Biên bản của Fed làm dấy lên đồn đoán rằng Fed sẽ sỡm nâng lãi suất, khiến USD mạnh lên so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác, từ đó khiến dầu, vàng và những mặt hàng giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Khả năng Fed sớm siết chặt chính sách tiền tệ cũng gây lo ngại ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu, làm giảm giá hàng loạt các tài sản khác, từ chứng khoán tới tiền kỹ thuật số.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần do lo ngại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Châu Á có thể làm giảm nhu cầu dầu, và lạm phát ở Mỹ có thể khiến nước này tăng lãi suất sớm.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc giảm 2,05 USD/thùng, hay 3%, xuống 66,66 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,13 USD/thùng, hay 3,3%, kết thúc ở 63,36 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm đến hơn 5%.
Đây đều là các mức chốt phiên thấp nhất của cả hai loại dầu trên kể từ ngày 27/4. Chỉ một phiên trước đó, 18/5, giá dầu Brent đã có lúc tăng lên mức cao nhất 10 tuần qua trên 70 USD/thùng trước tâm lý lạc quan của giới đầu tư rằng nhu cầu dầu có thể tăng mạnh với sự tái mở cửa nhiều nền kinh tế ở châu Âu và Mỹ.
Ngay phiên sau đó, giá dầu quay đầu giảm bởi những lo ngại về khả năng nhu cầu dầu tăng chậm lại ở châu Á, nơi các ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh đã khiến nhiều biện pháp hạn chế mới được áp đặt ở Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện có những đồn đoán rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang có tiến triển, từ đó có thể làm gia tăng nguồn cung dầu thô và khiến giá dầu đi xuống. Giới phân tích cho rằng Iran có thể cung cấp thêm khoảng 1-2 triệu thùng/ngày nếu thỏa thuận trên được “hồi sinh”.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Theo đó lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất gần một tuần qua, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng, trong khi đồng USD phục hồi trở lại từ mức thấp nhất trong ba tháng qua do biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngân hàng trung ương có thể tiến dần tới việc xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.866,64 USD/ounce, tuy nhiên vàng giao sau tăng 0,7% lên 1.881,50 USD/ounce.
Người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại của BMO Tai Wong cho biết: “Thị trường tỏ ra nhạy cảm với sự thay đổi chính sách tiền tệ của Fed và giá vàng trong ngắn hạn sẽ ở mức 1.850-1.890 USD/ounce”.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần một tuần qua, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng, trong khi đồng USD phục hồi trở lại từ mức thấp nhất trong ba tháng qua sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố.
Cũng trong phiên vừa qua, giá bạc giảm 2% xuống 27,64 USD/ounce, còn giá palađi giảm 1,3%, xuống 2.865,50 USD/ounce. Giá bạch kim cũng giảm 2,6%, xuống 1.186,50 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lạm phát ngày càng tăng gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, mặc dù thị trường vẫn đang lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung tại khu vực sản xuất đồng hàng đầu thế giới.
Kết thúc phiên vừa qua, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 3,2% xuống 10.077 USD/tấn. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2. Trong tuần trước giá đồng đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn và đã tăng 32% kể từ đầu năm tới nay.
Giá đồng giao ngay trên sàn LME thấp hơn so với hợp đồng giao sau 3 tháng lên tới 28,75 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Các yếu tố cơ bản (cung - cầu) của kim loại này vẫn khá tích cực, vượt trội so với các kim loại khác, khiến đồng ít bị tổn thương trước sự điều chỉnh giá sâu rộng từ mức cao kỷ lục.
Thông tin Trung Quốc dự định tăng cường quản lý cả phía cung và cầu để kiềm chế sự gia tăng bất hợp lý giá hàng hóa và ngăn chặn sự chuyển dịch giá tăng sang người tiêu dùng cũng đã kéo giá các kim loại giảm.
Ngân hàng Citi dự kiến giá đồng giao dịch trên 12.000 USD/tấn trong 3 đến 4 tháng tới, trong bối cảnh chu kỳ tăng giá hàng hóa mới được thúc đẩy bởi dự đoán của ngân hàng này về lợi nhuận của các nhà sản xuất cao trong 5 năm tới.
Giá sắt thép phiên vừa qua cũng giảm do nhà đầu tư lo ngại sản lượng thép của nước này sẽ giảm và hoạt động xây dựng cũng sắp chậm lại vì mùa mưa đang tới.
Cụ thể, giá thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 19/5 giảm 5,6% xuống 5.309 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng cũng giảm 5,2% xuống 5.678 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/4.
Hình ảnh minh họa

Giá nguyên liệu sản xuất thép cũng đồng loạt giảm. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 1.193 CNY/tấn lúc kết thúc phiên giao dịch; than luyện cốc giảm 1,7% xuống 1.927 CNY/tấn; trong khi than cốc giảm 2,8% xuống 2.572 CNY/tấn.

Với việc thị trường sử dụng thép, nhất là ngành xây dựng, sắp bước vào mùa thấp điểm, giá thép xây dựng khó có thể lập đỉnh cao mới vì vốn đã ở mức rất cao.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia cho thấy, số công trình xây dựng mới của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã tăng 12,8% so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 28,2% của quý I/2021.
Trong một tuyên bố trên trang web của mình, Sàn Đại Liên cho biết họ sẽ giảm mức quy định về hàm lượng sắt trong quặng tiêu chuẩn từ 62% xuống 61% theo như kế hoạch công bố vào tuần trước, đồng thời chú trọng hơn đến chất lượng các sản phẩm thay thế quặng.
Trên thị trường nông sản, giá nhìn chung vững đến giảm
Theo đó, giá đậu tường và lúa mì của Mỹ giảm hơn 2% , với các các quỹ đầu tư đang bán ra khi hợp đồng hàng hóa sụt giảm; giá ngô kết thúc phiên vững so với phiên trước sau khi giao dịch trong vùng giảm trong phần lớn phiên này.
Cụ thể, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 5 lúc đóng cửa giảm 18-3/4 US cent xuống 6,79-1/4 USD/bushel, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/4; ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 ổn định tại 6,58-1/4 USD/bushel; đậu tương cùng kỳ hạn giảm 36 US cent xuống 15,38-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,26 US cent hay 1,5% xuống 16,95 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 4,2 USD hay 0,9% xuống 453,5 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường này vẫn được củng cố bởi thời tiết bất lợi và diện tích trồng giảm tại Brazil, nơi một số nông dân đã chuyển sang trồng ngô và đậu tương.
Chính phủ Brazil dự kiến sản lượng đường từ khu vực trung nam sẽ giảm 6,4% so với vụ trước xuống 35,8 triệu tấn, cho biết lượng mưa không đủ ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mía.
Công ty tư vấn Datagro cũng cho biết các nhà máy đường và ethanol của Brazil có thể tạm thời giảm sản xuất đường để tăng sản lượng ethanol và giải quyết nhu cầu đang tăng với giá nhiên liệu này cao trong nước.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 lúc đóng cửa giảm 1,85 US cent hay 1,2% xuống 1,5095 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 13 USD hay 0,9% xuống 1.502 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đang theo dõi tình trạng tại Colombai nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ làm gián đoạn xuất khẩu cà phê.
Sản lượng cà phê arabica giảm tại Brazil trong năm nay cũng tiếp tục là yếu tố hỗ trợ với các nguồn cung cấp toàn cẩu dự kiến khan hiếm trong vài tháng tới.
Giá cao su Nhật Bản giảm do chứng khoán toàn cầu và giá dầu suy yếu và do lo sợ rằng số ca nhiễm virus corona đang tăng tại Châu Á và lãi suất của Mỹ đang tăng có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,4 JPY hay 1% xuống 245,4 JPY (2,3 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 60 CNY xuống 13.290 CNY (2.065 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 20/5/2021

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg