Số liệu từ các báo cáo Export Sales vài tuần gần đây đã phản ánh xu hướng xuất khẩu ngô kém hơn của Mỹ. Trong tuần kết thúc ngày 18/05 vừa qua, khối lượng bán hàng ngô thậm chí còn giảm về mức âm do Trung Quốc liên tục hủy các đơn hàng gần đây. Trong báo cáo Cung – cầu tháng 5, USDA đã điều chỉnh mức dự báo xuất khẩu ngô của Mỹ niên vụ 22/23 xuống mức 45.1 triệu tấn từ mức 47.0 triệu tấn trong ước tính trước đó. Trong khi đó, vụ ngô thứ 2 của Brazil chỉ còn vài tuần nữa sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch. Vụ ngô safrinha của nước này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng cả nước và đang được dự báo sẽ đạt mức kỉ lục trong niên vụ 22/23. Nếu như bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm, xuất khẩu của Brazil sẽ được đẩy mạnh thì áp lực cạnh tranh tới ngô Mỹ sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Brazil đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy thương mại kể từ cuối năm ngoái.
Không những thế, lượng lúa mì dồi dào với giá rẻ ở Trung Quốc đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thức ăn chăn nuôi nội địa nước này, làm giảm lượng ngô được sử dụng và có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc. Với tình hình xuất khẩu kém khả quan như hiện tại, số liệu xuất khẩu còn có thể sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong những báo cáo tới và kéo theo mức tồn kho cuối niên vụ 22/23 và 23/24 gia tăng. Đây là nguyên nhân khiến chúng tôi kỳ vọng xu hướng giảm của ngô vẫn duy trì trong trung hạn. 

Giá Arabica khả năng cao sẽ hồi phục khi đi vào vùng hỗ trợ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/05, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt đi xuống. Giá Arabica giảm mạnh gần 1% khi thị trường tiếp nhận thêm dự báo tích cực về sản lượng Arabica niên vụ 2023/24 tại Brazil. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng và tồn kho cuối kỳ hồi phục trong niên vụ 2023/24 tại Việt Nam, giảm bớt lo ngại về nguồn cung sau sản lượng dự kiến ở mức thấp tại 2 quốc gia sản xuất lớn còn lại là Brazil và Indonesia.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm thêm 10.855 bao loại 60kg, về 609.778 bao, mức thấp nhất trong gần 6 tháng. Hơn nữa, chưa có thông tin về việc sẽ có nguồn cung mới hoặc phân loại lại để bổ sung cho mức tồn kho đang dần cạn kiệt hiện nay.
Đồng thời, số liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 05 tại Brazil cũng phần nào phản ánh tình trạng nguồn cung ở mức thấp trong thời điểm hiện tại. Trong 25 ngày đầu tháng 05, có 1,65 triệu bao cà phê Arabica được xuất khẩu, thấp hơn mức 2,05 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước, dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe). Nguồn cung ở mức thấp càng củng cố cho lo ngại thiếu hụt trong ngắn hạn và hỗ trợ giá đi lên.
Dù là vậy, sự lạc quan về triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tại cả Brazil và các quốc gia sản xuất lớn khác của giới phân tích sẽ phần nào hạn chế những tác động “bullish” từ vấn đề nguồn cung trong ngắn hạn.

Giá đồng có thể duy trì đà tăng nếu dữ liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Kỳ vọng Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đã giúp giá đồng phục hồi tăng nhẹ trong phiên sáng 26/05. Tuy nhiên, tối nay, báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ cũng được công bố và dự báo sẽ có tác động mạnh tới giá đồng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ cắt giảm RRR thêm 25 điểm cơ bản ngay trong quý III, theo Bloomberg. Mức cắt giảm này sẽ bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng thêm 71 tỷ USD để họ có thể tăng các khoản vay.
Hơn nữa, theo nghiên cứu từ Bloomberg Economics, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nếu PBOC cắt RRR thay vì cắt giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, nếu Trung Quốc cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể tăng 0,1 điểm phần trăm. Còn nếu PBOC cắt RRR trong quý II, tốc độ tăng trưởng có thể tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.
Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc vốn là động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho giá đồng. Vì thế, kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể giúp củng cố triển vọng tiêu thụ đồng trong thời gian tới và hỗ trợ cho giá.
Tuy nhiên, tới phiên tối, báo cáo lạm phát của Mỹ cũng sẽ có tác động đáng kể tới giá đồng.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ trong tháng 4 được dự báo giữ nguyên so với tháng 3 trên cả cơ sở hàng tháng và hàng năm. Nếu lạm phát hạ nhiệt đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có thêm căn cứ để không tăng lãi suất. Điều này sẽ giúp giá đồng duy trì đà tăng của phiên sáng.
Ngược lại, nếu lạm phát tiếp tục tăng thêm, Fed vẫn còn dư địa để tăng lãi suất cao. Hiện các nhà đầu tư đang đặt cược 40% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 6, trong khi kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay đã bị thu hẹp. Do đó, lo ngại lãi suất cao sẽ khiến đồng USD có thể tiếp tục tăng và cản trở đà tăng của giá đồng.

Giá dầu có thể giảm nhẹ khi thông tin hỗ trợ chưa đủ mạnh

Giá dầu giằng co trong phiên sáng nay khi mà các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc về động thái tiếp theo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), song song với tình hình đàm phán nâng trần nợ của Mỹ.
Bất đồng quan điểm trong nội bộ OPEC+, sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhóm không không có khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng, bác bỏ gián tiếp phát biểu trước đó của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman rằng các nhà giao dịch bán khống phải cảnh giác.
Thực tế, sản lượng cắt giảm của OPEC+ chủ yếu đến từ Nga và Saudi Arabia, nên nếu có một đợt cắt giảm mới, nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ tiếp tục phải “gánh vác” phần sản lượng cắt giảm nhiều hơn. Điều này khó có thể vực dậy giá dầu một cách mạnh mẽ trong bối cảnh mà nền kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng một cách trì trệ.
Việc cắt giảm sản lượng cũng sẽ hạn chế doanh thu từ dầu thô với Saudi Arabia, mà ngân sách của quốc gia này trong quý I đã ở trong trạng thái thâm hụt, khi mà chi tiêu của Chính phủ tăng mạnh. Vì thế, nếu giá dầu WTI vẫn duy trì ổn định trên 70 USD, và giá dầu Brent duy trì ổn định trên 74 USD nhiều khả năng OPEC+ sẽ không thực hiện cắt giảm sản lượng thêm.
Về vấn đề nâng trần nợ công tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết các đảng viên của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội và Nhà Trắng vẫn còn cơ sở để giải quyết trước khi đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn cuộc vỡ nợ đang đến gần. Đây cũng là một yếu tố có thể giúp cho giá dầu hồi phục.
Tại châu Á, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn sớm hơn dự kiến do sự phục hồi của nền kinh tế đang mất đà. PBOC có thể sẽ cắt giảm tỷ lệ này 25 điểm cơ bản xuống 10,75% vào cuối quý III. Đây sẽ là tin tức rất tích cực đối với giá dầu trong trung hạn, do kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiêu thụ nhiều hơn cho hoạt động mở rộng sản xuất.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)