Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm sau khi truyền thông đưa tin Mỹ và Iran đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực đàm phán để khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, đà giảm đã bị hạn chế sau khi ông nói trên Twitter rằng các bên cần thêm thời gian để hoàn tất một thỏa thuận.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 75 US cent (1,1%) xuống 68,71 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 78 US cent (1,2%) xuống 65,49 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong cùng phiên giao dịch, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021 nhờ kỳ vọng nhu cầu năng lượng phục hồi. Nền kinh tế Anh đã mở cửa trở lại từ hôm qua 17/5, và Châu Âu nói chung bắt đầu mở cửa các thành phố và bãi biển. Tại Mỹ, số ca mắc Covid-19 mới tiếp tục giảm, và New York đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang đối với những người đã được tiêm chủng.
Ông Bob Yawger, Giám đốc mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho, cho biết Iran khi có thể đưa một lượng dầu thô đáng kể ra thị trường. Đó là lý do tại sao giá dầu đang dần giảm.
Nếu các cuộc đàm phán thành công và Mỹ chấp nhận dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran, quốc gia Vùng Vịnh này có thể thúc đẩy xuất khẩu dầu, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Edward Moya tại công ty môi giới tài chính OANDA cho biết kỳ vọng phục hồi nhu cầu dầu thô trong nửa cuối năm vẫn hỗ trợ giá “vàng đen” tăng cho tới cuối năm. Những với tin tức về Iran, dự báo của các nhà phân tích có thể phải giảm vài USD so với mục tiêu đưa ra trước đó.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng do USD yếu đi và lo ngại về lạm phát gia tăng.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.868,57 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 29/1; vàng giao sau chốt phiên ở mức 1.868 USD/ounce, gần tương đương đóng cửa phiên trước.
Phillip Streible, chiến lược gia thuộc Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), nhận định đà giảm của đồng USD là nhân tố chính hỗ trợ giá vàng. Phiên 18/5, chỉ số USD đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 3tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: “Câu chuyện rõ ràng đang chuyển sang lạm phát ... nhưng có lẽ quan trọng hơn là đồng USD trượt giá. Đây có lẽ là động lực chính và quan trọng nhất vào lúc này”. Bộ Lao động Mỹ mới đây cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4/2021 đã ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng dòng tiền đổ vào các quỹ hoán đổi cho thấy các nhà đầu tư đang tăng cường mua vàng để phòng ngừa rủi ro khi mà ngày càng lo ngại lạm phát sẽ tăng cao.
Lượng vàng nắm giữ của quỹ ETF lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust GLD, đã tăng 0,7% lên 1.035,93 tấn vào ngày hôm qua 17/5, cao nhất kể từ cuối tháng 3.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn chịu sức ép trước đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ do nó làm tăng chi phí nắm giữ vàng.
|
Lượng vàng quỹ SPDR Gold Trust nắm giữ |
Trong bối cảnh giá mọi thứ ở Mỹ đều tăng, biên bản cuộc họp chính sách mới đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sẽ công bố vào ngày mai 19/4, sẽ cung cấp thêm thông tin để nhà đầu tư có thể nhận định về chính sách tiền tệ của Fed sắp tới cũng như quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về vấn đề lạm phát.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá hầu hết tăng do các nhà đầu tư đặt cược lãi suất sẽ thấp trong một thời gian dài đã mua các tài sản rủi ro cao, thúc đẩy các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng và kéo đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
USD suy yếu giúp các kim loại định giá bằng USD rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,1% lên 10.387,5 USD/tấn, sau khi đạt kỷ lục cao 10.747,5 USD/tấn tuần trước; giá kẽm tăng 1,4% lên 3.056 USD/tấn sau khi tăng vọt lên 3.108,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2018.
Xuất hiện mối lo ngại rằng Peru và Chile sẽ tăng thuế đối với các công ty khai thác mỏ, có khả năng bóp chết nguồn cung kim loại gồm kẽm và đồng. Nhưng giá các kim loại công nghiệp đã tăng quá mức và có khả năng giảm trong nửa cuối năm, với giá kẽm sẽ giảm xuống khoảng 2.600 – 2.700 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đóng cửa tăng hơn 4% bởi lợi nhuận mạnh mẽ của các nhà máy, trong khi sản lượng thép thô cao kỷ lục cho thấy nhu cầu ổn định với thành phần sản xuất thép cũng thúc đẩy tâm lý. Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên trong phiên có lúc đạt mức tăng khoảng 5,5% lên 1.256 CNY (195,26 USD)/tấn trước khi đóng cửa tăng 4,3% lên 1.243 CNY/tấn. Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc hôm qua cũng tăng 3 USD lên 211,5 USD/tấn trong ngày 17/5, theo công ty tư vấn SteelHome.
Công ty tư vấn Mysteel cho biết xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil giảm 2,24 triệu tấn xuống 22,58 triệu tấn trong tuần trước.
Cơ quan kế hoạch Trung Quốc cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường sắt thép và kỳ vọng mức tăng giá bán tại nhà máy sẽ giảm trong nửa cuối năm khi giá hàng hóa trở lại theo các yếu tố cung cầu.
Bất chấp nhiều nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm thực hiện cam kết giảm khí thải, sản lượng thép thô của nước này tháng 4 vừa qua đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, Trung Quốc đã sản xuất 97,85 triệu tấn thép thô trong tháng 4, trong bối cảnh các nhà máy gia tăng sản xuất nhờ lợi nhuận cao.
Sản lượng thép tháng 4 như vậy tăng 4,1% so với tháng 3/2021 và cao hơn mức 85,03 triệu tấn của tháng 4/2020. Sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của nước này trong tháng 4 tăng 7,5% so với tháng 3 lên 3,26 triệu tấn, cũng là mức cao trong lịch sử. Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc sản xuất 374,56 triệu tấn thép thô, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu của NBS cho thấy.
Do sản lượng thép tăng mạnh, tồn trữ quặng sắt tại các cảng biển nước này đã giảm 3 tuần liên tiếp.
Không chỉ tồn trữ quặng sắt giảm, dự trữ thép của Trung Quốc cũng giảm do nhu cầu mạnh trong mùa xây dựng. Được biết, dự trữ thép thanh vằn của các hãng sản xuất thép và các nhà tiêu thụ đến ngày 13/5 là 11,1 triệu tấn, giảm 6,6% so với một tuần trước đó, và thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Fitch Ratings nhận định "đà tăng giá thép ở Trung Quốc sẽ chậm lại trong những tuần tới khi mùa hè đến gần, vì mùa này có xu hướng chứng kiến nhu cầu ở hạ nguồn giảm do hoạt động xây dựng giảm bớt bởi mưa nhiều."
Tuy nhiên, Morgan Stanley lại cho rằng: “Do sản lượng thép của Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng, biên lợi nhuận thép của nước này vẫn tăng và nguồn cung quặng sắt từ đường biển vẫn bị hạn chế, chúng tôi cho rằng giá quặng sắt có thể duy trì ở mức hiện tại cho đến hết quý II, nhưng có khả năng vẫn biến động mạnh”.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng ngày thứ hai liên tiếp bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh cũng như lo ngại dự báo thời tiết khô hạn ở nhiều nơi của Mỹ có thể gây thiệt hại cho vụ mùa đã gieo trồng gần đây. Giá lúa mì và đậu tương giảm do yếu tố kỹ thuật sau khi giá không thể vượt qua các điểm kháng cự.
Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago lúc đóng cửa tăng 5-3/4 US cent lên 6,58-1/4 USD/bushel; giá lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 5 giảm 1-3/4 US cent xuống 6,98 USD/bushel; giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 13-1/4 US cent xuống 15,74-1/4 USD/bushel.
Giá đường cũng tăng trong phiên vừa qua. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,22 US cent hay 1,3% lên 17,21 US cent/lb, phục hồi một phần sau khi giảm trong tuần trước; đường trắng kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 4,7 USD hay 1% lên 457,7 USD/tấn.
Trong khi thị trường đang lo ngại về vụ mùa của Brazil thì xuất hiện thêm nỗi lo về tiêu thụ giảm đặc biệt tại Ấn Độ do bị ảnh hưởng bởi Covid. Tuy nhiên với môi trường kinh tế vi mô hiện đang cải thiện đáng kể cso thể giữ giá đường thô ở mức trên 17 US cent.
Về thông tin liên quan, Chính phủ Ấn Độ dự định tăng tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng sẽ xóa đi khả năng dư thừa đường xuất khẩu của nước này trong 2 tới 3 năm tới. Trong khi đó, sản lượng đường tại Liên minh Châu Âu dự kiến tăng 800.000 tấn trong niên vụ 2021/22 lên 14,7 triệu tấn, mặc dù diện tích trồng củ cải đường giảm nhẹ.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 lúc đóng cửa tăng 7,05 US cent hay 4,8% lên 1,528 USD/lb, hướng tới mức cao nhất 4 năm tại 1,554 USD/lb đã đạt được vào đầu tháng này; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 56 USD hay 3,8% lên 1.515 USD/tấn.
Hầu hết xuất khẩu cà phê arabica của Colombia tuần này vẫn bị kẹt do các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ đã làm giảm dòng hàng hóa tới các cảng, theo liên đoàn cà phê Colombia. Ước tính khoảng 900.000 bao (loại 60 kg/bao) cà phê xuất khẩu bị kẹt tại nước này do biểu tình.
Các đại lý cũng lưu ý lo lắng về sản lượng arabica của Brazil khi nhà sản xuất hàng đầu thế giới này thu hoạch một vụ mùa bị hạn hán.
Giá cao su Nhật Bản tăng vào lúc kết thúc phiên vừa qua do lo lắng số các nhiễm Covid-19 bùng phát trở lại và những hạn chế mới tại các nước Đông Nam Á có thể làm gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất chính trong khu vực này.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka lúc đóng cửa tăng 1,6 JPY lên 247,8 JPY (2,3 USD)/kg; cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải tăng 25 CNY lên 13.390 CNY (2.084 USD)/tấn.
Thái Lan, nhà sản xuất cao su lớn nhất thế giới trong ngày 18/5 đã báo cáo số người chết vì virus corona một ngày đạt kỷ lục 35 người khi nước này vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 3.
Indonesia, nhà sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới đã thiết lập rào cản chắn đường trong ngày 17/5 để sàng lọc những du khách trở về sau kỳ nghỉ lễ Eid, do lo ngại rằng các cuộc tụ tập lớn và biến thể virus có thể gây gia tăng các ca bệnh mới ở quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới.
Giá hàng hóa thế giới sáng 19/5/2021