Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 4/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 38 ringgit, tương đương 1% xuống 3.777 ringgit (892,7 USD)/tấn. Hợp đồng này đã giảm 8,6% trong tháng 1/2023, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ hai liên tiếp.
Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này chốt ở 3.783 ringgit (892,64 USD)/tấn.
Sathia Varqa, đồng sáng lập của Palm Oil Analytics có trụ sở tại Singapore, cho biết đồng ringgit mạnh lên, giá dầu đậu tương giảm sâu và xuất khẩu hàng tháng tồi tệ nhất trong gần 2 năm đã gây áp lực lên thị trường. Động lực mua bị hạn chế sau khi các thương nhân định giá triển vọng sản xuất tháng 1 giảm sút.
Giá dầu giảm hơn 3% khi số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất tăng mạnh. Đồng thời, OPEC và các đồng minh kiên định với chính sách sản lượng, khiến cọ trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn cho nguyên liệu dầu diesel sinh học.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ từ Malaysia trong tháng 1/2023 giảm 26,4% xuống 1.113.292 tấn từ mức 1.512.468 tấn xuất khẩu trong tháng 12/2022, theo nhà khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance.
Đồng ringgit tăng 0,75% so với đồng USD. Đồng ringgit mạnh hơn khiến dầu cọ trở nên đắt đỏ, kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 2,7% còn giá dầu cọ giảm 2,1%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,2%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Đường
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm trở lại 0,39 cent, tương đương 1,8% xuống 21,37 US cent/lb sau khi đạt mức cao nhất 6 năm ở 21,86 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 18 USD, tương đương 3,1% xuống 562,7 USD/tấn.
Giá tăng do nguồn cung khan hiếm và dự đoán sản lượng ở Ấn Độ thấp hơn so với dự kiến có khả năng hạn chế xuất khẩu của nước này.
Brazil đã xuất khẩu 2,12 triệu tấn đường trong tháng 1/2023, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters