Giá dầu Brent giảm 81 cent, tương đương 0,9%, ở mức 86,66 USD/thùng, chỉ tăng 3 US cent so với tuần trước. Dầu thô Mỹ giảm 1,33 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 79,68 USD/thùng, thấp hơn 2% so với tuần trước.
Những thông tin tích cực là tăng trưởng kinh tế của Mỹ mạnh hơn dự kiến cùng hy vọng nhu cầu của Trung Quốc phục hồi nhanh chóng khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này giảm đã tác động tích cực lên giá dầu.
Dầu từ các cảng Baltic của Nga sẽ tăng 50% trong tháng 1/2023 so với tháng 12 khi do nhu cầu mạnh ở châu Á và hưởng lợi từ giá năng lượng toàn cầu tăng, các thương nhân cho biết.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Nếu nguồn cung của Nga vẫn mạnh trong tháng tới, dầu có thể sẽ tiếp tục có xu hướng giảm”. Ông cho biết thêm rằng việc chốt lời trước cuối tuần cũng có thể khiến giá giảm xuống.
Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã giữ số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên ổn định ở mức 771, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (BKR.O) cho biết trong báo cáo.
Trong khi đó, các đại biểu của OPEC+ sẽ họp vào tuần tới để xem xét mức sản lượng dầu thô, với các nguồn tin từ nhóm sản xuất dầu dự kiến sẽ không có thay đổi nào đối với chính sách sản lượng hiện tại.
Quyết định tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 31 tháng 1 và ngày 1 tháng 2 trong bối cảnh lạm phát giảm và tổng sản phẩm quốc nội tăng nhanh hơn dự kiến 2,9% trong quý IV.
Dự trữ tại Cushing, trung tâm định giá hợp đồng dầu tương lai của NYMEX, tăng 4,2 triệu thùng trong tuần này, cũng gây áp lực lên thị trường.
Tại Trung Quốc, các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 đã giảm 72% so với mức cao nhất vào đầu tháng này trong khi số ca tử vong hàng ngày ở bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện đã giảm 79% so với mức đỉnh, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bình thường hóa và thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu dầu phục hồi.
 

Nguồn: VITIC/Reuters