Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp, với mức giảm trên 2% sau khi có thông tin cho biết tiến thỏa thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã đạt được những tiến triển, qua đó có thể thúc đẩy nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 1,31 USD (2,1%), xuống 62,05 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 1,55 USD (2,3%), xuống 65,11 USD/thùng.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ, vận tải biển, hóa dầu, bảo hiểm và ngân hàng trung ương Iran đã được đề cập trong các cuộc đàm phán. “Điều đó thực sự đè nặng lên tâm lý của thị trường dầu mỏ và đẩy giá dầu đi xuống, do những lo ngại về sự gia tăng nguồn cung”, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group (trụ sở tại Chicago, Mỹ), Phil Flynn, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho hay thành công của thỏa thuận này là điều chưa chắc chắn và các vấn đề vướng mắc vẫn còn tồn tại. Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và ít nhất một nhà máy lọc dầu châu Âu đang đánh giá lại việc mua dầu thô của họ để nhường chỗ cho dầu Iran trong nửa cuối năm nay, với dự đoán rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được dỡ bỏ.
Các nhà phân tích của PVM cho biết, với dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ khả quan trong năm nay và năm 2022, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đang giữ tâm lý khá thoải mái để đối phó với việc gia tăng sản lượng của Iran mà không làm ảnh hưởng tới nỗ lực việc tái cân bằng thị trường dầu.
Dù vậy, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao tại Ấn Độ khiến quan ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ ở châu Á gia tăng, cũng kéo giá dầu đi xuống.
Theo các chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và đã khiến một số nhà đầu tư thận trọng khi đổ tiền vào dầu và một số loại hàng hóa khác.
OPEC cho biết, một cảnh báo nghiêm ngặt từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc ngừng cấp vốn cho các dự án mới liên quan tới nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến biến động về giá dầu trong thời gian tới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD yếu đi và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.880,22 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên với ít biến động, ở mức 1.881,90 USD/ounce.
Bất chấp việc biên bản cuộc họp chính sách tháng Tư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy nhiều quan chức của ngân hàng này cho rằng nếu đà phục hồi kinh tế gia tăng, có thể đã đến lúc thích hợp để “bắt đầu thảo luận kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua tài sản”, giá vàng vẫn tăng lên do đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm nhẹ.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng cũng tăng do USD suy yếu và lo lắng về đình công tại Chile. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi kế hoạch của Trung Quốc - nước tiêu dùng hàng đầu thế giới – về quản lý cung – cầu và giá các mặt hàng.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,5% lên 10.056 USD/tấn. Mặc dù vậy, so với mức giá cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn hồi đầu tháng 5 thì giá đồng hiện taiij vẫn mất khoảng 6%.
Công đoàn đại diện công nhân tại mỏ đồng Escondida của Chile cho biết họ đang chuẩn bị đình công kéo dài nếu chủ sở hữu BHP không đạt được một thỏa thuận công bằng và bình đẳng trong các cuộc đàm phán sắp diễn ra.
Giá đồng hiện cũng đang được hậu thuẫn bởi sự bất ổn định về chính sách ở các nhà sản xuất hàng đầu Chile và Peru. Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 đang hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống trong tháng 6 với khả năng sẽ có chính sách mới.
Giá sắt thép phiên vừa qua giảm do hoạt động bán tháo sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch giám sát chặt chẽ hơn các thị trường hàng hóa để kiềm chế giá lên quá cao.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên lúc đóng cửa giảm 5,7% xuống 1.142,5 CNY (177,4 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần tại 1.102 CNY/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tại Singapore giảm 3% xuống 200 USD/tấn. Thép cũng chung xu hướng giảm giá xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, theo đó thép xây dựng giao dịch trên sàn Thượng Hải giảm 4,7% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 4,5%; thép không gỉ giảm 2,8%.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên ở mức 1.529.95 USD/lb, sau khi có thời điểm trong phiên đạt mức cao nhất 4 năm tại 1,5365 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 12 USD hay 0,8% xuống 1.490 USD/tấn.
Liên đoàn cà phê Colombia yêu cầu chính phủ có giải pháp khẩn cấp về vấn đề giao thông. Các cuộc biểu tình chống chính phủ làm gián đoạn xuất khẩu cà phê tại quốc xuất khẩu cà phê arabica lớn thứ hai thế giới này.
Trong khi đó, Công ty tư vấn Safras & Mercado đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Brazil, với sản lượng arabica ước tính giảm 31%. Xuất khẩu cà phê từ Guatemala, nhà xuất khẩu arabica lớn thứ 6 thế giới dường như giảm 3% trong niên vụ này do thiếu công nhân và mưa thất thường.
Giá cao su Nhật Bản phục hồi do các nhà đầu tư săn giá hời và bởi lo lắng về việc gián đoạn nguồn cung tại Đông Nam Á khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2 JPY hay 0,8% lên 247,4 JPY (2,3 USD)/kg sau khi giảm xuống mức thấp 241,2 JPY/kg trong đầu phiên này.
Cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 tăng 85 CNY lên 13.405 CNY (2.082 USD)/tấn.
Một thương nhân tại Tokyo cho biết thị trường này giảm trong đầu phiên giao dịch do lo sợ việc Trung Quốc hạn chế giá các hàng hóa công nghiệp, nhưng việc săn giá hời dẫn tới sự phục hồi khi giá tại Osaka khá rẻ so với giá giao ngay tại Thái Lan.
Cập nhật giá hàng hóa thế giới sáng 21/5/2021