cùng các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm trong kinh doanh rượu, mỹ phẩm, xăng dầu, giống cây trồng…
Xuất khẩu dược liệu thô, nhập trở lại rác dược liệu
Theo thanhnien.vn, nhiều dược liệu quý của Việt Nam được xuất thô sang nước ngoài, được chiết hết hoạt chất rồi bán lại bã dược liệu (thật ra là rác) về lại cho Việt Nam sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng.
Liên quan đến vấn nạn sản xuất hàng giả nói chung và dược phẩm giả nói riêng, nhiều kiến nghị đưa ra, các hình thức phạt với hành vi làm giả phải được tăng mạnh hơn, có tính răn đe hơn, chứ không thể phạt cho qua chuyện. Lấy dẫn chứng vụ tiêm thuốc an thần cho gần 4.000 con heo bị phát hiện tại điểm giết mổ TP.HCM nhưng chỉ bị phạt 20 triệu đồng, trong khi tại Đài Loan, một trang trại trồng chè, nếu bị phát hiện một cây chè có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, mức phạt có thể khiến chủ trang trại đó sạt nghiệp.
Việt Nam còn có những quy định như vào bắt tận tay cơ sở đó đang làm hàng giả nhưng vì hàng hóa đó chưa được tiêu thụ trên thị trường, nên việc xử lý cũng sẽ nhẹ hơn là hàng hóa đã lưu thông. Với các nước lại khác, đã làm giả khi bị phát hiện thì hình thức xử phạt như nhau.
CPTPP có hiệu lực, giá ô tô nhập khẩu sẽ không rẻ như mong đợi
Theo vietnammoi.vn, Hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1, ngoài những lợi ích mà hiệp định thương mại này mang lại thì một số mặt hàng nhập khẩu sẽ không có giá rẻ như mong đợi đặc biệt là ô tô.
Với lộ trình thuế quan trong TPP11 được cho là một trong những điểm được trông chờ nhất, tuy nhiên, liệu người tiêu dùng Việt Nam có được mua ô tô giá rẻ hay không là việc rất được kỳ vọng khi CPTPP có hiệu lực.
Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm: xe máy, xe đạp và một số máy móc điện - điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, v.v... Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.
Tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản
Baohaiquan.vn đưa tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép khoáng sản trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, tình hình khai thác, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép khoáng sản trên các tuyến, địa bàn, vùng biển trọng điểm diễn biến khá phức tạp, gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (nhà ga, cảng) đặc biệt là tại các cảng biển, cảng bến thủy nội địa, ga đường sắt và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển trái phép khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Thủ trưởng nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình; Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu…
Cận Tết, Hải quan Quảng Trị thu giữ hơn 4 tấn đường Thái Lan nhập lậu
Theo baohaiquan.vn, hơn 4 tấn đường kính trắng, 110 bộ kem trị mụn (do Thái Lan sản xuất) vừa bị lực lượng Hải quan Quảng Trị phát hiện bắt giữ.
Ngày 16/1/2019 tại khu vực đường mòn cách Km 59+200, Quốc lộ 9, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện đối tượng có hành vi mua bán hàng hóa NK không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan. Tại đây, lực lượng Hải quan thu giữ hàng hóa vi phạm gồm 2.250 kg đường kính trắng được cất giấu trong các bao tải để trên sàn xe ô tô BKS 74D-00.194.
Mặt khác, đơn vị cũng phát hiện 9 vụ vận chuyển pháo qua biên giới, tang vật vi phạm gồm 394,88 kg pháo các loại; 5 vụ gian lận thương mại hàng xuất khẩu, trị giá hàng hóa khai khống là 2,23 tỷ đồng.
Hải quan La Lay phát hiện 2 doanh nghiệp xuất khống hàng gần 1 tỷ đồng
Theo baohaiquan.vn, Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay, Cục Hải quan Quảng Trị vừa liên tiếp phát hiện 2 DN khai khống gần 1 tỷ đồng hàng hóa XK.
Ngày 11/1/2019, Công ty TNHH XNK MTV Huỳnh Trọng Phát (có địa chỉ tại khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đến Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay xuất trình lô hàng tiêu dùng (bánh kẹo, bia, nước giải khát….) xuất khẩu thuộc tờ khai số 302307505161/B11, đã được Hệ thống phần luồng Đỏ (kiểm tra thực tế 10%).
Qua kiểm tra, công chức Hải quan cửa khẩu La Lay đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm nên đề xuất chuyển luồng kiểm tra thực tế 100% lô hàng.
Kết quả, lực lượng Hải quan phát hiện DN khai khống một số mặt hàng, trị giá hàng hóa khai khống gần 570 triệu đồng.
Các nhà xuất khẩu gạo của châu Á đang gây ra một cuộc chiến giá cả
Theo congthuong.vn, Châu Á đang trải qua một cuộc đua về xuất khẩu gạo khi các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Việt Nam tăng cường nỗ lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo ra nước ngoài để hỗ trợ nông dân, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất. Nhưng sự cạnh tranh này có thể làm giảm giá cả toàn cầu, và có thể gây hiệu ứng ngược lại.
Thái Lan, trong hơn ba thập kỷ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giờ phải đối mặt với viễn cảnh ảm đạm khi sản lượng xuất khẩu giảm sâu
Ở Ấn Độ, nơi những người nông dân trở thành nhóm cử tri quan trọng, hai tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 5, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi công bố trợ cấp gạo 5% cho xuất khẩu gạo không phải basmati loại phổ biến (gạo basmati là loại gạo dài đặc trưng của Ấn Độ và Pakistan).
Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2018 tăng 6% so với năm trước, lên 6,15 triệu tấn. Hơn nữa, tình hình chính trị ở Indonesia - một nước nhập khẩu gạo lớn của Thái Lan cũng đang tạo ra yếu tố chống lại các nhà xuất khẩu của Thái Lan.
Việt Nam cũng đang đi trên con đường tương tự. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn chưa đưa ra các kế hoạch cụ thể và hợp lý để đảm bảo các ngành công nghiệp gạo trong nước chuyển sang gạo chất lượng cao.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet