Giá ngô mở cửa phiên giao dịch sáng nay đang tiếp tục đà suy yếu. Mặc dù hạn hán vẫn gây ra lo ngại đối với mùa vụ ngô của Argentina khi sáng nay Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) tiếp tục cắt giảm dự báo sản lượng ngô niên vụ 22/23 của nước này. Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu suy yếu cùng với lực bán kĩ thuật đã đẩy giá mặt hàng này bước vào xu hướng giảm kể từ cuối tháng 2.
Theo báo cáo sáng nay của BAGE, nhiệt độ cao tại Argentina có thể duy trì trong một tuần nữa và gây thêm thiệt hại cho cây trồng và thu hẹp diện tích có thể thu hoạch được. Ngoài ra, nhiều nông dân cũng báo cáo thiệt hại về năng suất lên tới 50% so với mức trung bình 5 năm. Chất lượng ngô đạt tốt -tuyệt vời đã giảm xuống chỉ còn 5%, mức thấp nhất trong cả niên vụ. Tuy nhiên, đây thường là thời điểm đánh giá chất lượng cây trồng ở mức đáy trong năm. Với dự báo thời tiết có thể xuất hiện mưa trong khung thời gian ngoài 10 ngày tới, kỳ vọng về chất lượng cây trồng sẽ được cải thiện kể từ nửa cuối tháng 3 sẽ là yếu tố khiến cho tác động “bullish” từ mùa vụ của Argentina bị hạn chế.
Về nhu cầu, xuất khẩu ngô của Mỹ đạt 3.2 triệu tấn trong tháng 1, mức thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm qua trong khi khối lượng các lô hàng tháng 2 đạt mức thấp nhất trong 10 năm. Xuất khẩu ngô nửa cuối năm được USDA dự báo sẽ thấp hơn 12% so với mức trung bình, và lũy kế bán hàng đạt 65% mục tiêu, dưới mức trung bình 74%. Cạnh tranh từ nguồn cung ở Nam Mỹ là đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với ngô CBOT. USDA đã cắt giảm dự báo ngô của Mỹ trong báo cóa WASDE tháng 3 dựa trên mức xuất khẩu kém vào 2 tháng đầu năm, và động thái này cũng không phải là yếu tố bất ngờ với thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để đánh giá số liệu xuất khẩu cả niên vụ vì khối lượng bán hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại do tồn kho ngô sẵn có ở Brazil đang dần thu hẹp sau khi bán hàng sang Trung Quốc tăng mạnh.

Xuất khẩu dần hồi phục tại Brazil trước vụ thu hoạch mới khả năng cao sẽ gây sức ép khiến giá tiếp tục giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/03, hai mặt hàng cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều. Arabica suy yếu khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE New York tăng phiên thứ 2 liên tiếp với 3,775 bao. Trong khi đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE London giảm từ 74,260 về 73,850 tấn đã hộ trợ giá mặt hàng này khởi sắc.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn đang cho thấy sự hồi phục với mức tăng 7,556 bao trong 2 phiên gần đây, hơn nữa theo báo cáo mới nhất của ICE còn 28,633 bao đang chờ được phân loại tiếp, dự kiến sẽ vẫn thúc đẩy sự khởi sắc hiện tại và gây áp lực lên giá.
Sau 2 tháng xuất khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi nông dân Brazil hạn chế bán hàng. Số liệu mới nhất từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) đnag cho thấy sự tích cực hơn về nguồn cung. Theo số liệu tính đến ngày 09/03, quốc gia này đã xuất khẩu được 631,066 bao cà phê Arabica, tăng 26% so với mức 500,849 bao của cùng kỳ tháng trước, đây cũng là lần đầu tiên sau 2 tháng số liệu xuất khẩu cà phê lớn hơn so với thời điểm cùng kỳ trước đó. Khi đà hồi phục này được duy trì, đặc biệt khi nông dân Brazil cần đẩ hàng để có kho chưa cho cà phê chuẩn bị thu hoạch vào tháng 4 tới sẽ gây sức ép khiến giá suy yếu.

Giá đồng có thể diễn biến giằng co trước thềm công bố dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ
Giá đồng đã giảm xuống dưới mức 4 USD/pound trong phiên sáng cuối tuần ngày 10/03 do triển vọng tiêu thụ yếu tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu là Trung Quốc và nhà đầu tư thận trọng trước thềm Mỹ công bố báo cáo dữ liệu kinh tế quan trọng.
Về yếu tố vĩ mô, tối nay Mỹ sẽ công bố báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp (NFP), dữ liệu quan trọng nhất trong tuần này có tác động tới quỹ đạo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp ngày 21-22/3 tới đây. Hiện giới phân tích đang kỳ vọng Mỹ có sẽ có thêm 205,000 việc làm, giảm tốc mạnh so với mức 517,000 của tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3.4%.
Nếu số liệu công bố tối nay cho thấy thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt đúng như dự báo của thị trường, điều này có thể kéo theo áp lực lạm phát giảm bớt và làm giảm khả năng Fed sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Điều này sẽ khiến chỉ số Dollar Index suy yếu và hỗ trợ lực mua đồng. Ngược lại, nếu số việc làm tại Mỹ tăng vọt vượt ước tính có thể tiếp tục làm tăng áp lực lãi suất cao và khiến đồng USD được đẩy lên cao, gây sức ép tới giá đồng.
Về phía Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ đồng tại nước này vẫn chưa có tiến triển mới. Theo Bloomberg, một thước đo chính của chứng khoán Trung quốc, MSCI China Index, đã xóa sạch tất cả mức tăng của nó kể từ đầu năm nay, giảm tới 2.2% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/12, do bị đè nặng bởi sự không chắc chắn về triển vọng phục hồi kinh tế và thiếu chất xúc tác mới từ Đại hội Nhân dân toàn quốc (NPC) đang diễn ra. Trong đó, cổ phiếu bất động sản cũng giảm tới 1.7%, kéo dài mức giảm từ mức cao nhất trong tháng 12 lên gần 21%. Do đó, triển vọng kém lạc quan về sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tiêu thụ khoảng 20% sản lượng đồng của nước này, có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá đồng trong phiên hôm nay.
Về phía nguồn cung, gần đây, gián đoạn nguồn cung ở các nước sản xuất đồng lớn như Chile, Peru hay Indonesia đã giảm bớt. Bên cạnh đó, tranh chấp kéo dài hơn 3 tháng giữa Chính phủ Panama và công ty khai thác hàng đầu First Quantum cũng đã đi đến hồi kết và sắp cho vận hành lại mỏ Cobre Panama, mỏ đồng lớn nhất Trung Mỹ. Hơn nữa, theo báo cáo mới đây của BHP, họ kỳ vọng vào cuối năm 2024, nguồn cung quặng đồng sẽ tăng khoảng 12% so với năm 2021. Do vậy, trong bối cảnh sức ép từ nguồn cung giảm bớt có thể hạn chế lực mua đồng trong phiên.

Giá dầu có thể tiếp tục gặp áp lực nếu dữ liệu lao động Mỹ củng cố cho việc Fed thắt chặt mạnh mẽ
Giá dầu đang tiếp nối xu hướng giảm của phiên hôm qua khi thiếu vắng những thông tin cơ bản đủ mạnh có thể hỗ trợ cho giá, trong khi đó, các áp lực vĩ mô vẫn đang được thị trường hấp thụ. Ngày hôm nay, diễn biến giá dầu sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình bức tranh lao động tại Mỹ được phản ánh qua Bảng lương phi nông nghiệp, bởi đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp ngày 21-22/03 sắp tới.
Các nhà kinh tế kỳ vọng việc tuyển dụng vẫn mạnh trong tháng Hai và tiền lương thậm chí còn tăng nhanh hơn so với tháng Giêng. Fed đã cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế, nhưng các nhà tuyển dụng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân trong một thị trường lao động chặt chẽ, điều này đã thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và khiến cho lạm phát còn dai dẳng. Các nhà kinh tế dự báo có thêm 225,000 việc làm mới trong tháng 2. Thu nhập trung bình mỗi giờ được dự báo sẽ tăng 0.4%, tương đương 4.8% so với năm trước, nhiều hơn mức tăng 0.3% của tháng 1, hay tỷ lệ hàng năm là 4.4%. Nhiều khả năng dữ liệu lao động vẫn sẽ bằng hoặc trên mức dự báo, và điều này sẽ củng cố cho việc Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới. Hiện tại thị trường cho rằng mức đỉnh lãi suất sẽ lên tới 5.75% thay vì 5.25% hồi đầu năm.
Nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng trong bối cảnh chi phí vay tăng cao sẽ cản trở đà phục hồi của giá dầu, nhất là khi nguồn cung đang có xu hướng dồi dào hơn nhu cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Đồng USD cũng đang trên đà phục hồi kể từ đầu tháng 2. Nếu dữ liệu lao động Mỹ tối nay tích cực, đồng USD có thể mạnh lên và Dollar Index có thể phá vỡ kháng cự vùng 105.8 điểm và gây sức ép tới giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)