Như vậy, vụ điều tra tự vệ này đã được khép lại và mặt hàng điện thoai di động xuất khẩu từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được thực hiện như bình thường. Mặt hàng điện thoại di động xuất khẩu từ Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do doanh nghiệp Samsung lắp ráp tại Việt Nam và mặt hàng này chiếm tới phân nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong suốt quá trình điều tra, Thương vụ tại Istanbul đã đã thường xuyên liên lạc, trao đổi với các cơ quan quản lý hữu quan, doanh nghiệp liên quan về các thông tin, phương hướng xử lý vụ việc. Để khai thác thông tin phục vụ cho việc kháng kiện, Thương vụ cũng đã tạo quan hệ tốt với các đơn vị tư vấn, các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước hữu quan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ cũng đã chủ động đề xuất Bộ Công Thương sang tham vấn chính thức với Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc và bày tỏ quan ngại đối với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo thủ tục điều tra minh bạch, đạt kết quả tốt nhất. Đây có thể nói là tác động quan trọng đối với việc xử lý vụ việc. Theo đánh giá của các công ty tư vấn cho doanh nghiệp liên quan trong vụ việc, cùng với tiến hành tham vấn chính thức, việc Chính phủ Việt Nam đưa ra quan điểm tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vụ việc này cùng với các nước khác đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là quan điểm sẽ đưa vụ việc này ra WTO nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng biện áp tự vệ không phù hợp với quy định của WTO, là biện pháp quan trọng tác động đến việc dừng điều tra vụ việc.
Kết quả này đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Việt Nam và tạo ra tiền lệ tích cực cho các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Qua vụ việc có thể thấy Chính phủ Việt Nam tích cực chủ động đẩy mạnh kháng kiện đồng thời cho thấy quyết tâm, cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo vệ môi trường đầu tư nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn: vietnamexport.com