Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong hai tháng sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 và các thương nhân dự đoán Liên minh Châu Âu cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7 (sẽ đáo hạn trong ngày 31/5) đóng cửa tăng 2,24 USD hay 1,9% lên 121,67 USD/thùng; thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ, giao dịch trầm lắng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định rằng yếu tố chính hỗ trợ đà tăng giá dầu trong phiên này là việc thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sắp dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại ở Trung Quốc.
Thành phố Thượng Hải thông báo kết thúc việc phong tỏa kéo dài hai tháng và sẽ cho phép hoạt động gần như trở lại bình thường từ ngày 1/6. Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào hai ngày 30 - 31/5 (giờ địa phương) để thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại công ty môi giới đầu tư TD Securities (Canada) cho biết EU đã đàm phán về điều này trong hơn một tháng qua, nhưng thị trường ngày càng định giá vào các biện pháp trừng phạt bổ sung như một rủi ro đối với giá dầu.
Các nước thành viên EU chưa đạt được đồng thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, mặc dù đã kéo dài các cuộc đàm phán vào phút chót trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, bản dự thảo kết luận hội nghị thượng đỉnh cho thấy các nhà lãnh đạo của 27 nước EU sẽ đồng ý theo nguyên tắc một lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, trong khi để lại các nội dung chi tiết cùng các quyết định cứng rắn.
Bất kỳ lệnh cấm vận mới nào đối với dầu của Nga sẽ khiến thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt về nguồn cung thêm phần căng thẳng, giữa bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay tăng cao trước mùa cao điểm đi lại ở Mỹ và châu Âu.
Càng khiến thị trường thêm bất an là việc một số nguồn tin thân cận cho hay, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) bao gồm Nga sẽ từ chối lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng sản lượng hơn nữa tại cuộc họp vào thứ Năm tuần này (2/6).
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng nhẹ do USD yếu đi và các nhà đầu tư giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.854,49 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng đang hướng tới tháng sụt giảm thứ hai liên tiếp.
Phiên này, chỉ số đồng USD chạm mức thấp nhất trong hơn một tháng, khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ chốt phiên cuối tuần trước chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất trong sáu tuần.
Nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty tư vấn OANDA (Mỹ), Craig Erlam ,cho biết, nếu lo ngại kinh tế tiếp tục đè nặng lên lợi suất trái phiếu, vàng có thể tiếp tục đà tăng, với mốc cản đầu tiên là 1.870 USD/ounce và sau đó tiến tới mức 1.900 USD/ounce. Theo ông, tâm lý trên thị trường vẫn rất mong manh nhưng nếu nhiều người tập trung vào sự xấu đi của triển vọng kinh tế thay vì kế hoạch tăng lãi suất, vàng có thể tiếp tục đi lên.
Các nhà đầu tư hiện đang dự đoán kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ chậm lại sau khi Fed tăng lãi suất vào tháng Sáu và tháng Bảy tới.
Tuy nhiên, một quan chức của Fed, ông Christopher Waller, cho biết, Fed có thể chuẩn bị cho việc tăng lãi suất khoảng 0,5 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp từ này cho đến khi lạm phát được kiềm chế một cách dứt khoát.
Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và là thiên đường trú ẩn an toàn trong thời gian bất ổn chính trị và tài chính, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lời.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,6%, xuống 21,96 USD/ounce; bạch kim tăng 0,2%, lên 955,66 USD/ounce, trong khi palladium giảm 1,2%, xuống 2.038,03 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kẽm tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tuần do dự đoán nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19, lượng kẽm tồn trữ thấp và đồng USD giảm.
Giá kẽm trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên này tăng 1,2% lên 3.891 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 3.995,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 5/5. Tồn trữ kẽm được đảm bảo bởi LME ở mức 84.700 tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Tình trạng thiếu hụt kẽm đặc biệt nghiêm trọng ở Châu Âu vẫn tiếp diễn do giá điện cao kỷ lục dẫn tới phải cắt giảm sản lượng. Châu Âu chiếm khoảng 15% công suất sản xuất kẽm tinh luyện trên toàn cầu - ước tính khoảng 14 triệu tấn trong năm 2022. Lượng kẽm tồn trữ ở Châu Âu vào khoảng 225 tấn, nhưng chỉ 25 tấn có sẵn trên thị trường.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng tăng 0,9% lên 9.542 USD/tấn, nhôm tăng 0,6% lên 2.888 USD/tấn, chì tăng 0,7% lên 2.175 USD/tấn, thiếc tăng 1,6% lên 34.645 USD/tấn và nickel tăng 3,5% lên 29.275 USD/tấn.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 23/5 do Trung Quốc nới lỏng những hạn chế chống dịch Covid-19 và chính phủ nước này đưa ra những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc tăng khoảng 3,9% lên 887,5 CNY (133,16 USD)/tấn. Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tăng khoảng 1,7% lên 135,3 USD/tấn. So với mức cao 163 USD/tấn của ngày 7/3, giá quặng sắt 62% Fe giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc giảm xuống 133,5 USD/tấn.
Giá thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải phiên này cũng tăng 1,1%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,9%, thép không gỉ tăng 1,8%.
Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ hủy bỏ những hạn chế đối với các doanh nghiệp, cho phép trở lại hoạt đông từ thứ Tư tuần này (1/6), dần tiến tới kết thúc đợt phong tỏa kéo dài đã 2 tháng.
Các quan chức Thượng Hải cũng công bố một kế hoạch hành động để thúc đẩy nền kinh tế, gồm tăng cường phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và yêu cầu ngân hàng gia hạn các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trên thị trường nông sản, giá đường trắng kết thúc phiên tăng 1,2% 574,7 USD/tấn, sau khi có lúc tăng lên mức cao 575,4 USD/tấn. Các đại lý cho biết thông báo trong tuần trước rằng Ấn Độ áp dụng hạn chế xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 6 năm đã hỗ trợ giá đường quốc tế.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 0,4% lên 2.105 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính tăng 24,2% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt 889.000 tấn.
Giá cao su Nhật Bản tăng do thị trường chứng khoán Tokyo mạnh, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi thị trường Thượng Hải giảm và số liệu bi quan hơn từ lĩnh vực ô tô.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,4 JPY hay 0,2% lên 248,2 JPY (1,95 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải đóng cửa giảm 90 CNY xuống 13.145 CNY (1.972,89 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 21/4 tại 13.355 CNY trong phiên này.
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản tăng 2,2% đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn một tháng. Tập đoàn Toyota cho biết họ không đạt được mục tiêu sản lượng toàn cầu trong tháng 4 do bùng phát Covid-19 và tình trạng thiếu linh kiện đã làm chậm sự phục hồi sau đại dịch.