Giá thép hôm nay ngày 28/8/2023: Giá thép trong nước đi ngang.
Thép trong nước “về đáy” thấp nhất trong 3 năm qua
Ngày 23/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép giảm 100.000 – 810.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, xuống còn 13,5-15 triệu đồng/tấn.
Như vậy, đây đã là đợt giảm giá thứ 18 liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300, xuống lần lượt 14,82 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.
Thép Hòa Phát hạ 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 tại miền Bắc. Hiện, giá hai dòng thép lần lượt ở mức 13,53 triệu đồng/tấn và 13,74 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, thép cuộn CB240 Hòa Phát được điều chỉnh giảm 210.000 đồng/tấn, hiện ở mức 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,74 triệu đồng/tấn sau khi giảm 150.000 đồng/tấn.
Còn tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm 510.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200.000 đồng/tấn, có giá 13,79 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý là đơn vị hạ giá thấp nhất: Giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,69 triệu đồng/tấn; thép CB240 giữ nguyên ở mức 13,64 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng giảm 100.000 đồng/tấn tại miền Bắc và miền Trung với dòng D10 CB300. Sau giảm, giá thép Việt Đức lần lượt ở mức 13,74 triệu đồng/tấn và 14,14 triệu đồng/tấn. Thép CB240 ở miền Bắc và miền Trung vẫn giữ giá 13,89 triệu đồng/tấn và 14,04 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Sing giảm 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép, hiện thép cuộn CB240 đang được giao dịch ở mức 13,3 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,5 triệu đồng/tấn.
Thép Tung Ho tại miền Nam hạ lần lượt 200.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn với thép CB 240 và D10 CB300, hiện hai mặt hàng thép đang ở mức 13,5 triệu đồng/tấn và 13,65 triệu đồng/tấn.
Trước việc thép nội liên tiếp hạ giá trong thời gian gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định giá thép xây dựng vẫn có khả năng hạ giá tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân được cho là thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng chỉ mới được triển khai. Các dự án đầu tư công chưa khởi sắc. Bên cạnh đó, tháng 7 âm lịch cũng là tháng “cô hồn” - được đánh giá là “ác mộng” đối với ngành xây dựng khi hầu như không có dự án mới nào động thổ trong tháng này. Điều này kéo theo tiêu thụ thép cũng giảm mạnh.
Sau 18 phiên giảm, giá thép hôm nay ở mức như sau:
Giá thép tại miền Bắc
Thép Hòa Phát giảm sâu giá bán, với dòng thép cuộn CB240 giảm sâu 410 đồng, từ mức 13.940 đồng/kg xuống còn 13.530 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 300 đồng, có giá 13.740 đồng/kg.
Thép Việt Ý, dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.640 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 cũng giảm 100 đồng, xuống mức 13.690 đồng/kg.
Thép Việt Đức, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.740/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.890 đồng/kg - giảm 100 đồng.
Thép Việt Sing giảm 200 đồng, với thép cuộn CB240 xuống mức 13.300 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.500 đồng/kg.
Thép VAS, với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 có cùng mức giá 13.400 đồng/kg.
Thép VJS, với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.600 đồng/kg; còn dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.800 đồng/kg.
Giá thép Thái Nguyên, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.670 đồng/kg, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.820 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 giảm 210 đồng xuống mức 13.530 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150 đồng, có giá 13.740 đồng/kg.
Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.040 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.140 đồng/kg - giảm 100 đồng.
Thép VAS, hiện thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.550 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 giảm 100 đồng ở mức 13.500 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.590 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng, có giá 14.380 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thép Hòa Phát giảm sâu, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.790 đồng/kg - giảm 200 đồng; thép cuộn CB240 ở mức 13.530 đồng/kg - giảm 510 đồng.
Thép VAS, dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đồng loạt giảm 100 đồng, có giá 13.600 đồng/kg.
Thép Pomina, dòng thép cuộn CB240 có giá 14.480 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng, xuống mức 14.380 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay ngày 28/8/2023: Đi ngang ngày đầu tuần
Giá heo hơi hôm nay ngày 28/8/2023 đi ngang ngày đầu tuần và dao động quanh mức 56.000 đến 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Bắc hôm nay ngày 28/8/2023
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay ngày 28/8/2023 đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại các địa phương gồm Yên Bái, Lào Cai.
Các địa phương khác trong khu vực gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang ghi nhận mức giá 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi mới nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Tại khu vực này, giá heo hơi hôm nay lặng sóng và dao động trong khoảng 57.000 – 58.000 đồng/kg.
Cụ thể, mức giá cao nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại các địa phương gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng.
Các địa phương bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận cùng thu mua với giá 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam hôm nay 28/8/2023
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực 56.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại tỉnh Long An và Trà Vinh.
Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Các địa phương còn lại trong khu vực ghi nhận giá heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2023 giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với mặt bằng chung năm 2022, trong đó: Lysine giảm 18,7%, ngô giảm 4%, cám gạo giảm 0,5%, DDGS giảm 0,2%.
Tuy nhiên, giá khô dầu đậu tương vẫn duy trì ở mức cao so với năm 2022 (tăng 1,7%). Do giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm mới bắt đầu giảm kể từ tháng 3/2023 cho đến nay, nên giá thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn 1,1 - 2,1% so với năm 2022.
Nhìn chung, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã bắt đầu giảm trong các tháng gần đây, tuy nhiên hiện tại vẫn duy trì ở mức rất cao (từ 41,5 - 55,7%) so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020). Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn từ 37,1 - 43,0% so với giá thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn trước dịch (2020).
Na Chi Lăng được mùa, được giá
Đầu tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm là thời điểm chính vụ thu hoạch na. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn 8 xã miền núi trọng điểm trồng na của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn rất phấn khởi vì na "không phụ lòng người", chất lượng quả năm nay được nâng lên, giá bán cũng cao hơn so với mọi năm.
Do đặc thù về địa hình núi đá vôi cao và dốc đứng nên để thu hái na, người dân ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã sáng tạo ra cách vận chuyển na từ trên đỉnh núi xuống đó là sử dụng ròng rọc (hay còn gọi là hệ thống tời).
Dọc tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn các xã Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, xã Mai Sao…, hàng chục hệ thống ròng rọc được vận hành để tải hàng chục nghìn tấn na từ vườn nằm sâu trong các thung lũng, đỉnh núi xuống đường lớn để tiêu thụ. Điều này không chỉ tiết kiệm nhân lực, thời gian, tránh được sự cố ngã núi khi người dân thu hái mà còn hạn chế thấp nhất những va đập, giữ được mẫu mã đẹp cho na.
Chị Vi Thị Thi, người trồng na tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng phấn khởi cho biết, trước đây, khi chăm sóc cũng như thu hái, bà con vẫn phải tự gánh thủ công, sử dụng sức người là chính. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, bà con nhàn hơn rất nhiều khi có hệ thống ròng rọc vận chuyển đồ đạc, phân bón, cũng như hỗ trợ vận chuyển na từ núi về. Người dân chỉ cần lên đến vườn, sau khi thu hái, tập trung na lại ở điểm thả ròng rọc, từ đây dây cáp sẽ kéo na xuống cho người phía dưới núi thu nhận và chở đến nơi tiêu thụ. Như vậy, đỡ vất vả hơn nhiều so với thu hái thủ công.
Là thương lái thu mua na đến từ tỉnh Bắc Giang, chị Vi Thị Duyên cho hay, khi vào vụ na mỗi ngày tôi thu mua khoảng từ 2 - 3 tấn na. Nhìn chung, chất lượng quả na năm nay đồng đều, nhiều quả to tròn, mẫu mã trắng đẹp. Giá bán cao hơn so với năm ngoái, trung bình giao động từ 30 - 50 nghìn đồng/kg; loại quả to đẹp hơn thì 70 - 80 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ na năm nay khá sôi động và kéo dài nên giá cả ổn định hơn.

Nguồn: VITIC/Baocongthuong