Mặc dù triển vọng nguồn cung ổn định ở các nước sản xuất lớn trên thế giới kết hợp với triển vọng tích cực từ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã khiến giá lúa mì lao dốc trong vài tháng qua nhưng một số lo ngại trong dài hạn sẽ là yếu tố hỗ trợ khiến cho giá khó có thể giảm sâu trong thời gian tới. Sau một đợt khô hạn vào đầu tháng, những cơn mưa trái mùa và mưa đá đã xuất hiện tại Ấn Độ và gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng vụ đông của nước này ngay trước khi hoạt động thu hoạch bắt đầu. Điều này sẽ gây thiệt hại tới chất lượng lúa mì ở quốc gia sản xuất lớn thứ 3 thế giới và khiến cho triển vọng nguồn cung trở nên thắt chặt hơn. Hiện tại, tỉ lệ stocks-to-use (tồn kho so với sử dụng), thước đo mức độ sẵn có của nguồn cung lúa mì tại Ấn Đô hiện đnag ở mức thấp nhất trong 6 năm qua. Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của nước này vẫn đang được áp dụng và theo kế hoạch sẽ được xem xét lại vào tháng 4 tới. Lệnh cấm kéo dài sẽ khiến cho các nước vốn phụ thuộc vào lúa mì Ấn Độ sẽ phải tìm nguồn cung khác thay thế. Lo ngại đối với khả năng lệnh cấm sẽ chưa được xóa bỏ là yếu tố hỗ trợ đối với giá lúa mì.
Bên cạnh đó, vào tháng 4 tới, USDA sẽ phát hành trở lại báo cáo Crop Progress hàng tuần cho thấy những đánh giá về chất lượng lúa mì sau giai đoạn ngủ đông vừa qua. Trước đó, cây trồng đã bị ảnh hưởng đáng kể do trải qua đọt hạn hán tại khu vực đồng bằng.
Động lượng giảm vẫn còn, khả năng cao khiến giá Arabica kiểm tra lại mức chặn dưới trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 28/03, hai mặt hàng cà phê cùng mang sắc đỏ. Arabica ghi nhận mức giảm 1.78% khi thị trường tiếp tục chịu sức ép từ triển vọng nguồn cung tích cực trong năm 2023 tại Brazil. Robusta cũng ghi nhận mức giảm 1.31% sau khi giá chạm mức cao nhất trong 7 tháng.
Dù tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York giữ nguyên ở mức 747,853 bao loại 60kg, không thay đổi so với phiên trước đó, số bao chờ phân loại để bổ sung các kho lưu trữ đã về mức 0 thay vì 1,135 ở các phiên trước. Đây là 1 tín hiệu cho thấy tồn kho đạt chuẩn đang không còn động lượng tăng trong ngắn hạn, rất có thể sẽ là một nhân tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.
Những luồng thông tin trái chiều về nguồn cung tại Brazil vẫn đang tiếp diễn trên thị trường. Một bên giới phân tích vẫn có những kỳ vọng lạc quan về mùa vụ Arabica năm nay tại Brazil sẽ tăng trưởng so với 2 năm trước đó, bù đắp phần nào những thiếu do 2 năm mất mùa vừa qua gây ra. Mặt khác, dù số liệu xuất khẩu dần hồi phục trong tháng 3 với số liệu tăng so với 2 tháng trước đó cũng vẫn kém so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tâm lý lo ngại thiếu hụt trong ngắn hạn vẫn tồn tại và góp phần hỗ trợ giá.
Sức ép vĩ mô và triển vọng nguồn cung cải thiện có thể khiến giá đồng chưa thể bứt phá qua mức 4.1 USD/pound
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay 29/03 với xu hướng giảm nhẹ và dự báo giá có thể tiếp tục suy yếu trong phiên chiều do chịu sức ép bởi triển vọng kinh tế tiêu cực và rủi ro nguồn cung tạm thời dịu bớt.
Sau thương vụ First Citizens Bank mua lại tài sản của Silicon Valley Bank (SVB) gần đây, một mặt, điều này phần nào giúp căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng được xoa dịu, mặt khác, lo ngại về việc tín dụng thắt chặt giảm bớt có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát về mức mục tiêu 2%. Khảo sát mới đây của Conference Board cho thấy kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng đã tăng lên 6.3% từ mức 6.2% của tháng 2. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cũng bất ngờ tăng trong tháng 3 bất chấp những bất ổn gần đây trên thị trường tài chính, niềm tin tích cực cũng sẽ ảnh hưởng tới hành vi và sức mua trên thị trường, làm gia tăng lo ngại lạm phát. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, xác suất Fed tăng 25 điểm cơ bản trong phiên họp tháng Năm sắp tới đã tăng lên 42.2% so với mức 12% đạt được vào thứ Sáu tuần trước.
Do đó, rủi ro lãi suất cao có thể gây sức ép tới thị trường đồng, đồng thời, đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố cản trở đà tăng của giá do chi phí nắm giữ đồng vật chất tăng cao. Chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng USD đã có nhịp phục hồi tăng nhẹ lên mức 102.71 điểm trong sáng nay.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế tiêu cực có thể tạo sức ép đối với giá đồng trong phiên. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo về khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ, xác suất suy thoái kinh tế của Mỹ trong 12 tháng tới đã tăng lên 35% từ mức 25% trong dự báo trước đó, nhưng kịch bản cơ bản vẫn là sẽ không có suy thoái mạnh khiến Fed phải cắt giảm mạnh lãi suất.
Về yếu tố nguồn cung, triển vọng nguồn cung sáng sủa hơn có thể kéo theo sự suy yếu của giá đồng trong phiên. Công ty Minmetas Resources mới đây cho biết mỏ đồng Las Bambas ở Peru, mỏ chiếm 2% nguồn cung đồng thế giới, đã khôi phục lại hoạt động bình thường, việc khai thác, chế biến và vận chuyển tinh quặng hoạt động hết công suất. Dự trữ đồng trên Sở COMEX cũng đã phục hồi ngày thứ hai liên tiếp. Hơn nữa theo Shanghai Metals Market, sản lượng của 10 công ty khai thác hàng đầu thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 400,000 tấn lên mức 1.09 triệu tấn vào năm 2023 so với năm 2022.
Giá dầu có thể tiếp tục đà tăng khi nỗi lo về nguồn cung vẫn chưa chấm dứt
Giá dầu mở cửa với lực mua và bán tương đối giằng co, tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay khi nguồn cung vẫn đang là mối lo ngại trong ngắn hạn.
Bên cạnh gián đoạn đường ống dẫn dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Iraq đã bắt đầu giảm sản lượng do xung đột giữa Chính phủ khu vực và Baghdad kéo dài. Thị trường hiện đang hướng sự chú ý về báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhất là khi báo cáo của EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm mạnh. Giá dầu sẽ được hỗ trợ nếu báo cáo của EIA cho thấy số liệu tiêu cực hơn dự báo và cả số liệu của EIA. Bên cạnh số liệu về tồn kho dầu thô, tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng cũng rất quan trọng, khi mà nguồn cung các sản phẩm lọc dầu hạn chế trong thời gian gần đây.
Về phía tiêu thụ, trái ngược với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, triển vọng tiêu thụ của châu Á khá tích cực khi mà chính sách tiền tệ đã dần được nới lỏng. Theo tờ Wall Street Journal, trong khi Fed, ECB và BOE vẫn đang duy trì tăng lãi suất, thì các Ngân hàng Trung ương ở Đông Nam Á đã ngừng thắt chặt tiền tệ hoặc đang chuẩn bị kết thúc.
Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á có khả năng tiếp cận với dầu rẻ hơn, một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và một phần do cuộc khủng hoảng ngân hàng thời gian vừa qua. Trong khi đó, ở phương Tây, các chính phủ đang tập trung vào việc giảm nhu cầu về dầu và khí đốt bằng cách lên kế hoạch xây dựng quy mô lớn năng lượng gió và mặt trời.