Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giảm hơn 1%, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm giảm đi tác động từ việc hạn chế nguồn cung và khiến các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh phiên trước đó.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 1,02 USD, tương đương 1,2%, xuống 83,05 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 3/2023 – đáo hạn vào ngày 22/2/2023 - giảm 18 US cent tương đương 0,2% xuống 76,16 USD/thùng, trong khi dầu WTI kỳ hạn tháng 4/2023 giảm 19 US cent, tương đương 0,2%, xuống 76,27 USD/thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết biến động giá hôm nay "dường như mang tính kỹ thuật hơn". “Chúng ta có vẻ đang dần quên đi những lo ngại cũ, rằng đồng đô la sẽ mạnh lên, và về tình hình lãi suất.”
Đồng bạc xanh tăng giá khiến dầu tính bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đầu phiên, thị trường tăng giá, với dầu Brent chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn sau khi các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh ở châu Âu và Anh tốt hơn mong đợi, chứng tỏ triển vọng kinh tế châu Âu ít ảm đạm hơn so với lo ngại trước đây.
Hôm thứ Hai, giá dầu tăng hơn 1% do lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc mà các nhà phân tích kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay sau khi các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ.
Việc thị trường Mỹ nghỉ lễ trong ngày thứ Hai khiến hợp đồng WTI không được giao dịch trong phiên đó, và cũng làm chậm một ngày báo cáo tồn kho dầu hàng tuần của ngành cũng như báo cáo chính thức của Mỹ.
Tuy nhiên, các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn đã hỗ trợ giá.
Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày tương đương 5% sản lượng trong tháng 3/2023, sau khi các nước phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu và sản phẩm dầu của Nga do xung đột Nga-Ukraine. Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết hôm thứ Ba, việc cắt giảm được công bố trong tháng này sẽ chỉ áp dụng cho sản lượng tháng 3.
Nga là thành viên của nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, vào tháng 10 đã đồng ý để cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Riêng về thị trường khí đốt tự nhiên, các nhà quản lý Mỹ đã phê duyệt việc khởi động lại một phần cơ sở của Freeport LNG tại Texas, nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của Mỹ, đã bị đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn vào tháng Sáu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi các nhà đầu tư chuyển sự tập trung chú ý sang số liệu kinh tế của Mỹ - sẽ công bố vào cuối tuần này, để biết thêm manh mối về quỹ đạo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.832,78 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2023 giảm 0,4% xuống 1.842,5 USD/ounce.
Giá bạc phiên này tăng 0,3% lên 21,80 USD/ounce, bạch kim tăng 1,7% lên 942,08 USD và palladium tăng 0,7% lên 1.520,85 USD.
Chỉ số đồng USD tăng lên gần mức cao nhất trong 6 tuần, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền khác. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao nhất trong hơn ba tháng.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: “Có những yếu tố tác động từ bên ngoài làm giảm giá, và cũng có một số lo ngại rủi ro sâu sắc hơn trên thị trường mà tại thời điểm này trong ngày đang tác động ngược lại với vàng và bạc”.
Các nhà giao dịch cũng đang chờ Ủy ban Thị trường mở liên bang công bố biên bản cuộc họp mà các nhà phân tích thị trường cho rằng có thể cho thấy Fed tiếp tục tăng lãi suất. Những người tham gia thị trường tiền tệ thấy mức lãi suất cao nhất sẽ là 5,3% vào tháng 7 và duy trì như vậy cho tới gần hết năm. Lãi suất và lợi suất trái phiếu cao không khuyến khích các nhà đầu tư bỏ tiền vào các tài sản không sinh lãi như vàng.
Ngoài ra, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm và chỉ số giá PCE cốt lõi dự kiến được công bố vào thứ Sáu.
Commerzbank đã hạ mức dự báo về giá vàng xuống còn 1.800 USD/ounce trong nửa đầu năm 2023, nhưng dự kiến sẽ tăng dần lên 1.950 USD/ounce trong nửa cuối năm.
Dữ liệu hải quan Thụy Sĩ cho thấy Thụy Sĩ đã gửi 58,3 tấn vàng trị giá 3,3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,6 tỷ USD) tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1, mức cao nhất trong bất kỳ tháng nào trong hồ sơ kéo dài từ năm 2012.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng lên mức cao hơn hơn 1 tuần do lo ngại về việc cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc, song tồn trữ tăng đã hạn chế đà tăng giá.
Kết thúc phiên này, giá nhôm trên sàn London tăng 0,3% lên 2.465 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/2/2023 (2.485 USD/tấn).
Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã yêu cầu các nhà sản xuất nhôm giảm tiêu thụ điện năng 40-42% so với mức của tháng 9/2022.
Nhà phân tích Geordie Wilkes của Sucden Financial cho biết: “Giá nhôm được hỗ trợ bởi triển vọng cắt giảm công suất tại Trung Quốc do thiếu điện. Điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng khi nhu cầu theo mùa bắt đầu tăng trong tháng 3/2023”.
Các nhà phân tích ước tính việc cắt giảm sản lượng tại các nhà máy luyện kim của Trung Quốc kể từ giữa năm 2022, sẽ khiến nguồn cung tại Trung Quốc giảm xuống dưới 40 triệu tấn vào cuối tháng 2/2023. Tuy nhiên, tồn trữ nhôm tại London tăng gần gấp đôi kể từ ngày 6/2/2023 lên 581.300 tấn, và tồn trữ nhôm tại Thượng Hải tăng 360% kể từ cuối tháng 12/2022 lên 249.598 tấn.
Giá đồng phiên này tăng 0,3% lên 9.172,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/2/2023, là 9.211,5 USD/tấn. Giá đồng tăng nhưng vẫn chịu áp lực bởi đồng USD mạnh lên.
Đối với các kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm 0,5% xuống 3.110,50 USD/tấn, chì giảm 0,5% xuống 2.144 USD, thiếc tăng 3,1% lên 27.530 USD và niken tăng 0,6% lên 27.095 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore tăng vượt 130 USD/tấn, sau khi công ty khai thác quặng lớn nhất thế giới, BHP Group, nhận định nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới – Trung Quốc – khả quan.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Đại Liên tăng 3,4% lên 919 CNY (133,8 USD)/tấn, trước đó trong phiên đạt 922 CNY/tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2021; quặng sắt kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Singapore tăng hơn 11 USD tương đương 9% lên 139,8 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2022. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,1%, thép cuộn cán nóng tăng 1,4%, thép cuộn tăng 3% và thép không gỉ tăng 1,6%.
Atilla Widnell, Giám đốc điều hành của Navigate Commodities cho biết: “Những dấu hiệu mong manh về sự phục hồi nhu cầu thép của Trung Quốc dường như đang dần rõ nét, khi xu hướng giá tăng kéo dài sang tuần thứ hai liên tiếp”. "Nếu xu hướng này kéo dài trong tuần thứ ba liên tiếp điều này sẽ tiếp tục củng cố sự lạc quan mới xung quanh câu chuyện mở cửa trở lại của Trung Quốc."
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ tăng lên mức cao nhất 1 tuần, trong khi giá dầu đậu tương đạt mức cao nhất 1 thán, do lo ngại hạn hán ảnh hưởng đến triển vọng cây trồng tại Argentina.
Kết thúc phiên, trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 21-1/2 US cent lên 15,48-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 15,49 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 13/2/2023; dầu đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/1/2023; giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 2-3/4 US cent lên 6,8-1/2 USD/bushel, riêng lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 15 US cent xuống 7,5-1/2 USD/bushel do chịu áp lực bởi đồng USD tăng và cạnh tranh xuất khẩu từ các nhà cung cấp Biển Đen.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn New York giảm 0,08 US cent tương đương 0,4% xuống 21,33 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn London giảm 1 USD tương đương 0,2% xuống 568,9 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, mặc dù có mức giảm nhẹ, nhưng đường tiếp tục nhận được hỗ trợ từ tin đồn sản lượng ở Ấn Độ sẽ giảm nhanh trong mùa này do mía chín sớm và giảm trọng lượng. Họ lưu ý rằng Alvean, nhà kinh doanh đường lớn nhất thế giới, đang dự báo sản lượng của Ấn Độ ở mức 33,5 triệu tấn, trong khi nhiều người khác dự đoán mức này thậm chí còn thấp hơn.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE tăng hơn 2% lên mức cao nhất gần 4 tháng, do thị trường hàng hóa tiếp tục hồi phục từ mức giảm mới đây. Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE tăng 4,1 US cent tương đương 2,2% lên 1.8985 USD/lb – cao nhất kể từ giữa tháng 10/2022; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn London tăng 16 USD tương đương 0,8% lên 2.133 USD/tấn
Giá cà phê được hỗ trợ chủ yếu bởi lo ngại giá cà phê physical tăng mạnh tại các nước sản xuất hàng đầu là Brazil và Colombia.
Nông dân trồng cà phê Brazil đã bán 78% sản lượng của vụ mùa hiện tại (23/2022, từ tháng 7 đến tháng 6) trước ngày 15 tháng 2, tốc độ bán chậm hơn so với thời điểm này năm ngoái (86%), công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 3 liên tiếp theo xu hướng giá tại Thượng Hải trong bối cảnh USD yếu đi. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn Osaka tăng 2,3 JPY tương đương 1% lên 225 JPY (1,67 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 100 CNY lên 12.580 CNY (1.831 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Singapore cũng tăng 0,4% lên 139,8 US cent/kg.
Một cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy vào thứ Ba, hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong tháng 2 giảm mạnh nhất trong 30 tháng, một dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khi đang phải đối mặt với nhu cầu suy yếu và đấu tranh để chế ngự áp lực chi phí.
Giá hàng hóa thế giới:

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)