Nga gần đây tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào ngày 18/5 tới nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ. Moscow đã thấy “không có kết quả” từ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc trên biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian và đổ lỗi cho phương Tây đã tạo ra sự bế tắc, Ngoại trường Nga Sergei Lavrov cho biết. Trong một cuộc họp báo tại Newyork, ông Lavrov đã ca ngợi công việc của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong nỗ lực “đạt được thỏa thuận với các quốc gia đã công bố các lệnh trừng phạt Nga và bất hợp pháp đói với Liên Bang Nga”. “Nhưng thực tế không có kết quả”, ông Lavrov cho biết.Dự kiến, vào tuần tới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại New York (Mỹ). Những thông tin về căng thẳng tiếp diễn giữa Nga và phương Tây vẫn đang tiếp tục gây ra lo ngại về khả năng xuất khẩu lúa mì ở Biển Đen lại một lần nữa bị gián đoạn. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp hạn chế đà giảm của giá lúa mì.
Bên cạnh nguồn cung, giá lúa mì cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các yếu tố vĩ mô và diễn biến của đồng USD, đặc biệt là trong bối cảnh giá lúa mì Nga đang giảm và có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế. Chỉ số Dollar Index đang ở trong xu hướng giảm và đang test lại vùng hỗ trợ 10. Nếu như vùng hỗ trợ này bị phá vỡ, chỉ số này sẽ tiếp tục đà giảm mạnh và giá lúa mì sẽ được hỗ trợ.

Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil có thể gây sức ép khiến giá Arabica tiếp tục giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/04, hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu dưới áp lực từ nguồn cung và sự khởi sắc của Dollar Index. Arabica nhanh chóng trở lại đà giảm sau phiên tăng nhẹ đầu tuần khi Dollar Index tăng, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng gần 0.5%, từ đó thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil khiến giá giảm. Robusta cũng ghi nhận mức giảm hơn 1% khi hoạt động thu hoạch tại Brazil đang diễn ra thuận lợi.
Thông tin cơ bản chưa có cập nhật mới, chủ yếu vẫn xoay quanh triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil.
Dù có một vài sự điều chỉnh nhỏ gần đây, nhìn chung giới phân tích vẫn dự đoán Arabica niên vụ 2023/24 tại Brazil cao hơn 2 niên vụ trước nhờ thời tiết ôn hòa hơn, phù hợp với sự phát triển của cây cà phê. Cùng với đó, nông dân Brazil đang tích cực bán hàng niên vụ mới, sẽ giúp cải thiện những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung thời gian vừa qua, từ đó gây áp lực khiến giá suy yếu.
Tồn kho Arabica trên Sở ICE New York đang giảm với tốc độ chậm lại, chỉ có 1,180 bao loại 60kg mất đi, ít hơn mức giảm 20,944 bao của tuần trước đó cũng như mức 18,860 bao của trung bình 4 tuần trước. Đây có thể là tín hiệu về việc nguồn cung đang dần được cải thiện, từ đó hạn chế khả năng giá tăng.

Giá đồng có thể tiếp tục chịu áp lực khi nhu cầu tiêu thụ yếu trong khi nguồn cung ổn định
Giá đồng có nhịp điều chỉnh tăng nhẹ nhờ lực mua kĩ thuật trong phiên giao dịch sáng 26/04 sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023 trong phiên hôm qua. Nhiều khả năng giá sẽ dao động với biên độ tương đối hẹp trong thời gian còn lại của phiên do thiếu vắng thông tin hỗ trợ mạnh và nhà đầu tư chờ đợi thêm dữ liệu mới bao gồm tăng trưởng GDP và chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) của Mỹ được công bố vào ngày mai.
Về yếu tố vĩ mô, thị trường vẫn đang dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 tới. Lo ngại lãi suất cao vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư khiến giá đồng phải chịu sức ép.
Dữ liệu mới đây cũng chỉ ra niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào tháng 4, cho thấy lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc. Conference Board cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm xuống 101.3, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022, giảm từ mức 104.0 vào tháng 3. Các nhà kinh tế đã dự đoán chỉ số này sẽ không thay đổi so với tháng 3 ở mức 104.0.
Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ suy yếu thì nguồn cung đồng đang được giữ ở mức ổn định trong thời gian gần đây, làm suy yếu lực mua đồng. Tồn kho đồng trên Sở COMEX đã liên tục tăng trong vòng 1 tháng trở lại đây, sau khi chạm đáy thấp nhất kể từ năm 2014 khi chỉ còn 14,627 tấn, hiện mức tồn kho đã tăng lên mức 27,249 tấn. Thêm vào đó, Anglo American, một trong những công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, mới đây đã báo cáo sản lượng đồng trong quý I năm nay tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 178,100 tấn, nhờ tăng cường hoạt động khai thác tại mỏ Quellaveco ở Peru.

Giá dầu có thể sẽ không tăng mạnh ngay cả khi báo cáo của EIA cho thấy tồn kho giảm
Giá dầu lấy lại sắc xanh trong phiên sáng trước sự suy yếu của đồng USD cùng với những lo ngại về nguồn cung khi số liệu của API cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh.
Các số liệu của Trung Quốc hiện cũng chỉ ra rằng nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang hồi phục tích cực. Theo khảo sát của Bloomberg, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 5.6% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu 5.0% và mức 5.3% của năm 2022. Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số sản xuất và bán hàng đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng do các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên.
Trong phiên tối nay, các nhà đầu tư sẽ dành sự chú ý về số liệu tồn kho của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Nếu báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh hơn so với mức 6.1 triệu thùng mà API công bố, giá dầu có thể duy trì sắc xanh đến cuối phiên.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần chú ý tới số liệu xuất khẩu và tổng sản phẩm được cung cấp trong tuần qua, bởi đây là các thông tin phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu cả trong và ngoài Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số Dollar Index vẫn đang duy trì ở nửa dưới của Bollinger Band. Ngoài những lo ngại về suy thoái, dư địa tăng của đồng bạc xanh không còn nhiều khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Nhiều khả năng DXY có thể sẽ test lại mức 101.1 điểm trong phiên hôm nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)