Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/5 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên phạm vi mục tiêu từ 0,75% đến 1%. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong tương lai khi Fed nỗ lực kiềm chế lạm phát đang cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu và khí tăng do Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu nhập khẩu từ Nga, làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt hơn nữa của thị trường.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 5,17 USD tương đương 4,9% lên 110,14 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,4 USD tương đương 5,3% lên 107,81 USD/thùng.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất gần 14 năm theo xu hướng giá dầu giữa bối cảnh dự báo thời tiết nắng nóng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu làm mát. Hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 46,1 US cent tương đương 5,8% lên 8,415 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 8/2008.
Tại phiên họp của Nghị viện châu Âu ngày 4/5 tại Strasbourg, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga do vấn đề Ukraine, trong đó khẳng định EU sẽ loại bỏ các loại năng lượng từ Nga với lộ trình sáu tháng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm.
Theo đề xuất của bà Von der Leyen, Hungary và Slovakia, hai nước đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu từ Nga, sẽ có thể tiếp tục mua dầu thô từ Nga đến cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện tại.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu từ Nga mỗi ngày, và còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ nước này.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản Price Futures Group (Mỹ), cho rằng trong bối cảnh các kho dự trữ năng lượng đang rất thắt chặt như hiện nay, có nhiều câu hỏi đặt ra về việc châu Âu sẽ bù đắp cho nguồn cung trên như thế nào.
Giá dầu thô đã tăng đều trong hai tháng qua sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Cho đến nay, EU không muốn cắt đứt hoàn toàn nguồn dầu khí nhập khẩu từ Nga, và kế hoạch mới này cũng chưa phải là một lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả các nước thành viên.
Về nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ họp trong ngày 5/5, nhưng dự kiến sẽ duy trì kế hoạch tăng dần sản lượng hàng tháng của mình chứ không tăng sản lượng nhiều hơn.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý thông tin năng lượng (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này chỉ tăng nhẹ 1,2 triệu thùng trong tuần trước.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi Fed tăng mạnh lãi suất làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế khi lạm phát tăng vọt.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,8% lên 1.883,41 USD/ounce, trước đó có lúc giá tăng 1,2%; vàng giao sau giảm 0,1% xuống 1.868,8 USD/ounce.
Chỉ số đô la Mỹ giảm mạnh trong phiên này khiến vàng thỏi trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng giảm.
Suki Cooper, một nhà phân tích thuộc Standard Chartered, cho biết: "Thị trường dự kiến trong cuộc họp tháng 5 FOMC sẽ có xu hướng diều hâu nhưng thị trường vàng coi mức tăng 50 điểm cơ bản không có gì mới lạ, có nghĩa là Fed đã có quyết định ôn hòa chứ không phải ‘diều hâu’
như các nhà đầu tư vàng lo sợ".
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 22,82 USD/ounce, bạch kim tăng 3% lên 990,76 USD, và palladium vững ở 2.255,31 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất gần 4,5 tháng do Mỹ tăng lãi suất trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Trung Quốc bùng phát làm hoạt động nhà máy chậm lại đã ảnh hưởng đến nhu cầu.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,5% lên 9.549 USD/tấn, sau khi giảm 3,7% trong phiên trước đó. Giá đồng đã chạm mức dưới 5.000 USD/tấn trong tháng 3/2022 và đạt mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn trong tháng 3/2022, song tính đến nay giá đồng giảm khoảng 13% từ mức cao đỉnh điểm.
Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết: “Triển vọng trong ngắn hạn là một thách thức lớn”, tuy nhiên, về lâu dài, giá đồng sẽ được hỗ trợ bởi sự chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa - sẽ cần một lượng lớn đồng.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và tránh số phận của Thượng Hải, nơi hàng triệu người đã bị phong tỏa từ hơn một tháng nay.
Nhà phân tích Wenyu Yao của ING cho biết: “Tình hình dịch Covid xấu đi là một trong những luồng gió ngược đè nặng lên thị trường kim loại. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới”.
Về những kim loại cơ bản khác, giá chì tăng 1,5% lên 2.285,50 USD/tấn; nhôm tăng 2,7% lên 2.990 USD/tấn sau khi giảm 4,6% ở phiên liền trước; kẽm tăng 0,2% lên 3.967,50 USD, nickel giảm 0,9% xuống 30,705 USD và thiếc cao hơn 1,1% ở 40,705 USD.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng do Ấn Độ - nước sản xuất lớn trên thế giới – sẽ hạn chế xuất khẩu bởi hạn hán đe dọa sản xuất, mặc dù khi quốc gia này kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trong khi Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 31 US cent lên 10,76-1/2 USD/bushel, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 8/4/2022. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 10 US cent lên 16,4-1/2 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1-1/4 US cent lên 7,94-1/4 USD/bushel.
Ấn Độ đang tìm cách hạn chế xuất khẩu lúa mì, điều này sau đó đã bị các quan chức hàng đầu của Bộ lương thực bác bỏ, mặc dù các đợt nắng nóng gần đây đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất của quốc gia, làm giảm tham vọng xuất khẩu của nước này.
Đầu tuần này, Ấn Độ đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì xuống còn 105 triệu tấn, từ mức 111,3 triệu tấn ước tính vào tháng 2, có khả năng đánh dấu đợt sụt giảm sản lượng đầu tiên sau 5 năm liên tiếp thu hoạch kỷ lục.
Giá ngô vẫn bị áp lực bởi các dự báo về thời tiết khô và ấm áp lên trên khắp khu vực trồng trọt ở đông nước Mỹ, có thể thúc đẩy tiến độ trồng trọt loại cây này.
Giá đường thô giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần do giá dầu thô tăng. Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE ở mức 18,62 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 18,54 US cent/lb – thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 2,1 USD tương đương 0,4% xuống 516,5 USD/tấn – thấp nhất 2 tháng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 2,85 US cent tương đương 1,3% lên 2,208 USD/lb, sau khi giảm gần 3% trong phiên ngày 2/5/2022; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London tăng 22 USD tương đương 1% lên 2.137 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 2.140 USD/tấn – cao nhất 1 tháng.