Giá ớt ở Ninh Thuận liên tục tăng cao
Theo baotintuc.vn, tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 350ha ớt, chủ yếu tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Sơn. Tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, giá bán tại ruộng bình quân 25.000 đ/kg. Cuối tháng Sáu, ớt xiêm 45.000 đ/kg, mức cao nhất vài năm trở lại đây. Trường hợp giữ giá 25.000-30.000 đ/kg, nông dân thu hoạch thời điểm này đều lãi.
Theo các hộ trồng ớt, những năm trước, giá ớt liên tục ở mức thấp, từ 7.000-10.000 đ/kg, thậm chí thấp hơn khiến nhiều người chuyển sang trồng cây khác. Diện tích giảm, thời tiết diễn biến thất thường nên năng suất ớt đạt thấp; trong khi đó, nhu cầu thị trường mặt hàng này tăng, được giá.
Hiện giá bán loại nông sản này từ 25.000-30.000 đ/kg, mỗi sào ớt người trồng thu về hàng chục triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, để cây ớt phát triển bền vững đem lại nguồn thu ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc lựa chọn cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận cần có quy hoạch phát triển cây ớt, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như đã từng xảy ra.
Dự báo giá hạt điều tăng trở lại nhờ nhu cầu tháng 7, 8 tăng
Theo vietnambiz.vn, trong 20 ngày đầu tháng 6, giá hạt điều toàn cầu nhìn chung khá ổn định. Áp lực dư cung giảm bởi hiện nay chỉ còn một số nước trong giai đoạn cuối của vụ thu hoạch như Ấn Độ, Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Guiné-Bissau và Sénégal. Dự báo giá hạt điều toàn cầu sẽ phục hồi trở lại do nhu cầu tăng từ các tháng 7,8 nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Bên cạnh đó, giá nhân hạt điều ở mức thấp tác động tích cực đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Lũy kế từ đầu năm đến hết nửa đầu tháng 6, xuất khẩu hạt điều đạt 174,7 nghìn tấn, trị giá 1,343 tỉ USD, tăng 9,6% về lượng, nhưng giảm 13,6% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Nửa đầu tháng 6, giá điều xuất khẩu bình quân đạt mức 7.099 USD/tấn, giảm 3,5% so với nửa đầu tháng 5. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 6, giá xuất khẩu hạt điều đạt 7.689 USD/tấn, giảm 21,3% so với cùng kì năm 2018.
Tăng cường kiểm tra xuất xứ mặt hàng gỗ dán
Theo congthuong.vn, Bộ Công Thương vừa cảnh báo một số doanh nghiệp Việt nghi tiếp tay cho hàng Trung Quốc bằng cách gian lận về xuất xứ, nhãn mác các lô gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ. Gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Đến nay, thuế suất thuế nhập khẩu đã nâng từ 10% lên 25%, điều này làm tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, có thể tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát, kiểm tra công tác quản lý, kiểm tra xuất xứ gỗ dán xuất khẩu, nhập khẩu của các cơ quan hải quan từ năm 2018 đến nay. Đồng thời, tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ, hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp.
Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã có nghi vấn và tiến hành điều tra các doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Quốc được các đơn vị này nhập khẩu vào Mỹ.
Theo đó, có sự liên đới của một số doanh nghiệp Việt Nam với hành vi vi phạm về thuế của các doanh nghiệp đang bị điều tra. Cụ thể là, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hành vi gian lận về xuất xứ, nhãn mác các lô gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy: Mặt hàng gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã có sự tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ áp thuế hơn 450% đối với thép Việt có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan
Thông tin từ Vietnambiz.vn, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với sản phẩm thép sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó chuyển qua Việt Nam để gia công không đáng kể và cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho hay đã phát hiện sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan, vốn chịu thuế bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ.
Thuế quan đối với sản phẩm thép Hàn Quốc và Đài Loan có hiệu lực lần lượt vào tháng 12/2015 và tháng 2/2016. Kể từ thời điểm đó đến tháng 4/2019, xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng lần lượt 332% và 916% so với giai đoạn ngay trước đó, theo tuyên bố
Theo Reuters, cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu theo yêu cầu từ chi nhánh tại Mỹ của ArcelorMittal SA cũng như các hãng Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, California Steel Industries và AK Steel Corp.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi giảm 30% vì dịch ASF
Vietnambiz.vn đưa tin, các nhà sản xuất tại Việt Nam lo ngại ngành thức ăn chăn nuôi động vật có thể sụp đổ nếu dịch tả heo châu Phi (ASF) tiếp tục lây lan. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho động vật đã giảm ít nhất 30%. Một số nhà chế biến thức ăn chăn nuôi tại phía bắc cho biết doanh số bán thức ăn chăn nuôi đã giảm mạnh và có thể giảm kỉ lục 50%.
Một báo cáo từ USDA cho hay dịch ASF sẽ khiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi giảm từ 23,8 triệu tấn trong 2018 xuống 23,7 triệu tấn trong năm 2019 và 25,5 triệu tấn vào 2020.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến nay, bệnh dịch ASF đã xuất hiện tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nguồn: VITIC

Nguồn: Vinanet