Xuất khẩu gạo vướng nghị định 107/2018-CP
Theo plo.vn, Thái Lan muốn mua gạo Việt nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không thể ký hợp đồng xuất khẩu. Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã bãi bỏ một số điều kiện gây khó cho doanh nghiệp (DN) muốn gia nhập ngành kinh doanh này. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn đang mất nhiều thời gian, vốn đầu tư để đáp ứng các điều kiện phải có kho chứa, có nhà máy để được cấp phép xuất khẩu gạo.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, khi tham dự hội chợ về gạo tại Thái Lan, ông quyết định mang gạo Việt Nam theo giới thiệu. Sau đó, sáu đối tác Thái Lan đến đặt hàng mua gạo VN.Điều đáng nói là dù đối tác Thái Lan muốn mua gạo Việt nhưng mình chưa có giấy phép xuất khẩu nên chưa thể ký kết với họ. Hiện Cỏ May chưa đáp ứng đủ điều kiện có kho chứa theo quy định của Nghị định 107. Vì thế, hiện để xuất khẩu gạo sang Singapore, công ty phải thông qua một DN lớn có giấy phép xuất khẩu. Nếu áp dụng cách này để xuất khẩu gạo sang Thái Lan thì công ty không có lời.
Nhiều DN kinh doanh gạo khác cũng gặp những khó khăn tương tự do vướng các quy định tại Nghị định 107, chủ yếu là quy định thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, quy định thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo… đã khiến nhiều công ty nhỏ buộc phải đầu tư vốn lớn để xây kho chứa, nhà máy xay xát (vì đi thuê rất khó khăn).
Ngành dệt may đang thiếu nguyên liệu sợi và công nghệ nhuộm
Theo vietnambiz.vn, Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu như sợi và ngành nhuộm vẫn chưa phát triển. Tuy nhiên, việc đầu tư vào mảng này vẫn còn đang mắc phải trở ngại lớn về chính sách và nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh hiện nay CPTPP được coi là động lực chính của ngành dệt may. Tuy nhiên, để đủ điều kiện hưởng thuế ưu đãi giảm từ 17,5% xuống còn 0% hàng dệt may Việt Nam phải đạt quy tắc xuất xứ. Hiệp hội Dệt may cho biết Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu như sợi và ngành nhuộm vẫn chưa phát triển. Do đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu từ các nước không nằm trong khối CPTPP do bản thân các nước trong khối cũng chưa thể cung ứng đủ nguồn nguyên liệu.
Nguyên liệu để sản xuất sợi có thể nhập khẩu từ nước ngoài với thuế ưu đãi bằng 0%. Sau đó vải được dệt ở nước ngoài nhưng lại được may ở Việt Nam vì ở bên nước ngoài họ có đủ cơ sở vật chất, công nghệ xử lí nước thải cho việc nhuộm.
CPTPP chính là cơ hội tốt để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đưa mảng nhuộm về Việt Nam do có các chính sách ưu đãi về thuế quan. Thế nhưng trên thực tế, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là chính sách và "cánh cửa" ở các địa phương có mở rộng cho các doanh nghiệp nhuộm hay không.
Ông Vũ Đức Giang đề xuất cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm. Quốc hội nên xem xét lại luật hiệp hội bởi đây là doanh nghiệp chứ không phải tổ chức. Liên quan đến vai trò của Chính phủ trong chiến lược phát triển nguồn lực, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm vì chúng ta đang rất thiếu.
Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc ngày càng khắt khe
Theo kinhtedothi.vn, những quy chuẩn mới từ phía Trung Quốc bước đầu sẽ tạo ra những thách thức song cũng tạo động lực để DN nâng cao quy chuẩn chất lượng sản phẩm.
Những năm qua, Trung Quốc luôn là một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Có tâm lý cho rằng, Trung Quốc là thị trường tương đối “dễ tính” và không có nhiều quy định quá khắt khe đối với hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Việt Nam. Điều này cũng là lý do khiến xuất khẩu hàng hóa chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc, việc giao thương giữa hai quốc gia chủ yếu vẫn bằng đường tiểu ngạch.
Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch lại luôn đe doạ những rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán, dù Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam thực sự thiếu bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Việc xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đã được siết chặt hơn với hàng loạt các yêu cầu, quy chuẩn cao hơn. Đây cũng là bước đệm để hình thành thị trường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngay lúc này, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ cần phải coi trọng và đề cao thị trường Trung Quốc giống như bất cứ thị trường khó tính nào khác trên thế giới.
Hàng loạt lô hàng nông, hải sản Việt Nam bị EU từ chối hoặc giám sát
Vietnambiz.vn đưa tin, trong 4 tháng đầu năm 2019, có 17 lô hàng nông, hải sản của Việt Nam bị từ chối hoặc bị giám sát khi nhập khẩu vào EU do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong giai đoạn ngày 1/1 - 1/5, EU thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU do không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU khi chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm, chủ yếu là cá và các sản phẩm cá chế biến, đóng hộp...
Cụ thể, trong danh sách các mặt hàng và nguyên nhân chi tiết bị cảnh báo, một lô hàng cá da trơn đông lạnh của Việt Nam bị Bỉ từ chối nhập khẩu. Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam cũng bị Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa vào diện giám sát với mức độ cảnh báo "chưa nghiêm trọng". Đáng chú ý, một lô hàng cá ngừ đông lạnh của Việt Nam được nhập khẩu và chế biến tại Pháp cũng bị cảnh báo nhiễm chất cấm với mức độ nghiêm trọng.
Còn đối với nông sản, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản, chỉ sau Na Uy, Trung Quốc và Nga, đứng số 1 Đông Nam Á và số 2 châu Á. Trong tháng 1/2019, EU là một trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt mức cao trên 100 triệu USD
Nguồn: VTIC tổng hợp 

Nguồn: Vinanet