Giá ngô tiếp tục đà suy yếu mạnh trong phiên giao dịch sáng nay khi gặp phải kháng cự ở vùng giá trước khi hình thành xu hướng giảm mạnh vào cuối tháng 2. Những lo ngại về nguồn cung vẫn duy trì khi mùa vụ ngô tại Mỹ đang phải trải qua hạn hán và dự báo vẫn chưa ghi nhận lượng mưa đáng kể nào trong tuần tới. Lực bán vừa qua chủ yếu đến từ lực chốt lời của thị trường và ảnh hưởng gián tiếp từ diễn biến lao dốc của giá dầu thô.
Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) đã hạ ước tính sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Argentina xuống còn 34 triệu tấn, từ mức 36 triệu tấn trước đó, do năng suất bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Cơ quan này cho biết, riêng tại khu vực Trung-Bắc của tỉnh Cordoba, và phía nam Cordoba, kết quả khác biệt so với các dự báo trước đó, dẫn đến sản lượng được điều chỉnh. BAGE cho biết: “Sau một tuần không có mưa và một đợt không khí lạnh đi qua, nông dân đã có thể bắt đầu thu hoạch những cây trồng muộn”. Cơ quan này cũng lưu ý rằng tiến độ thu hoạch ngô hiện đã đạt 43.6% diện tích dự kiến với năng suất ở mức thấp hơn trung bình. Với triển vọng nguồn cung hiện đang thiên về bên mua với hỗ tợ từ các thông tin hạn hán ở Mỹ, báo cáo trên của BAGE càng củng cố khả năng nguồn cung ngô toàn cầu sẽ sụt giảm trong các báo cáo Cung – cầu sắp tới của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA). Đây chính là yếu tố giúp giá ngô vẫn có thể duy trì nhịp tăng hiện tại, cho tới khi thời tiết ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn.
Ngoài ra, trước khi USDA công bố báo cáo Export Sales tối nay, thị trường đang kỳ vọng bán hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 15/06 sẽ đạt dưới 600.000 tấn. Mặc dù với tốc độ trung bình thì khối lượng bán hàng có thể đạt đến mức xuất khẩu dự kiến nhưng lũy kế giao hàng mới chỉ đạt hơn 50% nên sẽ là yếu tố đáng chú ý và có thể hạn chế đà tăng của giá trong trung hạn.

Giá cà phê còn có thể giảm khi nguồn cung hồi phục

Kết thúc phiên giao dịch 22/06, hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Giá Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi hoạt động thu hoạch tích cực tại Brazil làm giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Ở chiều ngược lại, giá Robusta khởi sắc khi thị trường tiếp tục neo theo những lo ngại khan hiếm nguồn cung tại các nước sản xuất chính.
Triển vọng nguồn cung trong niên vụ 2023/24 tiếp tục được củng cố thông qua báo cáo Thị trường và Thương mại Cà phê năm 2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Cụ thể, USDA dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ tăng 4,3 triệu bao loại 60kg so với niên vụ trước, lên mức 174,34 triệu bao, kéo theo xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới dự kiến ở mức cao kỷ lục với 122,2 triệu bao, cao hơn 5,8 triệu bao so với niên vụ 2022/23.
Triển vọng nguồn cung mở rộng kết hợp cùng tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil đang ở mức cao hơn so với thời điểm này năm trước, tạo tiền đề cho nông dân mạnh dạn hơn trong bán hàng, giúp nguồn cung ổn định hơn giai đoạn trước.
Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã chính thức gián đoạn đà giảm suốt 3 tháng khi tăng 5.511 bao loại 60kg trong phiên ngày 22/06. Như vậy, tổng lượng cà phê lưu trữ tại các kho hiện nay ở mức 546.650 bao. Đặc biệt, hiện có 3.540 bao đang chờ phân loại tiếp, vẫn là tín hiệu cho thấy nguồn cung đang hồi phục.
Giá đồng có thể chịu sức ép bởi áp lực vĩ mô
Giá đồng nối dài đà giảm trong phiên sáng cuối tuần, khi triển vọng tiêu thụ đang bị lu mờ bởi lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Áp lực từ việc hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất đang đè nặng lên triển vọng kinh tế thế giới. Việc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bất ngờ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản đã gây tác động mạnh tới thị trường tài chính. Hơn nữa, giới phân tích cho rằng nền kinh tế Anh có thể bị đình trệ và thậm chí là suy thoái trong năm nay.
Ngân hàng trung ương Na Uy hôm thứ Năm cũng khiến thị trường choáng váng với việc tăng 50 điểm cơ bản và cho biết họ nhắm đến một đợt tăng khác vào tháng 8. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản trong cùng ngày và báo hiệu sẽ có nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa.
Hơn nữa, vào đầu tháng này, Ngân hàng Dự trữ Úc và Ngân hàng Canada đã đưa ra các đợt tăng lãi suất bất ngờ khi thị trường đang nghiêng về phía tạm dừng.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Môi trường lãi suất cao trên toàn cầu đang làm gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế và thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao nhất. Điều này có thể khiến đồng USD tăng mạnh và gây sức ép tới thị trường hàng hoá nói chung và thị trường đồng nói riêng.
Tuy vậy, triển vọng của ngành ô tô điện tại Trung Quốc đang là điểm sáng của thị trường. Vào 22/06, Bộ tài chính Trung Quốc tuyên bố giảm thuế trị giá 72 tỷ USD cho người mua xe năng lượng mới (NEV), nối tiếp chiến dịch của Bộ Thương mại vào 08/06 nhằm thúc đẩy nhu cầu mua xe điện tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Theo đó, nhờ vào việc Chính phủ tăng cường các biện pháp thúc đẩy nhu cầu xe điện, doanh số bán xe điện được dự báo sẽ tăng 30% vào năm 2024, tăng tốc từ mức 15% ước tính trong năm nay. Điều này gián tiếp củng cố cho triển vọng tiêu thụ đồng là nguyên liệu quan trọng để sản xuất xe điện.
Giá dầu có thể tiếp tục giảm nếu dữ liệu sản xuất của châu Âu tiêu cực
Các tác động vĩ mô đang cho thấy xu hướng lấn át các thông tin cung cầu đối với diễn biến của giá dầu. Vào ngày hôm qua, hàng loạt các Ngân hàng Trung ương tại khu vực châu Âu đồng loạt mạnh tay tăng lãi suất, và dư địa tăng lãi vẫn còn.
Anh, Na Uy, đồng loạt tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Thuỵ Sỹ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Thậm chí, câu chuyện lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỹ gần 40% đã khiến quốc gia này tăng lãi suất từ 8,5% đến 15% trong ngày hôm qua. Sức khoẻ nền kinh tế châu Âu bị đe doạ cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới triển vọng tiêu thụ dầu thô và gây sức ép tới giá.
Dữ liệu mới nhất vào chiều nay cho thấy hoạt động sản xuất tại khu vực châu Âu tiếp tục ở mức tiêu cực, có thể làm gia tăng sức ép tới giá dầu. Chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Đức đã đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua khi chỉ đạt 41 điểm trong tháng 6, thấp hơn kỳ vọng của thị trường ở mức 43,5 điểm.
Trước đó, Đức đã có 2 quý tăng trưởng âm, chỉ dẫn cho 1 cuộc suy thoái về kỹ thuật. Nền kinh tế hàng đầu châu Âu kém sắc nhiều khả năng cũng sẽ khiến PMI của châu Âu trong tháng 6 tiêu cực hơn dự kiến.
Tối nay, Mỹ cũng sẽ cung cấp dữ liệu thông cáo về PMI trong tháng 6. Trong tháng 4 và 5, con số này đều thấp hơn kỳ vọng. Trong trường hợp dữ liệu tiếp tục tiêu cực hơn dự kiến, giá dầu sẽ còn đối diện với sức ép bán.
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)