Hình thái thời tiết La Niña thứ ba liên tiếp cuối cùng cũng có dấu hiệu tiêu kết thúc, với điều kiện thời tiết của Mỹ dần trở lại hình thái trung tính hơn trong vài tháng tới trước khi khả năng cao xảy ra El Niño trong mùa hè này. Thời tiết là yếu tố quan trọng nhất đối với giá nông sản trong giai đoạn này. Với dự trữ ngô toàn cầu (trừ Trung Quốc) ở mức thấp nhất kể từ năm 2000, bất kỳ mô hình thời tiết tiêu cực nào trong thời điểm trồng trọt này đều có thể gây ra phản ứng tăng giá cho thị trường ngô. Một mùa phát triển hoàn hảo ở Hoa Kỳ sẽ là cần thiết để xây dựng lại nguồn cung toàn cầu. Tuyết đang tan nhanh ở phía bắc khu vực Trung Tây, điều này làm giảm bớt lo lắng của thị trường về tiến độ trồng trọt bị trì hoãn. Lần đầu tiên sau một vài năm, có vẻ như nông dân có cơ hội tốt nhất để bắt đầu mùa trồng trọt năm 2023 nhanh chóng và sớm hơn. Báo cáo Crop Progress sáng nay cũng cho thấy khoảng 14% diện tích ngô dựa kiến đã được gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình cùng giai đoạn trong 5 năm trước. Mùa vụ Mỹ được đánh giá khả quan sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép tới thị trường ngô trong trung hạn.
Tuy nhiên, ở Brazil, một số lo ngại về hiện tượng băng giá sớm xuất hiện có thể ảnh hưởng tới năng suất ngô vụ 2 sẽ hạn chế đà giảm của giá mặt hàng này.

Giá Arabica có thể giảm khi thị trường lạc quan về triển vọng nguồn cung tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 24/04, hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng. Arabica tăng hơn 1% sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE duy trì mức thấp nhất trong 4 tháng. Robusta tăng mạnh gần 3%, lên mức cao nhất trong gần 12% khi Reuters gia tăng cảnh báo tồn kho cạn kiệt tại Việt Nam.
Thông tin cơ bản về nguồn cung trên thị trường vẫn đi theo hướng khá trái chiều. Số liệu xuất khẩu trong 24 ngày đầu tháng 4 tại Brazil ở mức 1.45 triệu bao, thấp hơn mức 1.72 triệu bao của cùng kỳ tháng trước, cùng với mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đang ở dưới mức 700,000 bao, khiến những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vẫn tồn tại, và là yếu tố có thể hỗ trợ giá.
Trong khi đó, triển vọng nguồn cung Arabica niên vụ 2023/24, chuẩn bị thu hoạch, vẫn đang khá tích cực với sản lượng dự kiến cao hơn 2 niên vụ trước. Kết hợp với việc nông dân cũng đang tích cực bán hàng niên vụ mới, kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung sắp tới được cân bằng, từ đó gây sức ép khiến giá khó có thể tăng tiếp.

Triển vọng tiêu thụ kém sắc có thể khiến giá đồng duy trì đà giảm trong ngắn hạn
Nhu cầu tiêu thụ mờ nhạt khiến đồng nối tiếp đà giảm trong phiên giao dịch sáng 25/04. Trong ngắn hạn, dự báo giá có thể tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến triển vọng tiêu thụ suy yếu.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I của Mỹ được dự báo ở mức 2.0%, giảm so với mức tăng 2.6% đạt được vào quý IV/2022, phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hơn nữa, bức tranh kinh tế thế giới càng trở nên ảm đạm hơn khi hàng loạt Ngân hàng trung ương lớn đều dự kiến tăng lãi suất vào đầu tháng 5 tới đây.
Do đó, với áp lực lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế các nước phương Tây có thể bị kìm hãm và làm giảm nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng, gây sức ép lên giá.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền đảo Đài Loan ngày càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tình trạng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc đang ngày càng sâu sắc, chỉ số MSCI China Index đã mất tới 2% vào thứ Ba, hướng tới ngày giảm thứ sáu, đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2022, theo Bloomberg.
Do vậy, căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ có thể trở thành rào cản kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc, theo đó, hoạt động kinh tế suy yếu có thể làm giảm triển vọng tiêu thụ đồng trong ngắn hạn.
Hơn nữa, trong cuộc họp tháng 4 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản sắp tới, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, dự kiến sẽ chuyển trọng tâm chính sách sang thúc đẩy niềm tin kinh doanh và tăng việc làm, mà không tăng thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Thiếu vắng tin tức hỗ trợ, giá dầu có thể giảm trở lại trong phiên hôm nay

Giá dầu đang diễn biến tương đối giằng co khi thị trường vắng bóng các tin tức có tác động mạnh. Tuy nhiên, biên lợi nhuận lọc dầu tại nhiều khu vực sản xuất đang giảm, là dấu hiệu cho thấy nguồn cung tương đối dồi dào so với nhu cầu và điều này vẫn sẽ khó đưa giá dầu vượt vùng 80 USD/thùng.

Lợi nhuận xử lý một thùng dầu thô Brent tại một nhà máy lọc dầu điển hình của châu Âu đã giảm khoảng 71% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm ngoái xuống còn 3.56 USD/thùng vào tháng 4, trong khi tỷ suất lợi nhuận lọc dầu ở châu Á giảm khoảng hơn 50% xuống còn 2.9 USD/thùng trong 5 tháng.
Biên lợi nhuận tinh chế dầu diesel châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2022 vào tuần trước xuống còn khoảng 13.70 USD/thùng. Biên lợi nhuận xăng tại châu Á cũng đã giảm 31% trong tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022, ở mức khoảng 14 USD/thùng vào tuần trước do lượng hàng tồn kho cao.
Nga tiếp tục xuất khẩu dầu giá rẻ, tạo điều kiện cho các khách hàng lớn nhất của họ là Ấn Độ và Trung Quốc tăng sản lượng lọc dầu và xuất khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm dầu mỏ của Nga đang được gửi với số lượng lớn đến các trung tâm dầu mỏ để lưu trữ và tái xuất khẩu trên toàn thế giới.
Nguồn cung từ Nga vẫn cho thấy sự ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt hay thông báo cắt giảm sản lượng. Do đó, nhu cầu gần như vẫn được đảm bảo, ít nhất là trong ngắn hạn, khiến giá dầu khó vượt lên vùng 80 USD/thùng.
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)