• USD đi ngang sau khi Fed không thay đổi lãi suất
• Yên tăng khi BOJ giữ nguyên lãi suất
Đồng USD tăng vào đầu phiên nhưng giảm về cuối phiên so với euro, sau khi Cục Dự trữ Liên bang giữ nguyên lãi suất như dự kiến, nhưng cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ cắt giảm chi phí đi vay một nửa điểm phần trăm vào cuối năm nay, tương dự như dự báo trung bình ba tháng trước, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tăng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hôm thứ Tư cho biết sự không chắc chắn hiện tại đang "tăngcao bất thường" khi ông mô tả những thách thức mà các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ phải đối mặt khi đưa ra các dự báo mới về triển vọng kinh tế trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tiếp có các động thái chính sách mới.
Đồng USD đã giảm khoảng 6% so với đồng euro kể từ giữa tháng 1 khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về hậu quả kinh tế của các chính sách về thương mại và thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đồng tiền Mỹ đã ổn định trong các phiên gần đây, triển vọng ngắn hạn của đồng tiền này phụ thuộc vào sức mạnh của dữ liệu kinh tế sắp tới.
"Tôi nghĩ rằng USD có thể sẽ dao động quanh đây cho đến khi có được một số dữ liệu GDP quý đầu tiên... đó sẽ là một dấu hiệu thực sự lớn đối với các nhà giao dịch về việc liệu điểm yếu kinh tế mà mọi người lo lắng này có thực sự trở thành hiện thực hay không", Given cho biết.
So với đồng USD, đồng euro đã giảm 0,3% xuống còn 1,0912 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 1,0860 USD vào đầu phiên.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu đã bị bắt giữ vì tội tham nhũng và hỗ trợ một nhóm khủng bố trong cái mà đảng đối lập chính gọi là "một cuộc đảo chính chống lại tổng thống tiếp theo của chúng ta".
Đồng USD kết thucsn phiên tăng 3,6% so với đồng lira ở mức 37,97, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục là 42, vào đầu phiên.
Đồng tiền của Mỹ đã giảm 0,3% so với đồng yên Nhật xuống 148,85, sau khi Ngân hàng Nhật Bản giữ nguyên lãi suất vào đầu ngày thứ Tư.
Quyết định được mong đợi rộng rãi của BOJ nhấn mạnh sở thích của các nhà hoạch định chính sách là dành nhiều thời gian hơn để đánh giá xem rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng từ việc Mỹ tăng thuế quan có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi mong manh của Nhật Bản như thế nào.
"Hiện tại, BOJ có vẻ hài lòng với việc chờ đợi thời cơ, lần cuối cùng tăng lãi suất là hai tháng trước. Với xu hướng lạm phát hiện nay, dự báo BOJ sẽ không có động thái điều chỉnh nào cho đến tháng 6 hoặc tháng 7", Fawad Razaqzada, Nhà phân tích thị trường tại City Index, cho biết.
Trong khi đó, bitcoin BTC, loại tiền điện tử lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường, đã tăng 4,6% lên 85.802 USD.
• Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại là 3.051,99 USD/oz
Giá vàng tăng mạnh lên mức cao nhất mọi thời đại sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Fed quyết định giữ nguyên lãi suất như dự đoán, Fed phát tín hiệu về khả năng giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,5% lên 3.047,80 USD/ounce, sau khi chạm mức kỷ lục 3.051,99 USD/ounce trong phiên giao dịch; vàng giao sau kết thúc ở mức 3.041,20 USD/ounce.
Giá bạc kết thúc phiên giảm 0,7% xuống 33,79 USD/ounce, bạch kim giảm 0,3% xuống 994,15 USD/ounce, trong khi palladium mất 0,8%, còn 959,54 USD/ounce.

Chuyên gia giao dịch kim loại độc lập Tai Wong nhận định vàng đang trong xu hướng tăng mạnh do tâm lý thị trường lo ngại về lạm phát và bất ổn kinh tế. Fed giữ lãi suất trong khoảng 4,25%-4,50%, đồng thời điều chỉnh dự báo lạm phát tăng trong năm nay và hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25% vào tuần trước và dự kiến áp dụng thêm các mức thuế mới vào ngày 2/4. Vàng, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ lạm phát và bất ổn kinh tế, đã tăng hơn 15% từ đầu năm đến nay.
Thị trường đang đặt cược 66% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, tăng so với mức 57% trước quyết định của Fed. Khi lãi suất thấp, vàng trở nên hấp dẫn hơn.
• Giá dầu tăng do nhu cầu nhiên liệu của Mỹ cao
• EIA: Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng nhiều hơn dự kiến, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất giảm.
Giá dầu tăng nhẹ sau khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho nhiên liệu giảm, nhưng quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed đã hạn chế mức tăng.
Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 0,31% lên 70,78 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 0,39% lên 67,16 USD/thùng. Dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, nhưng tồn kho dầu diesel và dầu sưởi giảm đáng kể, giúp hỗ trợ giá dầu. Tình hình địa chính trị tiếp tục tác động đến thị trường năng lượng.
Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong khoảng 4,25%-4,50%, nhưng vẫn dự báo sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm. Lo ngại suy thoái do thuế quan của Mỹ đối với Canada, Mexico và Trung Quốc cũng tạo áp lực lên giá dầu.
Nga đồng ý với đề xuất ngừng tấn công cơ sở năng lượng của Ukraine, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn. Xuất khẩu dầu Nga chưa có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng do lệnh trừng phạt kéo dài.
Giá đồng đạt mức cao mới khi các nhà đầu cơ đặt cược rằng Fed sẽ tăng thuế quan
Giá quặng sắt giảm do lo ngại về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc
Giá đồng tại Mỹ và London tiếp tục tăng mạnh khi giới đầu cơ mở rộng hoạt động mua vào, kỳ vọng Mỹ sẽ áp thuế lên kim loại này. Đồng cũng nhận được hỗ trợ sau khi tập đoàn Nvidia tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng cáp đồng thay vì công nghệ quang học do độ tin cậy giảm.
Giá đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) tăng 0,8% lên 9.981 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 8/10. Trong khi đó, hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Comex Mỹ tăng 1,6% lên 5,10 USD/lb, mức cao nhất trong 10 tháng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã áp thuế 25% đối với thép và nhôm và đang xem xét các mức thuế mới đối với đồng. Các quỹ đầu tư sử dụng thuật toán giao dịch đang dẫn đầu xu hướng mua vào, đẩy giá đồng tăng mạnh, vượt qua các ngưỡng kỹ thuật.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng mức giá cao hiện tại không phản ánh đúng cung - cầu thực tế. Dan Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Amalgamated Metal Trading, cho biết chênh lệch giá đồng giữa sàn Comex và LME đã nới rộng lên mức kỷ lục 1.259 USD/tấn, tạo ra tình trạng đầu cơ mạnh.
Đồng USD mạnh lên đã phần nào kìm hãm đà tăng của kim loại này, do hàng hóa định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua dùng các loại tiền tệ khác.
Về các kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME tăng 0,5% lên 2.668 USD/tấn, niken tăng 1% lên 16.405 USD/tấn, trong khi kẽm giảm 1,3% xuống 2.924 USD/tấn do công ty Boliden nâng công suất luyện kẽm. Chì giảm 0,4% còn 2.085,50 USD/tấn và thiếc mất 0,6% còn 35.035 USD/tấn.
Giá quặng sắt giảm phiên thứ ba liên tiếp khi thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc, trong bối cảnh thiếu thông tin chi tiết về các biện pháp kích thích kinh tế.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2025 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) giảm 2,12% xuống 760 nhân dân tệ/tấn (105,05 USD), mức thấp nhất kể từ ngày 13/1/2025. Hợp đồng quặng kỳ hạn tháng 4 /2025 trên Sàn Singapore giảm 2,07% xuống 100,05 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/3/2025 đạt 99,75 USD/tấn.
Dữ liệu mới cho thấy diện tích khởi công xây dựng mới tại Trung Quốc giảm 29,6% trong tháng 1và 2/2025, tiếp nối mức giảm 23% trong năm 2024, khiến tâm lý thị trường suy yếu.
Thêm vào đó, lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại toàn cầu do các mức thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên giá quặng sắt. Ấn Độ đề xuất thuế bảo hộ 12% trong 200 ngày đối với một số sản phẩm thép để hạn chế nhập khẩu, trong khi Đài Loan gia hạn thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong 5 năm.
Theo chuyên gia Chu Xinli của China Futures, thị trường thép chỉ có thể phục hồi nếu các nhà máy cắt giảm sản lượng mạnh mẽ hoặc nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh hơn dự báo.
• Giá lúa mì, đậu tương giảm
• Giá đường và ngô tăng
• Giá cà phê ít biến động
Giá lúa mì Mỹ giảm do đồng USD mạnh lên, khiến hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn đối với các khách hàng sử dụng đồng tiền khác. Nhà đầu tư cũng đang theo dõi kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy để đánh giá tác động đến thị trường.
Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc, nguồn cung từ khu vực Biển Đen sẽ ổn định hơn, tạo áp lực giảm giá lúa mì. Bên cạnh đó, dự báo có tuyết rơi tại một số khu vực trồng lúa mì của Mỹ có thể giúp cải thiện độ ẩm cho đất, gây thêm áp lực lên giá, đặc biệt là lúa mì tại Kansas.
Kết thúc phiên, hợp đồng lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 1-1/2 cent xuống còn 5,63-1/2 USD/bushel. Giá ngô tăng 3,25 cent lên 4,62 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giảm 4,5 cent xuống 10,08-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kết thúc phiên tăng 0,02 cent, hay 0,1%, lên 19,99 cent/lb sau khi đạt mức cao nhất trong 2 tuần rưỡi là 20,09 cent. Đường trắng giảm 0,2% xuống 563,40 USD một tấn.
Các đại lý cho biết đợt tăng giá gần đây một phần là do triển vọng mùa màng ở Ấn Độ xấu đi.
Cũng có lo ngại rằng thời tiết khô hạn vào tháng 2 và tháng 3 có thể làm giảm triển vọng vụ mía 2025/26 của Brazil.
Giá cà phê Arabica vững ở mức 3,838 US/lb; cà phê Robusta cũng vững ở mức 5.469 USD/tấn.
Các đại lý cho biết trọng tâm chính của thị trường vẫn là triển vọng vụ mùa năm nay tại Brazil và mức độ mưa ở một số khu vực có thể cải thiện triển vọng.
Giá cao su Nhật Bản giảm trong phiên giao dịch đầy biến động, khi những lo ngại về thương mại tác động tiêu cực đến triển vọng thị trường toàn cầu, bất chấp nguồn cung đang bị thắt chặt.
Hợp đồng cao su giao tháng 8/2025 trên Sàn giao dịch Osaka giảm 3,9 yên, tương đương 1,12%, xuống còn 343 yên (2,29 USD)/kg. Trong khi đó, hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải giảm 50 nhân dân tệ, tương đương 0,3%, chốt phiên ở mức 16.865 nhân dân tệ (2.331,58 USD)/tấn. Hợp đồng cao su tháng 3 của Sở giao dịch chứng khoán Singapore giao giảm 0,6% xuống 194,7 US cent/kg.
Một số nhà đầu tư đã chốt lời khi thị trường có dấu hiệu chững lại, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế chủ chốt được dự báo sẽ chậm lại đáng kể. Bên cạnh đó, Trung Quốc cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này, và Bắc Kinh có thể đáp trả bằng các biện pháp bổ sung.
Tuy nhiên, giá cao su vẫn nhận được một số hỗ trợ từ tình trạng nguồn cung thắt chặt. Các đồn điền cao su ở nước ngoài đã ngừng khai thác trong giai đoạn trái vụ từ tháng 2 đến tháng 5, trước khi bước vào mùa thu hoạch cao điểm từ tháng 6 đến tháng 9.
