Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước, cho biết thông thường Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ vào tháng 11 năm trước và chậm nhất đến tháng 6 năm sau công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính (POR), lộ trình công bố này giúp DN dễ lập kế hoạch kinh doanh và đàm phán giá với đối tác.
Nhưng năm nay, đến tháng 4.2015 DOC mới công bố kết quả sơ bộ và tháng 9 vừa qua mới công bố POR9, những hợp đồng trong 2015 đã ký hết, các DN đã gần như hoàn tất việc xuất hàng vào Mỹ trong năm nay, mùa tôm đã hết. Những đơn hàng đi Mỹ chuẩn bị cho mùa Noel sắp tới đều đã ký hợp đồng từ 1 – 2 tháng trước, giao hàng vào tháng 9 – 10.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), mức giảm thuế rất nhỏ, chỉ 0,02% không đáng bao nhiêu trong giá thành con tôm.
Yếu tố quan trọng nhất là giá thành con tôm của các nước xuất khẩu khác rẻ hơn VN rất nhiều. Giá tôm thành phẩm của VN là 80.000 đồng/kg, trong khi tôm Ấn Độ chỉ 50.000 đồng/kg, khiến tôm Ấn Độ vào thị trường Mỹ rẻ hơn tôm VN từ 2 – 3 USD/kg.
Lý do lớn nhất khiến giá thành con tôm của VN đang cao hơn các nước, vì 100% thức ăn cho tôm là do DN nước ngoài nhập về chế biến và cung cấp, ở mức giá 35.000 đồng/kg từ đầu năm đến nay không giảm, trong khi giá trên thế giới thấp hơn nhiều.
Các DN xuất khẩu còn đang lo trước việc tiền đồng phá giá, sắp tới thức ăn gia súc sẽ tăng lại làm gánh nặng chi phí tăng thêm. Một lý do quan trọng khác khiến giá thành tôm VN cao hơn các nước xuất khẩu khác là chi phí vận chuyển quá đắt đỏ, từ Đà Nẵng vào TP.HCM đắt gấp 2 lần từ Đà Nẵng đi cảng Yokohama, Nhật Bản.
Theo Hồng Sương
Thanh niên