Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Mỹ và nhu cầu dầu, mặc dù dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Trong phiên liền trước, cả hai loại dầu chuẩn đã giảm hơn 3% sau bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến sau dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 63 cent, tương đương 0,8%, xuống 82,66 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 92 cent, tương đương 1,2%, xuống 76,66 USD/thùng.
Andrew Lipow, chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates, cho biết: “Giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm do những bình luận từ Fed cho thấy lãi suất của Mỹ sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn”.
Đồng đô la mạnh lên cũng hạn chế giá dầu vào đầu phiên. Nhận xét của Powell đã đẩy đồng đô la Mỹ, vốn thường giao dịch ngược với giá dầu, đạt mức cao nhất trong ba tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần trước, so với ước tính của các nhà phân tích là tăng 395.000 thùng. Dữ liệu vào cuối ngày thứ Ba cho thấy lượng dầu thô tồn kho giảm lần đầu tiên sau 10 tuần tăng.
Dự trữ xăng của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng, theo dữ liệu chính thức, thấp hơn dự báo 1,8 triệu thùng, làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu. Tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 138.000 thùng, so với kỳ vọng giảm 1 triệu thùng.
Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2023 từ 6 USD xuống còn 92 USD/thùng và đối với WTI từ 7 đô la xuống còn 87 đô la, "chủ yếu là do nguồn cung của Nga ổn định hơn dự kiến".
"(Chúng tôi) dự đoán nhu cầu hàng không dân dụng tiếp tục phục hồi ở Trung Quốc và các nước láng giềng, hoạt động công nghiệp ổn định và tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC + chậm lại sẽ khiến cán cân thị trường dầu mỏ thâm hụt vào cuối năm nay", ngân hàng cho biết thêm.
Các bộ trưởng và giám đốc điều hành dầu mỏ tiếp tục tranh luận về tình trạng thắt chặt nguồn cung tại một hội nghị ở Houston, với việc Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt của Ăng-gô-la nói rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không cần phải tăng sản lượng để bù đắp cho việc Nga cắt giảm 500.000 thùng mỗi ngày. .
Trong khi đó, một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ cho biết họ đã đưa ra lại luật để gây áp lực buộc OPEC ngừng cắt giảm sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cũng nói rằng bất kỳ đợt xả thêm nào từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ sẽ là do sự gián đoạn như chiến tranh ở Ukraine.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng vững sau khi giảm gần 2% trong phiên trước đó đồng USD tăng cao, với nhu cầu đối với tài sản không sinh lãi do Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay gần như không đổi ở mức 1.813,85 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/2 – là 1.809,27 USD; giá vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 0,1% xuống 1.818,60 USD.
Giá bạc phiên này giảm 0,1% xuống 20,04/unce, bạch kim tăng 0,9% lên 937,76 USD và palladium giảm 1,4% xuống 1.367,33 USD.
Đồng USD ở gần mức cao nhất trong nhiều tháng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Nicky Shiels, người phụ trách bộ phận chiến lược kim loại thuộc MKS PAMP SA, cho biết: “Vàng có thể tăng giá nhiều hơn nếu có thêm những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất."
Ông Powell hôm thứ Tư đã tái khẳng định thông điệp của ông về việc tăng lãi suất cao hơn và có khả năng nhanh hơn, nhưng nhấn mạnh rằng cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và quyết định sẽ dựa trên dữ liệu có trước cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ trong hai tuần nữa. Vàng đã giảm gần 2% sau bình luận của ông Powell vào thứ Ba.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng sau 2 phiên giảm trong bối cảnh có dấu hiệu nguồn cung hạn chế và đồng USD yếu đi khiến kim loại này trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Đồng USD giảm nhẹ từ mức cao nhất 3 tháng đạt được trước đó trong ngày khi các nhà đầu tư điều chỉnh triển vọng lãi suất tăng hơn nữa trong thời gian dài hơn sau những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Ba và thứ Tư.
Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng tăng 1,6% lên 8.903,0 USD/tấn lúc kết thúc phiên 8/3, sau khi giảm 2,4% trong hai ngày đầu tuần.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 0,2% lên 2.354 USD/tấn. “Các nhà máy luyện nhôm ở tỉnh Vân Nam [tây nam Trung Quốc] được cho là đã hoàn thành việc cắt giảm sản lượng cần thiết và chúng tôi sẽ bắt đầu chú ý đến sản xuất trong khu vực trong những tuần tới,” Sucden Financial viết trong một lưu ý về nhôm.
Giá kẽm tăng 1,0% lên 2.982 USD, chì tăng 0,3% lên 2.094 USD, trong khi thiếc giảm 2,0% xuống 23.700 USD và niken giảm 1,1% xuống 23.875 USD.
Dan Smith, người phụ trách bộ phận nghiên cứu của Amalgamated Metal Trading, cho biết: “Thị trường đồng vẫn còn khá khan hiếm về nguồn cung. "Mọi thứ đã được cải thiện về nguồn cung từ Peru, nhưng thị trường tinh quặng đồng vẫn còn khan hiếm."
Các mỏ ở Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, đang bắt đầu vận chuyển tinh quặng đồng của họ đến các cảng để xuất khẩu sau ba tháng biểu tình phản đối đã cản trở việc vận chuyển. Tuy nhiên, một số cộng đồng địa phương đe dọa sẽ bắt đầu đợt phong tỏa mới trong tuần này đối với đường cao tốc quan trọng được sử dụng bởi các nhà sản xuất đồng ở Peru.
Tại một quốc gia sản xuất đồng khác, Panama, chính phủ và First Quantum Minerals của Canada đã đồng ý về một dự thảo hợp đồng vận hành một mỏ chính. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến cộng đồng trong 30 ngày, nhưng dự kiến mỏ sẽ tiếp tục xử lý quặng trong vài ngày tới.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tiếp tục tăng vào thứ Tư khi những người tham gia thị trường đặt cược vào triển vọng nhu cầu thép sẽ tăng khi Trung Quốc bước vào mùa xây dựng cao điểm. Tuy nhiên, giá quặng sắt trên sàn Singapore chịu áp lực giảm nhẹ sau khi Chủ Fed Powell phát biểu rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên ở mức tăng 0,83% lên 912 nhân dân tệ (130,95 USD)/tấn, sau khi tăng 1,34% vào thứ Ba. Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 4 ở mức 126,8 USD/tấn, giảm 0,13% so với phiên liền trước.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,26% lên 4.249 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng đi ngang và dây thép cuộn giảm 0,22%.
Các nhà phân tích thuộc Everbright Futures cho biết: "Xu hướng xuất khẩu [thép] tăng đáng kể đã giúp giảm áp lực nguồn cung ở thị trường nội địa. Ngoài ra, điều đó còn thúc đẩy niềm tin của các nhà máy trong việc giữ giá ổn định". Giá thép không gỉ giảm 2,06%.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng ANZ cho biết: "Những bình luận từ các ngân hàng trung ương về việc tích cực tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến tâm lý trên khắp các thị trường. Hàm ý tránh rủi ro sau đó đã khiến hàng hóa chịu áp lực".
Trung Quốc đã nhập khẩu 194 triệu tấn quặng sắt trong hai tháng đầu năm 2023, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu hải quan cho thấy hôm thứ Ba. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay trong hai tháng cộng lại, theo tính toán của Reuters.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng do kỳ vọng về một thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và nhu cầu tiếp tục yếu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Giá ngô phiên này cũng giảm sau khi chính phủ Mỹ ước tính nguồn cung ngô trong nước sẽ lớn hơn dự kiến. Riêng giá đậu tương tăng do USDA cắt giảm ước tính sản lượng đậu tương Argentina xuống 33 triệu tấn so với dự đoán trước đó là 41 triệu tấn, mức cắt giảm sâu hơn hơn những gì các nhà phân tích mong đợi.
Trên sàn Chicago, lúa mì đỏ mềm vụ đông của Mỹ kỳ hạn giao tháng 5 giảm 10-1/2 cents xuống 6,87-1/2 USD/bushel; giá ngô giảm 8-3/4 cent xuống 6,25-1/2 USD/bushel. Riêng giá đậu tương phiên này tăng 2,5 US cent lên 15,17-3/4 USD/bushel.
Thị trường lúa mì Mỹ đang chịu áp lực từ cạnh tranh xuất khẩu của Nga và kỳ vọng rằng hành lang ngũ cốc thời chiến từ Ukraine sẽ được mở rộng sau tháng này, làm tăng nguồn cung toàn cầu sẵn có.
Giá đường thô giao tháng 5 giảm 0,14 cent, tương đương 0,7%, xuống 20,88 cent/lb, giảm khỏi mức cao đạt được hôm thứ Ba là 21,25 cent; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 2,20 USD, tương đương 0,4%, xuống 586,00 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn được củng cố bởi triển vọng sản lượng giảm ở Ấn Độ, điều này có thể hạn chế xuất khẩu thêm trong mùa này, nhưng họ lưu ý triển vọng mới ở Brazil sẽ được cải thiện.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần vào thứ Tư, một phần do nguồn cung ngắn hạn được cải thiện trên thị trường hàng thực.
Kết thúc phiên, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 5,2 cent, tương đương 2,8%, xuống 1,7735 USD/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất trong ba tuần là 1,7575 USD; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 7 USD, tương đương 0,3%, lên 2.159 USD/tấn.
Các đại lý cho biết nguồn cung ngắn hạn được cải thiện ở Brazil, Colombia và Honduras đã gây áp lực giảm giá. Họ cũng lưu ý rằng thời tiết thuận lợi hơn đã thúc đẩy triển vọng cvụ mùa 2023/24 của Colombia.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Tư do thị trường chứng khoán trong nước suy yếu bởi triển vọng Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn làm giảm nhu cầu đối với tài sản rủi ro, trong khi đồng yên yếu đi và giá dầu ổn định đã hỗ trợ phần nào cho thị trường.
Cao su giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên giảm 0,8 yên, tương đương 0,4%, xuống 224,2 yên (1,63 USD)/kg. Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 45 NDT, tương đương 0,4% xuống 12.390 CNY (1.777,26 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore ggiảm 1,4% xuống 137,2 US cent/kg.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản giảm 0,25%. Đồng yên Nhật giảm 0,1% so với đồng USD xuống 137,24 JPY, chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12. Đồng yên yếu hơn khiến các tài sản bằng đồng yên trở nên hợp lý hơn khi mua bằng các loại tiền tệ khác.
Thị trường cao su thiên nhiên bị cản trở bởi giá dầu giảm do các nhà sản xuất không có động lực chuyển từ cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ, khiến giá cao su thiên nhiên giảm.
Giá hàng hóa thế giới:

 

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

76,49

-0,17

-0,22%

Dầu Brent

USD/thùng

82,51

-0,15

-0,18%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

67.140,00

-580,00

-0,86%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,60

+0,05

+1,80%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

268,50

-0,39

-0,14%

Dầu đốt

US cent/gallon

273,69

-0,50

-0,18%

Dầu khí

USD/tấn

807,50

-1,50

-0,19%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

75.000,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.816,60

-2,00

-0,11%

Vàng TOCOM

JPY/g

7.980,00

-24,00

-0,30%

Bạc New York

USD/ounce

20,05

-0,10

-0,50%

Bạc TOCOM

JPY/g

89,00

-0,70

-0,78%

Bạch kim

USD/ounce

940,43

+0,21

+0,02%

Palađi

USD/ounce

1.374,70

-2,36

-0,17%

Đồng New York

US cent/lb

402,70

0,00

0,00%

Đồng LME

USD/tấn

8.910,50

+147,00

+1,68%

Nhôm LME

USD/tấn

2.354,00

+4,00

+0,17%

Kẽm LME

USD/tấn

2.975,00

+21,00

+0,71%

Thiếc LME

USD/tấn

23.742,00

-435,00

-1,80%

Ngô

US cent/bushel

625,50

0,00

0,00%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

684,00

-3,50

-0,51%

Lúa mạch

US cent/bushel

349,00

0,00

0,00%

Gạo thô

USD/cwt

16,35

+0,06

+0,37%

Đậu tương

US cent/bushel

1.518,25

+0,50

+0,03%

Khô đậu tương

USD/tấn

487,80

+2,10

+0,43%

Dầu đậu tương

US cent/lb

59,24

+0,16

+0,27%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

806,10

-2,00

-0,25%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.729,00

-27,00

-0,98%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

177,35

-5,20

-2,85%

Đường thô

US cent/lb

20,88

-0,14

-0,67%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

231,25

-8,55

-3,57%

Bông

US cent/lb

82,62

-0,15

-0,18%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

412,50

+0,80

+0,19%

Cao su TOCOM

JPY/kg

136,90

-0,90

-0,65%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)