Mở cửa phiên giao dịch ngày 01/03, giá ngô bật tăng mạnh trở lại do lực mua kĩ thuật sau chuỗi lao dốc liên tiếp trong 5 phiên trước đó. Những kỳ vọng của thị trường về nguồn cung ở Mỹ và vụ ngô thứ 2 của Brazil là nguyên nhân chính khiến cho giá đảo chiều nhanh chóng. Tuy nhiên nhu cầu có khả năng sẽ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ và hạn chế đà giảm của giá trong phiên hôm nay.
Mùa vụ ở Argentina tiếp tục trải qua căng thẳng với điều kiện hạn hán. Trước đó, BAGE đã cắt gỉm ước tính sản lượng ngô của nước này đi 3.5 triệu tấn, xuống còn 41 triệu tấn và con số nà sẽ tiếp tục bị điều chỉnh trong các báo cáo của các tổ chức khác. Trong khi đó, tại Brazil, gần 50% số ngô vụ 2 hiện sẽ được trồng ngoài khung thời gian lý tưởng. Những yếu tố này có thể được cho là các thông tin “bullish” với giá. Nhưng nếu đi sâu hơn vào triển vọng tại Brazil, mặc dù tiến độ chậm trễ nhưng điều này vẫn chưa gây ra những lo ngại quá nghiêm trọng khi lượng mưa ở bang Mato Grosso, bang sản xuất ngô safrinha lớn nhất. Độ ẩm cần thiết này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối ngô vụ 2 được trồng trái mùa trước khi bước vào đợt khô hàng năm. Xét 3 quốc gia lớn trừ Mỹ bao gồm Brazil, Argentina và Ukraine, tổng sản lượng ngô được dự báo sẽ đạt 199 triệu tấn, thấp hơn 8.6 triệu tấn so với niên vụ trước. Chính vì thế nên mặc dù kỳ vọng về mùa vụ Mỹ đang dần gia tăng khi diện tích và năng suất của nước này đều được dự báo sẽ cải thiện nhưng theo đánh giá của chúng tôi, nguồn cung hiện vẫn đang thắt chặt hơn năm ngoái và sẽ khiến cho giá ngô khó có thể giảm sâu dưới hỗ tợ tâm lí 600.
Bên cạnh đó, theo Dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động sản xuất của Trung Quốc ghi nhận mức cải thiện hàng tháng cao nhất trong hơn một thập kỷ khi các nhà máy mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nếu như ngành chăn nuôi nước này cũng ghi nhận sự hồi phục tương tự thì đây sẽ là một tín hiệu tích cực về nhu cầu ngô làm thức ăn chăn nuôi và là yếu tố “bullish” tiềm ẩn đối với giá.

Thiếu vắng thông tin cơ bản mới trên thị trường, giá cà phê khả năng cao tiếp tục giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica nối dài đà giảm sang phiên thứ 4 do Dollar Index hồi phục, Robusta quay đầu khởi sắc khi số liệu xuất khẩu suy yếu tại các nước xuất khẩu chính như Việt Nam và Indonesia.
Những thông tin cơ bản trên thị trường vẫn chưa cho thấy một bức tranh rõ ràng. Một mặt, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York giảm về mức 787,345 bao loại 60kg, thấp nhất trong vòng 2 tháng. Cùng với đó, việc hạn chế xuất khẩu tại các nước cung ứng chính như Brazil và Colombia, khó có thể giúp tồn kho có sự khởi sắc trong thời gian ngắn tới. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ giá.
Mặt khác những triển vọng tích cực về mùa vụ cà phê năm 2023 tại Brazil vẫn được duy trì dù có những sự điều chỉnh nhẹ gần đây. Các dự đoán đưa ra từ các cơ quan thuộc chính phủ như CONAB, IBGE đều cho thấy sản lượng vẫn có sự gia tăng so với năm trước đó. Đây vẫn là nhân tố quan trọng gây áp lực lên giá.

Hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ tại Trung Quốc có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 03, đồng đón nhận lực mua tích cực nhờ tín hiệu lạc quan trong hoạt động sản xuất của quốc gia tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý thị trường.
Sáng nay, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc ghi nhận mức cải thiện hàng tháng cao nhất trong hơn một thập kỷ khi các nhà máy mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 02 đã tăng lên 52.6 từ mức 50.1 vào tháng 01, đánh bại ước tính ở mức 50.6 của các nhà kinh tế và đánh dấu tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 04 năm 2012. Số đơn đặt hàng mới cũng tăng lên 54.1, mức cao nhất kể từ tháng 09/2017. Thước đo phi sản xuất, đo lường hoạt động trong cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, cũng tăng từ mức 54.4 trong tháng trước lên 56.3 vào tháng 02, tốt hơn so với mức dự kiến là 54.9.
Như vậy, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lắng xuống cùng với các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ dần có hiệu lực, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà hồi phục như kỳ vọng. Thêm vào đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5.5 – 6% trong năm nay tại cuộc họp Quốc hội thường niên khai mạc vào ngày 05/03, với kỳ vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng lớn thứ hai trong năm 2023, sau tiêu dùng. Do đó, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tăng trong thời gian tới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Tuy vậy, dự báo đà tăng của đồng có thể bị kìm hãm bởi rủi ro từ yếu tố vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn, lo ngại lãi suất cao có thể tiếp tục đẩy đồng USD mạnh lên và gây sức ép tới giá đồng trong phiên. Đồng thời, vấn đề nguồn cung giảm bớt khi Chính phủ Panama và công ty khai thác First Quantum sắp đạt được thỏa thuận mới sau khi mỏ Cobre Panama phải tạm ngừng khai thác vào ngày 23/02. Tại Chile, sau khi hỏa hoạn tại cảng Ventanas của Chile làm hư hại hai trong số bốn băng tải đồng, hiện công suất cảng đã được khôi phục từ 30-50%. Ngoài ra, lệnh phong tỏa cảng Matarani ở Peru đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho hàng hóa từ mỏ đồng Cerro Verdo được vận chuyển thuận lợi.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà phục hồi trước các tín hiệu lạc quan của kinh tế Trung Quốc
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay với lực mua áp đảo, ngay sau dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc trong tháng 2, cho thấy đà phục hồi tích cực hơn dự đoán kể sau khi quốc gia này mở cửa trở lại sau đại dịch Covid. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 02 đã tăng lên 52.6 từ mức 50.1 vào tháng 01, biểu thị sự mở rộng trong hoạt động tại các nhà máy, đánh bại ước tính ở mức 50.6 của các nhà kinh tế và đánh dấu tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 04 năm 2012. Số đơn đặt hàng mới tăng lên 54.1, mức cao nhất kể từ tháng 09/2017. Sản xuất mở rộng sẽ là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dầu thô và là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Nền kinh tế Trung Quốc tích cực hơn cũng kéo theo bức tranh sản xuất khởi sắc hơn tại các quốc gia đang phát triển khác tại khu vực châu Á. Dữ liệu PMI tại khu vực Đông Nam Á cũng tăng tích cực trong tháng 2, cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu đang tương đối đảm bảo so với nhu cầu, ít nhất là trong ngắn hạn vẫn là trở ngại đối với đà phục hồi của giá. Nếu báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào tối nay cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tiếp tục tăng, giống như dữ liệu từ Viện dầu khi Mỹ (API), thì đây sẽ là tuần tăng thứ 10 liên tiếp và giá sẽ gặp áp lực bán nhất định. Mặc dù vậy, EIA tuần trước đang cho thấy một số tín hiệu tích cực trong nhu cầu với xuất khẩu cải thiện, và tồn kho sản phẩm từ dầu tăng chậm lại. Hơn nữa, với bức tranh sản xuất phục hồi mạnh mẽ hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường từ phía Trung Quốc, các thông tin về tồn kho có thể bị lu mờ, và lực mua nhiều khả năng sẽ thắng thế trong phiên hôm nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)