Giá cây keo tăng cao
Theo vov.vn, hiện nay giá keo nguyên liệu liên tục tăng lên gần 1,3 triệu đồng/tấn nên người trồng rừng phấn khởi, nhiều người ồ ạt bán keo non.
Từ đầu năm đến nay, giá cây keo nguyên liệu tăng mạnh, lên 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 200.000đ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, người trồng rừng có lãi bình quân khoảng hơn 60 triệu đồng/ha.
Điều đáng lo ngại là khi giá keo nguyên liệu tăng cao đã xảy ra tình trạng người dân ồ ạt bán keo non.
Cũng có thông tin cho rằng, cần hạn chế khai thác rừng non nhưng lại không có chỗ nào quy định như thế. Khi mà đất nhà nước đã giao cho người dân thì người dân tự chủ trong vấn đề sản xuất, tự chủ thời gian bán. .
Việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận thực tế không cao. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Đồng thời vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần phát triển nghề rừng theo hướng hiệu quả, bền vững.
Giá mía tăng mạnh
Theo vov.vn, do đang vào thời điểm nắng nóng, mía chục được thu mua nhiều để ép làm nước giải khát nên giá bán tăng mạnh, đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Vào thời điểm này ở những diện tích mía xuống giống sớm, nông dân tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu thu hoạch để bán mía chục. Do đang vào thời điểm nắng nóng, mía chục được thu mua nhiều để ép làm nước giải khát nên giá bán tăng mạnh, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện tại, mía được bó thành chục gồm 12 cây với giá từ 1.500- 1.700 đồng/kg
Theo người trồng mía Hậu Giang, sau khi thu mua, mía chục sẽ được thương lái chuyển về các tỉnh, thành khác để bán cho các cơ sở ép nước giải khát. Do hiện nay thời tiết oi bức, nhu cầu giải khát cao nên mía chục rất có giá.
Hiện thương lái vào tận ruộng thu mua mía có chiều cao từ 1m6 trở lên, cây thẳng, mía được bó thành chục gồm 12 cây với giá từ 1.500- 1.700 đồng/kg, tùy theo chất lượng mía, cao hơn cùng kỳ năm trước 200 đồng/kg. Bên cạnh giá bán cao, thì năng suất mía năm nay cũng ở mức cao, từ 10-12 tấn/công. Sau khi trừ hết chi phí nông dân bán mía chục thu nhập hơn 12 triệu đồng/công.
Vụ mía này, huyện Phụng Hiệp - vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL gieo trồng hơn 6.700 ha mía, giảm gần 1.000 ha mía so với vụ mía năm trước do người trồng mía thua lỗ nên đã chuyển sang trồng loại cây trồng khác.
Xuất khẩu sang Thụy Sỹ phải kiểm tra bằng chứng xuất xứ
Thoibaotaichinhvietnam.vn đưa tin, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ (Bộ Công thương) cho biết, Hải quan Thụy Sĩ vừa ban hành Quy định để xác nhận, kiểm tra xuất xứ hàng hoá tại các thị trường. Mục đích của hướng dẫn trong quy định này là cung cấp hỗ trợ cho đối tượng có nghĩa vụ khai báo để kiểm tra tính hợp lệ chính thức của bằng chứng xuất xứ hàng hoá.
Nếu đối tượng kê khai không xác minh tính hợp lệ của bằng chứng xuất xứ dựa trên thông tin có trong tờ thông tin, thì được coi là không tuân thủ thủ tục. Các thỏa thuận tương ứng và pháp luật quốc gia có tính ràng buộc pháp lý. Nếu nghi ngờ, cơ quan hải quan sẽ cung cấp thêm thông tin.
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ công bố mục lục Tờ thông tin hướng dẫn bao gồm: Giấy chứng nhận di chuyển hàng hoá EUR.1; giấy chứng nhận di chuyển hàng hoá EUR - MED; giấy chứng nhận xuất xứ cho Nhật Bản - Thụy Sĩ; giấy chứng nhận xuất xứ GCC - EFTA; giấy chứng nhận xuất xứ cho Trung Quốc - Thụy Sĩ; giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu A; tuyên bố nguồn gốc trong các hiệp định thương mại tự do; giấy chứng nhận xuất xứ EUR - MED; khai báo xuất xứ trong phạm vi của Hệ thống Tổng quát (GSP) cho các nước đang phát triển; tuyên bố về nguồn gốc trong phạm vi của GSP cho các nước đang phát triển Hệ thống REX.
Cơ hội xuất khẩu gạo Long An sang Trung Quốc
Theo vietnambiz.vn, Hiệp hội Lương thực và 20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc đang đến Long An, Đồng Tháp và An Giang nhằm trực tiếp đàm phán, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu gạo trong thời gian sắp tới.
Trước đây tỉnh Sơn Tây và một số địa phương ở Trung Quốc thường nhập khẩu gạo của Thái Lan, Pakistan nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nhập khẩu gạo từ Việt Nam vì gạo Việt Nam chất lượng cao, giá tốt, giao thương giữa hai quốc gia có nhiều thuận lợi.
Đối với Trung Quốc, sản phẩm gạo thâm nhập được vào thị trường quan trọng là phù hợp với khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người dân, và hơn nữa chất lượng gạo là yếu tố quyết định.
Long An là một trong những địa phương sản xuất lương thực lớn nhất nước, gần đây một lượng lớn gạo ngon đã xuất khẩu đi Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu gạo qua thị trường này ngày càng tăng.
Cho đến nay, Long An đã quy hoạch xây dựng các vùng, tiểu vùng với 40.000 ha lúa chất lượng cao, đặc biệt còn có hơn 8.600 ha lúa ứng dụng công nghệ cao và sẽ đạt 20 .000 ha lúa canh tác kiểu này trong năm 2020.
Ra mắt trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản
Thoibaotaichinhvietnam đưa tin, sáng ngày 8/5/2019, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức lễ ra mắt Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản và bấm nút xuất bản chuyên trang điện tử Tài chính nông thôn (Etime.danviet.vn).
Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ tại 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội được thành lập có nhiệm vụ: Xây dựng chuỗi gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền; tổ chức gói dịch vụ kết nối hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; tạo diễn đàn mở, tạo môi trường gặp gỡ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách với nông dân; trực tiếp kết nối và trực tiếp bán sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng...
Đặc biệt, việc ra đời chuyên trang điện tử tài chính nông nghiệp (Etime.danviet.vn) sẽ nhằm đưa tới bạn đọc, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nông dân những thông tin thiết thực, nhanh, chính xác và sâu về tình hình kinh tế, tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, chính sách nông nghiệp, thị trường xuất khẩu… trong nước và thế giới.
Nguồn: VTIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet