Lúa hè thu chờ giải cứu
Theo
tuoitre.vn, giá thành sản xuất vụ hè thu 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân 3.826 đồng/kg. Trong khi đó, tại Đồng Tháp, nông dân đang bán lúa tại ruộng 3.800 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Cần Thơ giá thành sản xuất lúa vụ hè thu dao động 3.600-3.900 đồng/kg, trong khi giá bán 3.800 đồng/kg.
Cần phải có giải pháp để mua hết lúa trong dân khi vụ hè thu đến là may rồi, đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30% là khó khăn.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2018, với trị giá đạt khoảng 1,18 tỉ USD, giảm 20,4%. Ngoại trừ Philippines, các thị trường truyền thống nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều giảm nhập gạo Việt Nam với những lý do như Trung Quốc tồn kho vụ cũ nhiều, Bangladesh khôi phục sản xuất sau lũ lụt...Giá xuất khẩu gạo cũng giảm rất mạnh, trung bình chỉ còn 427,5 USD/tấn, giảm tới gần 77 USD/tấn so với cùng kỳ 2018.
Xuất khẩu gạo giảm do không có hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường, trong khi thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn do thay đổi chính sách. Đây cũng là một áp lực cho việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu tới.
Cá tra bị vướng khi xuất sang Trung Quốc
Theo
nld.com.vn, một số lô cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp vướng mắc do ghi nhãn sai tên thương mại bằng tiếng Trung là cá basa
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) vừa có văn bản gửi các cơ sở chế biến, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng về việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp vướng mắc.
Theo đó, Nafiqad nhận được thông tin các lô hàng cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc gặp vướng mắc khi thông quan do ghi nhãn sai tên thương mại bằng tiếng Trung của cá tra là cá basa, không đúng với tên khoa học pangasius hypophthalmus trên bao bì xuất khẩu. Doanh nghiệp lại sử dụng thông tin này để khai báo nhập khẩu với cơ quan hải quan Trung Quốc. "Thông tin này không đúng với bản chất lô hàng và thông tin trên chứng thư do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp" – Nafiqad khẳng định.
Do đó, Nafiqad yêu cầu các cơ sở chế biến, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc phải rà soát kỹ các thông tin ghi trên nhãn/bao bì sản phẩm, bảo đảm ghi đúng tên thương mại tiếng Trung của cá tra và tương ứng với tên khoa học (pangasius hypophthalmus), phù hợp với các thông tin đã đăng ký, kiểm tra và được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng chứng nhận trong chứng thư. Đồng thời, Nafiqad đề nghị các đối tác nhập khẩu khi làm thủ tục khai báo nhập khẩu lô hàng cá tra với Hải quan Trung Quốc cũng cần khai rõ, chính xác tên thương mại tiếng Trung, tên khoa học của cá tra.
Xuất khẩu sắn giảm do nhu cầu của Trung Quốc giảm
Theo
vietnambiz.vn, tháng 5, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kì năm 2018 do nhu cầu yếu, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường chủ lực chiếm 84,1% tổng lượng sắn xuất khẩu.
Giá xuất khẩu bình quân giảm 11,3% so với cùng kì năm 2018, xuống còn 404,7 USD/tấn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 939.890 tấn, trị giá 362,68 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 10,5% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm do nhu cầu từ thị trường này giảm. Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kì, làm giảm nhu cầu tiêu thụ sắn.
Thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tiếp tục ở mức thấp do nhu cầu từ Trung Quốc chậm.
Nhu cầu tiêu thụ sắn lát của Trung Quốc dự báo có thể tăng trở lại sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu lên 25% với gói hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ khiến nguồn cung cồn nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, để giảm áp lực thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, điều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn.
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnhđẩy giá thành xây dựng lên cao
Vov.vn đưa tin, giá các vật liệu xây dựng đều tăng, có loại tăng gần gấp đôi nên giá xây dựng năm nay cũng được điều chỉnh tăng tương ứng.
Tại TP HCM, sắt thép, đá, xi- măng, gạch ống, gạch lót nền, gạch trang trí đều tăng giá khá mạnh: cát vàng dùng để xây dựng hiện có giá lên đến 1,7 triệu đồng/xe 4,4 m3, tức 1 m3 có giá gần 400.000 đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi xe cát tăng 500.000 đồng, cát đen dùng để san lấp hiện lên đến 1,15 triệu đồng/xe 4,4 m3, so với năm ngoái khoảng 900.000 đồng/xe.
Do nhiều địa phương cấm khai thác cát, nên mặt hàng này rất khan hiếm, giá cả tăng cao. Khách muốn mua bao nhiêu phải đặt hàng trước cả tháng mới có mối giao.
Mặt hàng đá xây dựng hiện đã gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái lên 1,5 triệu đồng/xe 4,4 m3. Gạch ống loại thường được sản xuất thủ công hiện có giá bán 1.000 đồng/viên (tăng 100 đồng), gạch tốt 1.150 đồng/viên. Gạch ống của Công ty CP Gạch ngói Đồng Nai có giá bán cao ngất ngưởng lên đến 2.000 đồng/viên, khi nào có khách mua cửa hàng mới kêu công ty giao.
Những mặt hàng tiêu tốn nhiều điện năng để sản xuất như sắt thép, xi-măng cũng tăng đáng kể so với trước. Cụ thể, các mặt hàng xi-măng dạng không bao bì hiện tăng khoảng 50.000 đồng/tấn, còn xi-măng có bao bì bán lẻ từ 85.000-95.000 đồng/bao, tăng 5.000 đồng/bao.
Giá thép xây dựng tăng khoảng 200.000-250.000 đồng/tấn, tùy nhà máy, như thép cuộn hiện có giá bán lẻ gần 11 triệu đồng/tấn, thép cây phi 14 lên 240.000 đồng/cây, phi 16 giá 280.000 đồng/cây và phi 18 là 320.000 đồng/cây.
Do đang trong mùa xây dựng, cộng thêm giá các VLXD đều tăng, có loại tăng gần gấp đôi nên giá xây dựng năm nay cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. Theo đó, giá xây dựng thô hiện nay từ 3-4 triệu đồng/m2, cao hơn 500.000 đồng/m2 so với năm ngoái. Trường hợp xây dựng hoàn thiện nhưng không lắp đặt thiết bị vệ sinh, đèn trang trí và một số công đoạn trang trí khác, có mức giá từ 6-6,5 triệu đồng/m2.
Tạm cấp 1.270 tỷ đồng tiêu hủy lợn dịch ASF
Vietnambiz.vn đưa tin, Bộ Tài chính vừa có các văn bản gửi 6 địa phương là Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh tạm cấp tổng kinh phí 1.270 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, gồm Hải Dương 280 tỷ đồng, Hưng Yên 180 tỷ đồng, Thái Bình 335 tỷ đồng, Hà Nam 175 tỷ đồng, Nam Định 225 tỷ đồng, Quảng Ninh 75 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương này chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện rút dự toán số kinh phí hỗ trợ nêu trên tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 119/2018/TT-BTC ngày 5/12/2018 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đây là sáu địa phương dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng (toàn bộ địa bàn các huyện của tỉnh), cơ chế lây lan nhanh, phức tạp, kéo dài, cường độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ heo chết khi đã nhiễm bệnh cao, trong khi chưa có vắcxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị bệnh. Do đó, nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tiêu hủy heo nhiễm bệnh trên địa bàn các tỉnh này là rất lớn, vượt quá dự phòng của ngân sách địa phương.
Tính đến ngày 25/6, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 2,8 triệu con heo bị tiêu hủy.
Nguồn: VITIC tổng hợp