Giá vật liệu xây dựng đồng loạt tăng
Theo sggp.org.vn, sau thời gian giá điện tăng, thị trường vật liệu xây dựng như cát xây dựng, thép, xi măng… cũng đang tăng.
Tùy vào khu vực, giá cát đang dao động trên dưới 300.000 đồng/m3, cao hơn 20%-30% so với thời điểm đầu năm 2019. Nguyên nhân do nhu cầu xây dựng tăng, nhưng nguồn cung rất hạn chế và chi phí vận chuyển cũng tăng.
Giá thép cũng tăng 100.000-200.000 đồng/tấn. Hiện thép cuộn loại 6mm, 8mm, 10mm dao động 14,5-14,84 triệu đồng/tấn, thép cây 14,5-15 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong sản xuất thép, giá điện thường chiếm 8%-9% chi phí. Ngoài giá điện, giá quặng sắt giữ ở mức cao cũng là nguyên nhân buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán thép thành phẩm.
Cùng với thép và cát xây dựng, giá xi măng cũng điều chỉnh tăng 50.000-70.000 đồng/tấn.
Nhập khẩu vải may mặc từ Trung Quốc tăng mạnh
Sggp.org.vn đưa tin, trong 5 tháng qua có 21 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, vải, sắt thép, chất dẻo… Đáng chú ý, vải có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập khẩu nhiều nhất, chiếm tới 57,3% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của cả nước.
Nguyên nhân cốt lõi khiến ngành may mặc phải gia tăng nhập khẩu vải là do thực trạng hiện nay ở một số địa phương “dị ứng” với ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm.
ông Vũ Đức Giang đưa ra 3 kiến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển ngành vải trong nước. Thứ nhất, nhanh chóng hình thành các khu công nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may. Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý. Có như vậy, ngành dệt may mới nhanh chóng thoát khỏi phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu nói chung và lĩnh vực vải nói riêng; từ đó, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đang mở ra.
Xuất khẩu nông sản có dấu hiệu chựng lại
Theo sggp.org.vn, năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục với hơn 40 tỷ USD. Nhưng 5 tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu nông lâm thủy sản đang có dấu hiệu chựng lại, các mặt hàng chính như gạo, tiêu, hạt điều, sắn, trái cây, thủy sản… bị sụt giảm so với cùng kỳ.
5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 16,1 tỷ USD; trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt khoảng 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ chựng lại ở nhóm các mặt hàng chính, một số loại nông sản được xem là đặc sản của Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng khó tìm đầu ra.
Ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia đã nhận định 2019 là năm gian nan đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Bởi lẽ, với việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đầu ra cho nông sản Việt sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm.
Còn một nguyên nhân khác: nhiều nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam đều gia tăng bảo hộ hàng hóa trong nước thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Thực tế này đã tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Xuất khẩu thuỷ sản sẽ khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm
Theo congluan.vn, VASEP cho hay, tuy xuất khẩu thủy sản trong các tháng đầu năm nay có sự sụt giảm, song DN vẫn có nhiều lợi thế tại các thị trường lớn.
Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 2,42 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản hiện đang là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17%, tiếp đến là Mỹ chiếm 15,9%, EU chiếm 15,6%, Trung Quốc chiếm 11%...
VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản trong các tháng đầu năm nay có sự sụt giảm do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như, rào cản thương mại, thuế chống bán giá giá tôm, cá tra từ thị trường Mỹ, chính sách kiểm soát chặt đường biên mậu của Trung Quốc, rào cản kỹ thuật từ các thị trường lớn. Cùng với đó, trong quý 1, nguồn cung tôm thế giới tăng cao, lượng tồn kho ở các thị trường vẫn lớn, giá xuất khẩu giảm, trong khi giá tôm Việt Nam khó cạnh tranh với tôm các nước khác như Ấn Độ, Indonesia.
Tuy nhiên, ông Hòe đánh giá, trong quý 2 và những tháng tiếp theo xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc hơn. Nguyên nhân là do, tại các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU hay Trung Quốc thì mặt hàng thủy sản của Việt Nam đều có lợi thế nhất định. Thêm vào đó, việc Trung Quốc công bố phê duyệt 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào nước này được miễn thuế nhập khẩu với mức thuế cơ bản là 0% theo khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc cũng là động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.
Nhiều trái cây lần đầu xuất chính ngạch sang Trung Quốc
Thông tin từ Vtv.vn, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản thực phẩm. Nhưng gần 80% vẫn là xuất sang Trung Quốc.
Nếu như trước đây phần đa nông sản xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân thì nay đã khác. Thời điểm này, phía Trung Quốc mới chỉ cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 9 loại nông sản của Việt Nam. Như vậy sẽ không còn cảnh quả dưa hấu lót rơm để thông quan như hàng chục năm nay bà con vẫn làm nữa mà bắt buộc phải đóng trong thùng và có dán tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận an toàn.
Cùng với những khó khăn mới về chất lượng, tiêu chuẩn, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với yêu cầu phải thay đổi nhanh chóng.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet