Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 3% do thị trường xuất hiện các dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang trở nên khan hiếm trước mùa du lịch Hè ở Mỹ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tranh cãi với Hungary về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu Nga do cuộc xung đột tại Ukraine.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 3,37 USD tương đương 3% lên 117,4 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,76 USD, tương đương 3,4%, lên 114,09 USD/thùng.
Với kết quả này, dầu Brent ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp và khép phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 25/3. Trong khi giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 23/3.
Đà tăng của thị trường năng lượng diễn ra sau khi Phố Wall tăng điểm và đồng USD suy yếu so với rổ tiền tệ, điều này làm cho giá dầu rẻ đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Các yếu tố khác cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên này. Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đang chuẩn bị mở cửa trở lại sau 2 tháng phong tỏa xã hội, trong khi mùa du lịch cao điểm ở Mỹ bắt đầu với kỳ nghỉ lễ Tưởng Niệm (Memorial Day) bắt đầu vào cuối tuần này. Lễ Tưởng niệm diễn ra vào ngày thứ Hai (30/5).
Nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty dữ liệu và phân tích OANDA (Mỹ), Edward Moya, cho biết: “Giá dầu thô tăng do thị trường dầu mỏ thắt chặt và điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh các kho dự trữ của Mỹ giảm dần.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty dịch vụ dầu khí PVM Oil (Vương quốc Anh) cho biết: “Các yếu tố cơ bản đang hỗ trợ giá dầu và giá dự báo sẽ tăng hơn nữa khi các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu Nga được tất cả các bên liên quan tán thành”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tin tưởng có thể đạt được một thỏa thuận trước cuộc họp tiếp theo của Hội đồng vào ngày 30/5. Hungary vẫn là một trở ngại, khi các lệnh trừng phạt của EU đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí. Hungary đang xin khoảng 750 triệu Euro (tương đương 800 triệu USD) để nâng cấp các nhà máy lọc dầu và mở rộng đuòng ống dẫn từ Croatia. Tuy nhiên, ngay cả khi không có lệnh cấm vận chính thức, lượng dầu Nga sẵn có vẫn ít hơn nhiều khi người mua và các đơn vị kinh doanh né tránh các nhà cung cấp của Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm từ 524 triệu tấn trong năm 2021 xuống 480-500 triệu tấn trong năm nay.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 2/6 tới và dự kiến sẽ duy trì thỏa thuận của năm ngoái là nâng mục tiêu sản lượng tháng 7 thêm 432,000 thùng/ngày, bỏ qua lời kêu gọi của phương Tây là tăng sản lượng nhanh hơn để kiểm soát giá dầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do khi kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ một cách tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng. Thị trường chứng khoán hồi phục cũng góp phần gây áp lực lên giá.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,18% xuống 1.849,52 USD/ounce, vàng kỳ hạn tăng 0,07% lên 1.847,6 USD/ounce. Giới phân tích cho rằng giá vàng chịu tác động hạn chế một phần do các chỉ số chứng khoán Mỹ ổn định trong tuần này.
Biên bản cuộc họp chính sách hai ngày tháng 5 của Fed được thông báo ngày 25/5 cho thấy phần lớn những người tham gia ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp tháng Sáu và tháng Bảy tới. Tuy vậy, giới đầu tư không tỏ ra ngạc nhiên về thông báo này. Các chuyên gia cho rằng biên bản trên không tác động nhiều tới giới đầu tư và thị trường bắt đầu nhận ra Fed sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát”.
Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn như hiện nay, nhưng vàng cũng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ bởi lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm trong tuần trước, phù hợp với thị trường lao động vẫn đang hạn chế giữa bối cảnh nhu cầu lao động tăng mạnh dù lãi suất tăng và các điều kiện tài chính siết chặt hơn.
Vàng hạn chế đà sụt giảm, giữa bối cảnh đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong một tháng và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Tư.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 21,92 USD/ounce, bạch kim tăng 0,7% lên 949,85 USD/ounce, trong khi palladium tăng 0,2% lên 2.010,26 USD/ounce .
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do lo ngại về các hạn chế Covid-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – và tác động của lạm phát toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,03% xuống 9.370 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần (9.277 USD/tấn). Tính từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá đồng giảm 14% từ mức cao kỷ lục (10.845 USD/tấn).
Giá nickel đầu phiên vừa qua tăng 4,2% trước khi giảm trở lại mức 27.010 USD, vẫn tăng 0,8% so với phiên liền trước.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 0,5% xuống 2.860,50 USD / tấn, kẽm giảm 0,2% xuống 3.744 USD và thiếc giảm 1,8% xuống 33.450 USD sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/5, trong khi chì tăng 1,2% lên 2.128 USD.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do nhu cầu hạ nguồn giảm trong khi các nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới quý 2/2022 tăng chậm lại do các biện pháp hạn chế chống Covid-19.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên giảm 0,8% xuống 834 CNY/tấn vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc giảm 4,1% xuống 806 CNY (119,99 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 19/5/2022. Giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 4.505 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 4.632 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2022 giảm 0,4% xuống 18.530 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng 2,7% lên mức cao nhất 3 tháng do dự báo thời tiết có thể làm chậm thêm tiến độ gieo trồng, giá ngô giảm do xuất khẩu thấp, trong khi lúa mì cũng tăng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 45-1/2 US cent lên 17,26-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 24/2/2022; lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 5 US cent xuống 11,43-1/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì mùa xuân giao cùng kỳ hạn tăng 11-3/4 US cent lên 12,92-1/4 USD/bushel; giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 7-1/4 US cent xuống 7,65 USD/bushel.
Giá đường thô phiên này chạm mức thấp nhất gần 2 tuần, do lo ngại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – sẽ nỗ lực giảm giá năng lượng. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,14 US cent tương đương 0,7% xuống 19,54 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/5/2022 (19,27 US cent/lb); đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 1,5 USD tương đương 0,3% lên 565,4 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 9,55 US cent, tương đương 4,4%, lên 2,266 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 19 USD tương đương 0,9% lên 2.107 USD/tấn.
Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam giữ vững trong bối cảnh giao dịch trầm lắng do tồn trữ thấp, trong khi hoạt động giao dịch tại thị trường Indonesia trở nên sôi động do nguồn cung và nhu cầu tăng. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 250-270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 230-270 USD/tấn cách đây 1 tuần. Giá cà phê robusta Indonesia, loại 4 (80 hạt lỗi), chào bán ở mức trừ lùi 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 và tăng so với mức trừ lùi 200 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do số liệu dịch vụ doanh nghiệp trong nước làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát và triển vọng nhu cầu suy giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka giảm 1,2 JPY xuống 246,4 JPY (1,94 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 12/5/2022 (248,8 JPY/kg) trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 170 CNY lên 13.255 CNY (1.969,66 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/4/2022 (13.260 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch. Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Singapore tăng 1,3% lên 163,8 US cent/kg.