Tuy nhiên, với ưu thế thị trường T0 có thể giao dịch theo cả 2 chiều mua và bán, dòng tiền đầu tư đến thị trường chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng vọt hơn 31%.
Vai trò trú ẩn củng cố giá kim loại quý
Thị trường kim loại kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động với sự phân hoá giữa các mặt hàng. Nhóm kim loại quý chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ với giá bạc tăng 9,54% lên 22,46 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 7 tuần. Giá bạch kim có mức tăng khiêm tốn, 1,70% lên 978,6 USD/ounce.
Dòng tiền hướng về thị trường kim loại quý một cách mạnh mẽ trong bối cảnh các nhà đầu tư mất niềm tin về hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính sau sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Sự kiện này khiến cho các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và tìm đến thị trường kim loại quý như một loại tài sản trú ẩn an toàn. Giá của bạc và bạch kim cũng không chịu sức ép từ đồng USD trong tuần vừa qua, bởi cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất và có thể cắt giảm 100 điểm cơ bản sau đó. Chỉ số Dollar Index giảm về 103,71 điểm.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm 3,42% về 3,89 USD/pound. Triển vọng tiêu thụ đồng bị ảnh hưởng nặng nề khi những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng trước các tin tức tiêu cực của ngành ngân hàng. Thứ năm tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung đồng và niken trở thành những nguyên liệu chiến lược, và đảm bảo việc cấp phép cũng như tiếp cận vốn dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, thông tin này cũng không mang lại quá nhiều sự hỗ trợ đối với giá đồng.
Giá sắt tăng 1,57% lên 130,79 USD/tấn, và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong tuần vừa qua không hỗ trợ nhiều cho giá đồng nhưng lại rất tích cực với giá quặng sắt, bởi so với đồng, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng nhanh và mạnh hơn. Bên cạnh việc ngân sách đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng 5,5% trong tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% còn 10,75%. Động thái này được xem như một chính sách hỗ trợ nền kinh tế và trực tiếp thúc đẩy giá quặng sắt phục hồi mức 130 USD/tấn.
Giá dầu ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong vòng gần 1 năm
Kết thúc tuần giao dịch ngày 13/03 – 19/03, giá dầu WTI đánh mất 12,83% xuống 66,93 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2021, và đây cũng là mức giảm trong tuần mạnh nhất trong vòng gần 1 năm qua. Giá dầu Brent cũng giảm 11,85% xuống còn 72,97 USD/thùng.
Sự sụp đổ của Ngân hàng SVB và những rắc rối đối với Ngân hàng Credit Suisse đã gây ra sự hoảng loạn nhất định trên thị trường tài chính. Các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ các tài sản mang tính an toàn hoặc trú ẩn cao, điển hình là vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ. Dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường rủi ro, thúc đẩy tâm lý bán tháo trên thị trường dầu thô bên cạnh lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ. Điều này khiến cho giá dầu đã có tới 4 trên tổng 5 phiên lao dốc mạnh mẽ trong tuần qua.
Trong khi đó, các báo cáo thị trường dầu thô tháng 3 từ Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều không thể hỗ trợ cho đà phục hồi của giá. Cụ thể, sản lượng dầu thô của 13 nước OPEC đạt trung bình 28,9 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2023, cao hơn 117.000 thùng/ngày hàng tháng. Báo cáo cũng cắt giảm ước tính về lượng dầu thô mà OPEC cần bơm vào năm 2023 để cân bằng thị trường, thêm 200.000 thùng/ngày so với báo cáo trước xuống còn 29,3 triệu thùng/ngày, cho thấy góc nhìn nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn so với nhu cầu. Về phía IEA, báo cáo ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ cán mốc kỷ lục 102 triệu thùng/ngày trong năm nay, tuy nhiên thị trường vẫn đối mặt với nguy cơ dư cung trong nửa đầu năm 2023. Do đó, lực bán tiếp tục được thúc đẩy trên thị trường dầu.
Các thành viên OPEC+ cho rằng sự suy yếu về giá trong tuần này là do các động lực tài chính hơn là do bất kỳ sự mất cân bằng cung cầu nào. Mới đây, UBS Group đã đồng ý mua Credit Suisse Group với giá trị 3,3 tỷ USD trong một thỏa thuận lịch sử do chính phủ làm trung gian nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin đã bắt đầu lan rộng khắp các thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, Thủ tướng Iraq và Tổng thư ký OPEC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp giữa các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ để đảm bảo giá không biến động và tác động đến cả nước xuất khẩu và nước tiêu dùng.
Nhiều nhà phân tích vẫn kỳ vọng nguồn cung toàn cầu hạn chế sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai gần. Dữ liệu của Hãng khai thác dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu trong tuần qua tại Mỹ giảm 1 xuống còn 589 giàn, vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Các thông tin này có thể sẽ xoa dịu phần nào tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư trong phiên đầu tuần và giúp giá dầu có thể sẽ phục hồi nhẹ trở lại.
Bất chấp các rủi ro trên thị trường tài chính, trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên mức 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2009, và điều đó cũng đã thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu. Tuần này, thị trường sẽ hướng sự chú ý vào tâm điểm quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng ngày 22/03, với các ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản hoặc sẽ giữ nguyên lãi suất. Trong trường hợp không có bất ngờ gì xảy ra, và thị trường tài chính ổn định trở lại, lực mua có thể sớm quay trở lại thị trường dầu.
Tin tức kinh tế, tài chính tiếp tục tác động mạnh đến thị trường trong tuần này
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “Các thông tin về kinh tế, tài chính sẽ vẫn là tâm điểm và có tác động đáng kể lên giá hàng hóa trong tuần này. Đầu tuần này, giới đầu tư sẽ cần đặc biệt chú ý tới các diễn biến xoay quanh số phận ngân hàng Credit Suisse, để đánh giá liệu có thể xảy ra cuộc khủng hoảng lan rộng trong ngành ngân hàng tại Mỹ và châu Âu hay không. Đây là nhân tố sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngay trong biên bản họp sẽ công bố vào 1:00 sáng thứ năm tuần này. Bất kỳ một lo ngại nào về triển vọng kinh tế cũng có thể tác động tiêu cực lên giá các mặt hàng như xăng dầu, cà phê, kim loại.”
Riêng đối với thị trường dầu thô, do giá dầu hiện đang ở mức thấp nhất trong khoảng 15 tháng, với dầu WTI dưới ngưỡng 70 USD/thùng, nhà đầu tư cũng cần theo dõi các thông tin từ phía các tổ chức và quốc gia liệu có các động thái hỗ trợ giá dầu hay không. Điển hình là việc Mỹ có thể mua bổ sung dầu vào kho dự trữ chiến lược (SPR), hoặc tin tức từ sự can thiệp của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).