Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/03, giá đậu tương vẫn chỉ giằng co nhẹ ngay dưới vùng kháng cự tâm lí 1500. Sau khi chạm mức chặn dưới của khoảng sideway 1480 – 1540 được thiết lập và duy trì trong suốt 3 tháng qua, giá đậu tương đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ trở lại. Mốc kĩ thuật 1480 sẽ cần được theo dõi chặt chẽ trong vài phiên tới do bối cảnh nguồn cung đang dần ổn định hơn so với giai đạon lo ngại gia tăng đối với mùa vụ ở Argentina. Đây có thể là nguyên nhân đủ mạnh để đẩy giá phá vỡ vùng hỗ trợ này.
Trước báo cáo Export Sales được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào tối này, bán hàng đậu tương trong tuần vừa rồi dự đoán sẽ chỉ đạt dưới 700,000 tấn, còn chưa đạt một nửa so với cùng kì năm ngoái. Nhu cầu của Trung Quốc suy yếu cùng với việc các lô hàng từ Brazil đang được đẩy mạnh, nông dân ưu tiên bán hàng đậu tương hơn so với ngô là yếu tố làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với nguồn cung từ Mỹ. Nếu như khối lượng bán hàng tối nay không đạt mức kì vọng thì sẽ càng củng cố triển vọng nhu cầu đậu tương Mỹ kém hơn và có thể khiến giá phá vỡ hỗ trợ 1480.
Trong khi đó, hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil (Abiove) cho biết, vụ đậu tương kỷ lục trong năm nay sẽ cho phép Brazil đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Abiove hy vọng chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào ngày 26/03 của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sẽ tăng cường quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Năm ngoái, tổng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 91 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2021, do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước này thấp hơn. Trong đó, các lô hàng đậu tương từ Brazil chiếm 54.4 triệu tấn. Tuy nhiên, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục. Điều này đồng nghĩa với việc triển vọng hoạt động xuất khẩu đậu tương năm nay của Brazil sẽ tốt hơn.

Tồn kho cà phê tại các cảng của Mỹ tiếp tục suy yếu có thể khiến giá Arabica điều chỉnh nhẹ trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/03, hai mặt hàng cà phê nối tiếp đà giảm. Dollar Index giảm sâu hơn 1% kết hợp với tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York vẫn duy trì ở mức cao trong 2 tuần gần đây đã gây sức ép khiến giá giảm 1.62% trong phiên hôm qua. Cùng với đó, Robusta ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp với 0.53% khi tồn kho trên Sở ICE London tiếp tục tăng lên 74,330 tấn, cao nhất trong 3 tháng.
Việc hạn chế bán hàng từ nông dân các nước xuất khẩu chính một lần nữa được phản ánh qua dữ liệu tồn kho cà phê tại Mỹ khi kết thúc tháng 2 vừa qua. Theo Hiệp hội Cà phê Xanh (GCA), tồn kho cà phê tại các cảng của Mỹ tiếp tục giảm thêm 159,994 bao loại 60kg trong tháng 2/2023, về mức 6.1 triệu bao. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 tháng nhưng vẫn cao hơn 330,000 bao so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, xuất khẩu đang hồi phục rất tốt trong 15 ngày đầu tháng 03 tại Brazil với mức tăng 35% so với cùng kỳ tháng trước khả năng cao sẽ giúp ức chế tác động “bullish” do thông tin về tồn kho gây ra.
Triển vọng nguồn cung cà phê cho niên vụ mới tại các quốc gia hàng đầu như Brazil và Colombia vẫn đang diễn biến tích cực với sự ủng hộ đến từ yếu tố thời tiết. Brazil chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch với sản lượng được dự kiến sẽ cao hơn 2 năm trước đó trong bối cảnh khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu hoạch và sản xuất, từ đó bổ sung nguồn cung lớn vào thị trường trong thời gian ngắn tới. Trong khi đó, mùa vụ tại Colombia đang được ủng hộ bởi lượng mưa ổn định, giúp thúc đẩy hoạt động ra hoa đồng loạt cho cây cà phê và hứa hẹn sẽ đưa đến mùa vụ bội thu hơn so với 2 năm trước đó khi những tác động cực đoạn từ La Nina đã giảm bớt đáng kể.

Giá đồng có thể giằng co trước sự không chắc chắn về lộ trình tăng lãi suất của FED và nền kinh tế hỗn loạn
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng trong phiên hôm qua, giá đồng ghi nhận nhịp hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay 16/03 một phần nhờ lực mua bắt đáy. Tuy nhiên, dự báo giá sẽ tiếp tục giằng co trong phiên tối khi Mỹ tiếp tục công bố dữ liệu kinh tế quan trọng vào tối nay và lo ngại khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa kết thúc.
Sau khi ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, Credit Suisse, đối mặt với khả năng bị vỡ nợ làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng toàn cầu, các nhà chức trách Thụy Sỹ đã vào cuộc và cam kết hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng này. Điều này đã giúp trấn an tâm lý thị trường sau đó và giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo mạnh trên thị trường tài chính trong phiên giao dịch sáng nay tại khu vực châu Á. Chỉ số Dollar Index sáng nay đã giảm sau khi tăng mạnh hơn 1% vào phiên hôm qua. Đồng USD suy yếu cũng phần nào thúc đẩy giá đồng phục hồi.
Bên cạnh đó, tối nay Mỹ sẽ tiếp tục công bố dữ liệu kinh tế mới là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, dữ liệu này cũng sẽ có ảnh hưởng phần nào tới quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong phiên họp tuần tới. Hiện các dữ liệu gần đây đều cho thấy lạm phát Mỹ đã có phần hạ nhiệt và kinh tế Mỹ chậm lại, cho thấy tín hiệu khả quan về việc Fed sẽ hạ thấp mức tăng lãi suất xuống còn 25 điểm cơ bản. Do đó, nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên sẽ làm gia tăng khả năng Fed hạ thấp mức tăng lãi suất và sẽ khiến đồng USD suy yếu, hỗ trợ phần nào lực mua đồng.

Giá dầu có thể sẽ giằng co khi thị trường chờ đợi quyết định lãi suất của ECB sau biến động tài chính
Giá dầu hồi phục với tâm lý thận trọng trong sáng nay khi mà cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng mở rộng từ Mỹ sang châu Âu.
Tác động của các chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát bắt đầu lộ rõ khi thanh khoản của toàn thị trường tài chính nói chung chịu áp lực vì mức lãi suất cao hơn. Mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư vẫn là mức tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp vào tuần sau của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang theo dõi các thông tin từ cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào hôm nay. Các quan chức hiện đang cân nhắc về mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, so với Mỹ, nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Euro phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhất là khi các quốc gia phải đối mặt với những áp lực kép từ xung đột giữa Nga – Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng.
Rất nhiều thành viên của EU có nguy cơ bước vào suy thoái khi chi phí vay tăng lên, và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Nếu mức tăng nửa điểm phần trăm được thông qua, đây sẽ là tin tức tiêu cực với triển vọng tiêu thụ dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã dự báo về tình trạng thặng dư trong nửa đầu năm nay, nên bất kỳ tin tức tiêu cực nào về bức tranh tiêu thụ cũng có thể kéo giá dầu xuống sâu hơn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)