Hà Nội thiếu hụt 100.000 tấn thịt lợn
Kinhtedothi.vn đưa tin, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, TP có khoảng 10 triệu dân sinh sống, học tập, làm việc với nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc gia cầm khoảng 320.000 tấn/năm (tương đương gần 900 tấn/ngày). Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi của TP mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Đối với thịt lợn, nhu cầu tiêu thụ của TP trung bình 650 - 700 tấn thịt/ngày, do bệnh DTLCP xảy ra nên sản lượng thịt lợn năm 2019 ước tính đạt 200.000 - 220.000 tấn/năm, đáp ứng 60 - 65% nhu cầu tiêu thụ. Như vậy, TP đang thiếu hụt 90.000 - 100.000 tấn thịt lợn cho người tiêu dùng. Riêng đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng xuất ra của TP khoảng 10.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thịt bò. Ước tính, nhu cầu thịt bò còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình DTLCP trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 12/6, DTLCP đã làm mắc và tiêu hủy 350.000 con, chiếm 22,5% tổng đàn tại 19.200 hộ chăn nuôi, chiếm 26% tổng hộ chăn nuôi lợn.
Người dân bị dịch tả heo châu Phi có thể được khoanh nợ 2 năm
Theo vietnambiz.vn, đại diện NHNN cho biết những trường hợp khách hàng vay khó khăn vì thiên tai dịch bệnh sẽ được ngân hàng xem xét khoanh nợ 2 năm, giảm thậm chí miễn lãi.
Đồng thời NHNN cũng chủ động tham mưu cho Chính phủ mở rộng đối tượng vay vốn với những rủi ro liên quan và cả trường hợp người dân vùng sâu vùng xa, có những trường hợp cơ cấu một lần không được thì cơ cấu nhiều lần để đảm bảo người dân, doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được ưu tiên. Trường hợp khó khăn vì thiên tai dịch bệnh sẽ được xem xét khoanh nợ 2 năm.
Hiện NHNN đang rà soát tổng hợp đánh giá, tuy nhiên để tổng hợp chính xác số liệu chính thức là bao nhiêu để xem xét khoanh nợ thì NHNN phải chờ thông tin chi tiết từ báo cáo của các tỉnh, khoảng tháng sau sẽ có thông tin cụ thể.
Các TCTD rất muốn tiếp cận với các doanh nghiệp SME đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đủ điều kiện phương án SXKD hiệu quả, tài sản bảo đảm, dòng tiền thì sẽ được ngân hàng cấp vốn.
Riêng đối với lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch thì tăng rất hạn chế nhưng do qui mô quá nhỏ và hiện NHNN đang rà soát lại, những lĩnh vực này hoạt động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sản xuất ở đâu, mua như thế nào như việc tái canh cây cà phê,…
Doanh nghiệp cần xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế
Tapchitaichinh.vn đưa tin, để phát triển kinh tế bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể và chủ động các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp cần xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như: trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…
Hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam và hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: bạch trà, cà phê hòa tan, gạo hữu cơ, tiêu trắng... sang Trung Đông, Liên bang Nga và Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển một nền ngoại thương bền vững nói chung và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nói riêng đòi hỏi các giải pháp tổ chức toàn diện và sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, qua đó định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tốt chủ trương này.
ĐBSCL: Ớt tăng giá trên 40.000 đồng/kg
Theo tintucnongnghiep.com, gần 1 tháng nay, giá ớt tại các tỉnh ĐBSCL luôn tăng cao ở mức từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn không đủ nguồn cung cấp cho các đại lý.
Các giống ớt được trồng nhiều phổ biến là ớt Chánh Phong, Thiên Ngọc, Sen Hồng, Hai Mũi Tên, Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Búng, Tên Lửa 106…
Theo tính toán của người trồng ớt, sau 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch và mỗi vụ cho thu hoạch từ 1,5 - 2 tháng, bình quân đạt năng suất từ 15 - 20 tấn/ha. Sau khi trừ hết các chi phí, với giá này người trồng ớt lãi hơn 30 triệu đồng/công.
Đề xuất bỏ quy định 'lợn không được ăn chuối, bèo tây'
Tienphong.vn đưa tin, VCCI vừa phản hồi Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), về ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam. Đáng lưu ý, Thông tư 02 đã gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định “lợn không được ăn cây chuối, bèo tây”, “thỏ không được ăn cà rốt”…
VCCI cho rằng, pháp luật chỉ nên tập trung quy định những ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị cấm, theo phương pháp “chọn bỏ”, chứ không nên quy định danh mục cho phép.
Phương pháp quản lý trên sẽ dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước chỉ cần “quên” hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó là người dân và doanh nghiệp không được phép kinh doanh loại thức ăn đó. Bởi, trên thực tế, mỗi loại vật nuôi, mỗi vùng miền thì người dân lại có những kinh nghiệm chăn nuôi dân gian khác nhau mà cán bộ quản lý nhà nước khó có thể biết hết được.
Phương pháp này còn có thể gây cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới sẽ không được phép đưa vào kinh doanh.
Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản “tuýt còi”, kiến nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra, xử lý một số nội dung chưa đảm bảo tính hợp pháp trong Thông tư 02/2019.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet