Thịt gà ùn ùn về Việt Nam, chưa tới 1 USD/kg
Haiquanonline.com.vn đưa tin, theo Cục Chăn nuôi, nhập khẩu thịt gà các loại năm 2016 đến nay lần lượt là: Năm 2016 nhập hơn 122 nghìn tấn (trị giá hơn 87,8 triệu USD); năm 2017 nhập hơn 85,8 nghìn tấn (hơn 80,2 triệu USD); năm 2018 là hơn 128 nghìn tấn (hơn 116,3 triệu USD). 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 105,7 nghìn tấn thịt gà, tương ứng giá trị hơn 96,5 triệu USD.
Trong tổng số hơn 105,7 nghìn tấn nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay, chỉ có 60% là thịt đùi, tương đương là 63.479 tấn; gà nguyên con (gà loại của Hàn Quốc) 13,3%, tương đương 14.071 tấn; còn lại là các sản phẩm cánh, chân, mề, gan, da, xương, sụn, phao câu,... Giá bình quân cho các sản phẩm là 0,913 USD/kg (các năm trước cũng dao động từ 0,85-1USD/kg.
Dự kiến, cả năm 2019, sản lượng thịt gà nhập khẩu khoảng 150 nghìn tấn. Cục Chăn nuôi đánh giá: Thịt có khả năng cạnh tranh thị trường là thịt đùi khoảng 90 nghìn tấn, chiếm 10,37% so với thịt gia cầm, 13,53% so với thịt gà và 30,41% so với thịt gà công nghiệp.
Mới đây Cục Chăn nuôi chính thức bác bỏ quan điểm nhập khẩu thịt gà gia tăng làm giảm giá gà trong nước. Theo Cục này, với số liệu nhập khẩu dự kiến nêu trên (150 nghìn tấn thịt gà nhập khẩu năm 2019), số lượng thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam không ảnh hưởng đến thị phần và giá thịt gà trong nước. Số lượng có tăng nhưng không tăng nhiều. Nhập khẩu thịt gà tăng một phần do bệnh Dịch tả lợn châu Phi làm giảm sản lượng thịt lợn.
Hoãn ATIGA đối với ngành mía đường là khó khả thi
Thông tin từ Vietnambiz.vn, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho đến nay, ngành mía đường vẫn cơ bản là đóng cửa trong khi tất cả ngành khác, kể cả ngành nhạy cảm như chăn nuôi, rau quả, sắt thép… đều đã mở cửa. Các khó khăn đối với ngành mía đường hiện nay thực tế phát sinh trong hai năm gần đây chủ yếu do chưa khắc phục được những vấn đề nội tại. Theo đó, sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu, do qui hoạch và triển khai qui hoạch vùng nguyên liệu tại một số địa phương chưa tốt. Địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn, cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, qui mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lí, thời gian thu hoạch và chế biến một vụ kéo dài…Ngoài ra, giá đường trên thế giới thời gian qua giảm thấp, chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn, làm đường nhập lậu và gian lận thương mại tăng dẫn đến cung vượt cầu, kéo theo giá đường trong nước giảm, sản xuất, tiêu thụ đường gặp khó khăn.
Thủ tướng cho biết để khắc phục những khó khăn nêu trên không chỉ trông chờ từ cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà còn cần có sự nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân, nhất là cần có sự đầu tư, chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp mía đường với người nông dân. Đối với vấn đề xem xét hoãn thực thi cam kết ATIGA cho ngành mía đường, Thủ tướng cho biết điều này khó khả thi.
Theo Thủ tướng, năm 2018, Chính phủ đã cho phép trì hoãn thời hạn xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2020 để ngành mía đường Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị. Nếu tiếp tục hoãn thực thi cam kết đối với mặt hàng đường các nước có thể có những biện pháp trả đũa và yêu cầu đền bù, ảnh hưởng về mặt kinh tế và uy tín của Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch mít sang Trung Quốc
Theo nongnghiep.vn, diện tích cây mít của ĐBSCL đến nay đạt trên 10.100 ha. Có thời điểm, mít Thái được tiêu thụ 90% sản lượng tại thị trường Trung Quốc, khi nhu cầu ít thì cũng chiếm khoảng 60% sản lượng. Thời gian qua, việc xuất khẩu mít của các thương lái Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là con đường tiểu ngạch.
Trước việc thị trường này yêu cầu chính ngạch để xuất khẩu bền vững, tiến sỹ Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường thuộc Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Đối với cây mít, vấn đề hiện nay là cần quy hoạch lại vùng trồng, bởi vì vẫn còn trồng tự phát nhiều quá. Thứ hai là vấn đề kỹ thuật, chúng ta phải làm sao để chất lượng trái mít ngày càng tốt hơn, nhất là vấn đề trái mít phải ít bị xơ đen.
Yêu cầu từ phía thị trường không khó lắm như trọng lượng trái mít phải từ 8kg trở lên, thời điểm hút hàng thị trường vẫn chấp nhận trái có trọng lượng từ 6-8kg. Hàng hóa xuất khẩu phải có nhãn mác, bao bì, đóng gói...
Vấn đề là phải tổ chức lại khâu tiêu thụ. Mít rất ít bệnh, bà con cũng đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng mít như sử dụng phân bón hài hòa, canh tác sinh học… nên chất lượng trái tin rằng sẽ ngày càng nâng cao.
Doanh nghiệp cần ý thức trong XK nông sản sang Trung Quốc
Theo vietnamplus.vn, hiện nay, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo đối với doanh nghiệp: Nguyên tắc là khi đưa hàng hóa sang một thị trường mới, doanh nghiệp phải có bộ phận chuyên trách nghiên cứu thị hiếu, thủ tục thông quan của nước đó. Nhiều doanh nghiệp thấy được phép xuất khẩu là chỉ lo đưa hàng đi mà không để ý những vấn đề nêu trên. Trước khi xuất khẩu, cơ quan chức năng Việt Nam có kiểm tra, nhưng do quá nhiều hàng hóa nên họ không thể kiểm soát hết được.
Hàng gian lận thường được nhét sâu trong thùng cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng bởi họ không thể dỡ hàng ra kiểm tra chi tiết được. Nếu việc kiểm tra, kiểm soát quá lâu sẽ ảnh hưởng và gây thêm ách tắc.
Quan trọng nhất vẫn là ý thức của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định trong nhập khẩu. Giải pháp trong kiểm soát là cần áp dụng công nghệ như máy soi hàng hóa. Nếu có hệ thống máy soi thì khó có chuyện "độn hàng" khác và thời gian thông quan cũng nhanh chóng.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chuyển sang vận chuyển hàng hóa theo đường biển và việc thông quan rất nhanh, không gặp phải những vấn đề trên.
Việc gian lận chủ yếu qua đường bộ vì tại các cửa khẩu chưa được trang bị công nghệ máy soi hàng hóa. Để giảm áp lực thông quan tại cửa khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu lên phía Bắc của Trung Quốc.
Nếu cứ dồn xuất khẩu vào một vài cửa khẩu thì đương nhiên xảy ra ùn ứ. Một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi chuyển hàng từ đường bộ qua biên giới sang chuyển hàng bằng đường biển vào phía Bắc Trung Quốc. Sản phẩm của họ đi lên Thượng Hải thâm nhập sâu vào nội địa và rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì.
Điển hình như thanh long vừa qua, một số tỉnh giáp Việt Nam cũng trồng nhiều thanh long. Doanh nghiệp lại đưa thanh long vào đúng khu vực trồng nhiều thanh long thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn. Mùa vụ thanh long của Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 11, doanh nghiệp và nông dân cần chủ động dải vụ, tránh trùng với họ.
Nguồn: VITIC