Giá ngô có thể đi ngang trước tác động của báo cáo WASDE
Nối tiếp đà giảm mạnh từ phiên hôm qua, giá ngô mở cửa hôm nay thấp hơn ngưỡng tham chiếu. Tuy vậy, lực mua đang quay trở lại với mặt hàng này, trong bối cảnh USDA dự kiến sẽ công bố báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 05 vào đêm nay. Về mặt kỹ thuật, giá ngô giao dịch trong khoảng đi ngang 575-600 kể từ cuối tháng 04 tới nay. Với những kỳ vọng của thị trường ở thời điểm hiện tại, giá sẽ khó có thể phá vỡ khoảng đi ngang này.
Trước thềm công bố báo cáo WASDE đêm nay, tồn kho ngô cuối niên vụ 22/23 của Mỹ được dự đoán trung bình ở mức 1,366 tỷ giạ, tăng 24 triệu giạ so với báo cáo tháng 04. Đây không phải yếu tố bất ngờ, khi tình hình xuất khẩu chậm chạp của Mỹ thời gian gần đây cùng nhu cầu tiêu thụ ngô nội địa thấp sẽ làm giảm tổng khối lượng sử dụng ngô trong niên vụ 22/23 của nước này và khiến tồn kho tăng cao. Về lý thuyết, việc tồn kho cuối niên vụ cao hơn có thể gây áp lực lên giá ngô.
Đối với nguồn cung từ Nam Mỹ, triển vọng mùa vụ tại hai nhà cung cấp lớn là Argentina và Brazil đang khá trái chiều. Sản lượng ngô niên vụ 22/23 của Argentina và Brazil trong báo cáo WASDE tháng 05 được các nhà phân tích dự đoán lần lượt ở mức 34,93 triệu tấn và 125,97 triệu tấn, so với các mức 37 triệu tấn và 125 triệu tấn trong báo cáo tháng trước. Theo nhận định của chúng tôi, nhiều khả năng USDA sẽ có động thái cắt giảm dự báo sản lượng ngô năm nay của Argentina như kỳ vọng của thị trường, do mùa vụ nước này vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử và tác động tích cực từ hiện tượng El Nino chưa xuất hiện, ít nhất là tới tháng 09 năm nay. Trong khi đó, triển vọng sản lượng ngô niên vụ 22/23 của Brazil có thể sẽ được USDA duy trì. Nguyên nhân là bởi một diện tích lớn ngô vụ 2 của nước này được trồng ngoài khung thời gian lý tưởng và vẫn dễ tổn thương bởi các đợt sương giá sớm trước giai đoạn cuối tháng 06, do đó còn quá sớm để nâng dự báo tổng sản lượng ngô.

Triển vọng nguồn cung tại Brazil sẽ gây sức ép lên giá cà phê
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/05, cả 2 mặt hàng cà phê đều chứng kiến sự đi xuống mạnh mẽ. Giá Arabica giảm hơn 1% khi xuất khẩu trong những ngày đầu tháng 05 của Brazil cho thấy sự khởi sắc với mức tăng gần 40% so với cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, giá Robusta quay đầu giảm sâu khi đã đi sâu vào vùng quá mua dù cho lo ngại nguồn cung khan hiếm ngày càng gia tăng.
Dù liên tục có sự điều chỉnh trong dự báo nguồn cung cà phê niên vụ 2023/24 tại Brazil từ phía Viện Địa Lý và Thống kê Brazil (IBGE), nhìn chung cơ quan thuộc chính phủ nước này vẫn giữ quan điểm sản lượng Arabica thu hoạch trong năm nay sẽ nới lỏng hơn so với 2 năm trước đó. Cụ thể, trong báo cáo mới nhất, IBGE ước tính sản lượng Arabica ở mức 38,3 triệu bao 60kg, tăng mạnh 13% so với niên vụ trước nhờ sự bình thường trở lại của thời tiết. Điều này giúp thị trường gia tăng kỳ vọng vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trước đó sẽ được giải quyết khi quốc gia này thu hoạch, từ đó gây sức ép lên giá.
Cùng với đó, dữ liệu xuất khẩu trong 11 ngày đầu tháng 05 tại Brazil cũng cũng có cho kỳ vọng nguồn cung được cải thiện. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), đã có 711.667 bao Arabica được đẩy đi trong 11 ngày đầu tháng 05, tăng gần 84% so với cùng kỳ tháng 04.
Tuy vậy, trong ngắn hạn khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US vẫn đang duy trì xu hướng giảm, về mức 646.385 bao 60kg, tiếp tục gây sức ép lên nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hạn chế tác động “bearish” do thông tin triển vậy nguồn cung tích cực.

Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gây sức ép tới giá đồng
Sau khi giá chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022 trong phiên giao dịch hôm qua, giá đồng tăng nhẹ nhờ lực mua kĩ thuật trong phiên sáng 12/05. Dự báo giá có thể tiếp tục giằng co do triển vọng tiêu thụ mờ nhạt.
Với các cuộc đàm phán về trần nợ của Chính phủ Mỹ bị đình trệ và lo ngại khủng hoảng ngành ngân hàng tiếp tục kéo dài khi lượng tiền gửi tại ngân hàng PacWest liên tục sụt giảm, ngày càng có nhiều lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Dữ liệu hôm qua cũng cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục giảm và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất trong một năm rưỡi, cho thấy thị trường lao động hạ nhiệt.
Không chỉ Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc cũng ghi nhận lạm phát chậm lại, hoạt động sản xuất suy yếu và tăng trưởng xuất nhập khẩu mất đà. Điều này chỉ ra rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và chưa thể vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Hơn nữa, nối tiếp lo ngại suy thoái dấy lên mạnh mẽ vào ngày hôm qua khi các số liệu kinh tế đồng loạt chỉ ra sự suy yếu trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hôm nay Anh đã công bố số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức âm sau 2 tháng, phản ánh đà tăng trưởng suy yếu. Cụ thể, tăng trưởng GDP giảm 0,3% trong tháng 4, trái ngược với dự báo tăng 1,0% của giới phân tích.
Tối nay, Mỹ sẽ công bố dữ liệu kỳ vọng tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan, với dự báo tiêu dùng của người dân Mỹ chậm lại ở mức 59,8 điểm trong tháng 5, trong khi tâm lý tiêu dùng người dân Mỹ trong tháng 5 cũng giảm xuống mức 63 điểm từ 63,5 điểm của tháng 4. Nếu dữ liệu tối nay công bố ở vùng tiêu cực, lo ngại suy thoái kinh tế làm suy yếu triển vọng tiêu thụ đồng có thể khiến giá đồng tiếp tục gặp áp lực.
Bên cạnh đó, tồn kho đồng tại các Sở Giao dịch lớn liên tục tăng trong thời gian gần đây, cho thấy nguồn cung đang vượt quá nhu cầu. Tồn kho đồng trên Sở LME đã tăng lên 75.950 tấn, mức cao nhất kể từ ngày 21/03, trong khi mức tồn kho trên Sở Thượng Hải liên tục được bổ sung từ đầu tuần.

Thiếu vắng tin tức tích cực, giá dầu có thể tiếp tục giảm
Giá dầu có thể tiếp tục đối diện với áp lực khi thị trường thiếu vắng thông tin mang tính hỗ trợ cho giá, trong khi các yếu tố vĩ mô tiếp tục là một gánh nặng đối với tâm lý các nhà đầu tư.
Rủi ro mới nổi đối với ngân hàng PacWest của Mỹ khi người dân rút khối lượng tiền lớn làm gia tăng căng thẳng trên thị trường tài chính. Trong khi đó, vẫn đề trần nợ tiếp tục là lo ngại. Mới đây, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã hoãn cuộc họp về trần nợ được thiết lập vào thứ Sáu khi các trợ lý tiếp tục đàm phán nhằm tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc của Mỹ. Mối lo suy thoái cũng gia tăng, và điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường dầu.
Về mặt cung cầu hiện chưa có gì nổi bật, nên giá sẽ phản ứng nhiều hơn với bối cảnh kinh tế chung.
Báo cáo thị trường dầu thô của OPEC vào hôm qua mặc dù cho thấy sản lượng trong tháng 4 của 13 quốc gia trong nhóm đã giảm 191.000 thùng/ngày xuống mức 28,6 triệu thùng/ngày, nhưng mức giảm chủ yếu do những bất ổn trong hoạt động khai thác tại Nigeria và hoạt động xuất khẩu tại phía Bắc Iraq.
Thủ lĩnh nhóm, sản lượng của Saudi Arabia thậm chí có xu hướng gia tăng sản lượng trong ít nhất 3 tháng trở lại đây. Hiện tại, mục tiêu cắt giảm từ tháng 10 năm ngoái đối với quốc gia này là 500,000 thùng/ngày, nhưng sản lượng tháng 4 của Saudi Arabia trên thực tế cắt giảm đạt 491,000 thùng/ngày. Như vậy, mục tiêu cắt giảm sản lượng trên thực tế vẫn tương đối thận trọng.