Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tăng theo giá dầu diesel trong bối cảnh lo ngại nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của EU đối với dầu thô Nga.
Kết thúc phiên này, dầu Brent trên sàn London giá tăng 44 US cent tương đương 0,4% lên 107,58 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 48 US US cent lên 105,17 USD/thùng.
Giá dầu dieslel trên thị trường Mỹ tiếp tục tăng 5% lên 4,0172 USD/gallon do nguồn cung trên toàn cầu giảm, đẩy giá dầu WTI và Brent tăng theo.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates ở Galena, Illinois cho biết: “Giá dầu diesel tăng là động lực chính đẩy giá dầu thô và các sản phẩm khác tăng theo.
Trước đó, có lúc giá cả 2 loại dầu đều giảm hơn 2 USD do thông tin Ủy ban châu Âu có thể miễn cho Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga. Được biết, EC đang chuẩn bị hoàn tất kế hoạch trừng phạt tiếp theo đối với Nga vào ngày thứ ba (3/5/2022).
Theo hai nhà ngoại giao EU, EU đang hướng tới việc cấm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, sau cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU vào cuối tuần qua.
Hungary sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ biện pháp nào do Liên minh châu Âu chuẩn bị vì nếu nước này không nhập dầu Nga có thể gây nguy hiểm cho an ninh của nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt của họ, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto cho biết, nhắc lại quan điểm của nước này hôm thứ Hai với kênh truyền hình RTL.
Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu/ngày của Nga xuất khẩu sang EU. Nga cung cấp khoảng một phần tư lượng dầu nhập khẩu của khối vào năm 2020.
Về phía cầu, hoạt động của các nhà máy ở Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần hai năm vào tháng 4, theo một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) vào hôm thứ Hai. Chỉ số ISM của hoạt động nhà máy quốc gia đã giảm xuống mức 55,4 vào tháng 4, mặc dù vẫn ở trên ngưỡng 50 – ngưỡng được coi là một dấu hiệu của sự mở rộng.
Phil Flynn, nhà phân tích thị trường tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết: “Dữ liệu kinh tế của Mỹ vẫn cho thấy sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, khác xa so với con số suy thoái”.
Các thị trường ở Nhật Bản, Anh, Ấn Độ và khắp Đông Nam Á đã đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai.
Trung Quốc hôm thứ bảy công bố dữ liệu cho thấy hoạt động của nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2020 do sự cố ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch COVID-19.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất gần 3 tháng do triển vọng Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến khiến USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh.
Giá vàng giao ngay phiên này kết thúc giảm 1,6% xuống 1.865,31 USD/ounce, trước đó có lúc chạm 1.854,36 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 16/2/2022; vàng giao sau cũng giảm 2,5% xuống 1.863,6 USD/ounce.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất 20 năm, trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng toàn cầu và kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng của Blue Line Futures ở Chicago cho biết: “Yếu tố đang gây áp lực lên thị trường vàng là đồng đô la mạnh hơn và lợi suất trong bối cảnh lo ngại rằng Fed có thể ‘diều hâu’ hơn”.
Ông nói thêm: “Hoạt động kinh tế của Trung Quốc với dữ liệu sản xuất tại các nhà máy giảm xuống mức thấp cũng kéo thị trường kim loại đi xuống”.
Các nhà đầu tư theo dõi sát sao cuộc họp hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của ngân hàng trung ương Mỹ, dự kiến bắt đầu vào ngày 3 tháng 5.
Số liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ, đưa ra ngày 2/5, không tạo ra sự hỗ trợ cho vàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 6/3. Giới đầu tư dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. 
Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Mỹ tăng từ 58,8 trong tháng Ba lên 59,2 trong tháng Tư, tỷ lệ tăng cao nhất kể tháng 9/2021. Tuy nhiên, chỉ số PMI tháng Tư thấp hơn so với kết quả sơ bộ 59,7 trước đó.
Về những kim loại quý khác, giá bạc hiên này giảm 0,8% xuống 22,57 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2022; giá bạch kim cũng giảm 6,8 USD (0,72%), đóng cửa ở mức 932,8 USD/ounce; giá palladium giảm 4,6% xuống 2.214,58 USD. 
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần do thị trường dầu thô cuối tuần trước giảm giá giảm và thời vụ gieo hạt tại Mỹ bị chậm lại có thể khiến người nông dân chuyển sang trồng nhiều đậu tương hơn.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 39-1/2 US cent xuống 16,45-1/4 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/4/2022. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 10 US cent xuống 8,03-1/2 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 1/4 US cent xuống 10,55-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,3 US cent tương đương 1,6% xuống 18,85 US cent/lb – thấp nhất kể từ ngày 18/3/2022 (18,69 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Giá cà phê arabica giảm gần 3%, do đồng USD tăng mạnh thúc đẩy doanh số bán từ các nhà sản xuất và hạn chế các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác mua vào. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 6,2 US cent tương đương 2,8% xuống 2,159 USD/lb – thấp nhất 1 tháng (2,1455 USD/lb) trong tuần trước.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư mua vào kiếm lời trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày, song mối lo ngại nhu cầu tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – suy giảm, bởi các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt đã hạn chế đà tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Osaka tăng 3,9 JPY tương đương 1,7% lên 253,5 JPY (2 USD)/kg. Tuần trước, giá cao su chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/3/2022. Sàn giao dịch Osaka sẽ đóng cửa từ ngày 3-5/5/2022.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)